| Hotline: 0983.970.780

Cổ tích trên đỉnh Gồ Răng

Thứ Năm 13/05/2010 , 10:40 (GMT+7)

Từ 3ha trôm ban đầu của anh Châu Hội, sức lan toả thật diệu kỳ. Không lâu nữa, người dân nơi đây sẽ giàu và rất giàu từ mủ một loại cây rừng chỉ có ở vùng khô hạn…

Đỉnh núi Gồ Răng nằm trong dãy núi CK35 hùng vỹ thuộc thôn Phước Lập, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam được mệnh danh là “chảo lửa” của mảnh đất khô hạn Ninh Thuận, bao đời nay không có một cây gì tồn tại được ngoài xương rồng gai và cây bụi. Thế nhưng, thời thế nay đã đổi khác, bắt đầu từ một loài cây...

Ngồi trong căn nhà mới toanh vừa được xây xong cuối năm 2009 hết gần 200 triệu đồng, anh Châu Hội, thôn Phước Lập, xã Phước Nam không giấu được tự hào: Tất cả từ mủ cây trôm được trồng trên đỉnh Gồ Răng mà ra đấy. Chỉ về bao tải đựng mủ trôm đã được phơi khô để trong góc nhà, anh Hội tiếp: Số mủ trôm này tôi mới thu hoạch xong, giờ mang xuống bán cho các thương lái, gom tiền xây thêm một ngôi nhà mới để cho con gái… cưới chồng (người dân tộc Chăm vẫn duy trì chế độ mẫu hệ). Anh Vạn Văn Lắng, cán bộ kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước, người dẫn tôi đi thăm rừng trôm nói ngang vào: Nhìn vậy thôi, nhưng bao mủ trôm này (khoảng 50kg) của Châu Hội bán đi cũng thu được cả chục triệu đồng. Chả vậy mà từ năm 2007 đến nay, nhờ 3ha trôm đang cho lấy mủ, mỗi năm gia đình anh Châu Hội thu từ 120 – 150 triệu đồng.

Châu Hội đang thu hoạch mủ trôm

Anh Châu Hội kể: Nhà tôi hiện có 5ha trôm, nhưng chỉ có 3ha được trồng từ năm 2000 là đang cho thu hoạch, còn 2ha năm tới mới cho mủ. Với 3ha trôm bắt đầu khai thác từ năm 2007, năm đầu tiên tôi thu được trên 100 triệu đồng (loài cây này có đặc điểm khá kỳ lạ là càng khai thác thì cây phát triển càng nhanh, theo đó chúng cho mủ ngày càng nhiều). Kỹ thuật lấy mủ trôm đơn giản hơn cao su, tức là không phải cạo vỏ và cần gáo để hứng mà chỉ cần đục lớp vỏ quanh cây có bề rộng 5x5cm, sau đó mủ tự chảy ra và cô lại các lỗ đục (vỏ cây khá dày).

Châu Hội cho biết thêm: Từ lúc đục vỏ cho đến khi lấy mủ mất khoảng 10 ngày, từ các lỗ đục này người trồng trôm lấy mủ được 1 – 2 tháng thì chúng tự liền lại và khi khai thác hết thì đục lỗ khác. Với thời gian lấy mủ trong mùa khô từ tháng 1 – 8, mỗi cây trôm cho khoảng 1 – 2kg mủ, giá hiện nay dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/kg mủ khô. Với 1ha trồng 400 cây, thì mỗi năm Châu Hội thu được không dưới 50 triệu đồng/ha từ mủ cây trôm. Nếu giá mủ trôm chỉ cần ổn định 100.000 đồng/kg, thì chỉ vài năm nữa Châu Hội sẽ thành tỷ phú xứ Phan Rang, điều mà trước đây có nằm mơ anh cũng không dám nghĩ tới. Châu Hội cho biết thêm: Cây trôm chỉ thích hợp với vùng đất khô hạn, càng nắng nóng thì chất lượng mủ càng tốt, giá bán mủ trôm nơi đây cũng cao hơn hẳn các nơi khác.

... Đỉnh núi Gồ Răng khô không khốc, ngoài đá chỉ có xương rồng là “đặc sản”. Rít điếu thuốc, ngồi nhớ về thủa hàn vi, Châu Hội đượm buồn kể: Nhà có 7 cái miệng ăn nhưng chẳng có tấc đất sản xuất, hàng ngày vợ chồng tôi sáng sớm đã lọ mọ vào rừng chặt củi, hầm than và tìm cây trôm mọc tự nhiên để cạo mủ, chỉ đủ tiền mua gạo nuôi con. Nhưng người đi rừng ngày càng nhiều, trên rừng chẳng còn gì, cây trôm mọc thưa thớt trên núi bị người dân khai thác tận diệt nên cũng dần biến mất…

Mủ trôm trong suốt, không mùi, là loại nguyên liệu quan trọng dùng trong công nghiệp chế biến nước giải khát. Mủ trôm còn được dùng làm chất kết dính trong ngành dược và kỹ nghệ. Về mặt y học, mủ trôm có tác dụng điều hoà đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương…

Bên cạnh đó với đặc điểm của trôm là loại cây thân gỗ, sống lâu năm. Gỗ trôm có thể dùng làm bao bì, bột giấy, ván dăm, ván sợi, do vậy khi khai thác mỗi ha trôm người dân còn thu hàng trăm triệu đồng từ bán gỗ…

Đêm về Châu Hội trằn trọc suy nghĩ tại sao cây trôm sống được trên đỉnh Gồ Găng thì sao mình không trồng thử? Cơ hội đến với anh đó là năm 2000, Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước triển khai đề tài "Khôi phục cây bản địa trong dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc". Và Châu Hội là người được chọn tham gia dự án trồng trôm trên núi đá.

Theo đó cứ trồng 1ha trôm, Châu Hội được hỗ trợ 7 triệu đồng (trồng và chăm sóc trong 3 năm đầu). Như người chết đuối vớ được cọc, hàng ngày vợ chồng Châu Hội mang theo cơm nắm cá khô, lặn lội đi từng hang cùng ngõ hẻm trên núi tìm hạt trôm về ươm cây, rồi phát quang, đào hố đợi mùa mưa xuống. Châu Hội kể: Cực nhất là công đoạn đào hố, với loại đất sỏi đá không có loại cuốc nào chịu nổi tôi phải dùng xà beng, mỗi ngày cật lực cũng chỉ được 20 hố. Sau hơn 3 tháng chuẩn bị và đến tháng 10 mùa mưa đến, tôi bắt đầu trồng trôm. Công tác chuẩn bị thì vất vả nhưng chăm sóc lại rất nhàn. Loại cây này chịu hạn rất giỏi, nên khi trồng xuống là chúng sống hết, kỹ thuật chăm sóc chẳng có gì phức tạp cả, chỉ cần trông coi làm sao để không cho gia súc phá hoại vì lá trôm ngọt hợp khẩu vị trâu bò.

... Vất vả vô cùng tôi mới theo được những bước chân của cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước lên đỉnh Gồ Răng giữa mùa khô nóng rát. Đứng trên đỉnh Gồ Răng phóng tầm mắt ra xung quanh, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn màu xanh của trôm. Anh Đặng Kim Cương, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước phấn khởi: Cách đây hơn 5 năm, khu vực Gồ Găng được coi là vùng “đất chết” khi nguồn nước thiếu trầm trọng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Giờ đây, một phần diện tích đã được phủ xanh bởi những vườn trôm.

Vâng, từ 3ha trôm ban đầu của anh Châu Hội, sức lan toả thật diệu kỳ. Chỉ trong vòng 10 năm, diện tích rừng trôm của người dân Phước Lập trên đỉnh Gồ Răng đã lên tới 120ha, trong đó có 30ha trôm đang cho lấy mủ. Không lâu nữa, người dân nơi đây sẽ giàu và rất giàu từ mủ một loại cây rừng chỉ có ở vùng khô hạn…

+ Bạn đọc quan tâm tới cây trôm, có thể liên hệ với ông Đặng Kim Cương, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước theo số 0913198048.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất