| Hotline: 0983.970.780

Có tiền muốn sạch cũng không dễ

Thứ Sáu 08/04/2011 , 10:18 (GMT+7)

Dự án VSMTNT đã "chảy" về các xã ở TT-Huế, ấy vâyh mà vẫn có một thực trạng đáng buồn là rác vẫn… ngập xóm làng.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, từ tháng 3/2008 đến nay, Trung tâm Nước sạch & VSMT nông thôn TT- Huế đã triển khai Dự án VSMTNT ở trên 30 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng. Thế nhưng, khi dự án "chảy" về các xã, sau một thời gian triển khai, một thực trạng đáng buồn là rác vẫn… ngập xóm làng.

Tiền triệu vứt kho

Dạo quanh một vòng về các khu vực nông thôn ở TT- Huế- nơi có những xã được hưởng lợi từ Dự án VSMTNT, trên những con đường liên xã, thôn, thực trạng người dân vứt rác bừa bãi, không cho vào thùng chứa vẫn diễn ra. Thậm chí, có nhiều địa phương được đầu tư thùng chứa, xe thu gom rác và các hạng mục phụ trợ phục vụ cho công tác thu gom rác khá đầy đủ nhưng lại vứt xó ngay trụ sở ủy ban.

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), mặc dù đầu năm 2010, được đầu tư 35 thùng chứa rác, 8 xe đẩy cùng các phương tiện, hạng mục phụ trợ thu gom rác khác, thế nhưng đến nay, chương trình dự án vẫn dẫm chân tại chỗ khi thùng rác không được đưa về với các thôn mà mang “cất kho” ngay trụ sở ủy ban xã, gây lãng phí hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, khi dự án VSMT được đưa về, chính quyền xã đã cam kết thành lập đội thu gom rác, xây dựng các khu chứa rác trung chuyển.

Một thực trạng đáng lo ngại là người dân theo tập quán, thói quen cứ cho rác vào bao đựng rồi vứt ngổn ngang trên đường làng. Chị Nguyễn Thị Tư, một người dân ở Phú Thuận, cho biết: “Từ trước đến nay bà con ở đây theo thói quen tập kết rác bên đường làng, đến khi đầy, trời nắng thì đốt, mưa thì đào hố chôn, chứ mang rác bỏ vào thùng đợi công nhân đến mang đi thì chưa quen lắm. Vả lại, thấy thùng rác vẫn nằm ở trụ sở ủy ban xã chứ đã đưa về cho thôn quản lý mô nên cũng chẳng có mà bỏ”.

Không chỉ có xã “chất kho” các hạng mục, phương tiện thu gom rác được đầu tư hàng trăm triệu đồng từ dự án mà còn có các địa phương khi đưa các phương tiện, hàng mục trên vào sử dụng không hiệu quả, chỉ sau một thời gian ngắn bị rác lấp đầy, mục nát. Tại các xã Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh (huyện Phú Vang) mặc dù đã được trang bị đầy đủ các phương tiện thu gom rác từ dự án nhưng khi triển khai về cho các thôn, đành phơi mưa phơi nắng vì người dân không sử dụng đến.

Ông Nguyễn Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, giải thích: “Năm 2003, địa phương được đầu tư 120 nắp đậy thùng rác di động, 20 xe đẩy cùng các hạng mục phụ trợ khác. Ngay sau khi dự án triển khai đã đưa số phương tiện trên về các thôn để thu gom rác. Thế nhưng, xã không thành lập được đội thu gom rác do không có kinh phí, mặt khác do thói quen của người dân trong xã, rác được đốt hoặc chôn trong vườn nhà nên khi các hạng mục trên đưa về người dân không mấy ngó ngàng đến”.

Thu không đủ chi

Khi về thực tế tại các xã, điều chúng tôi ghi nhận trong quá trình triển khai dự án đã nảy sinh nhiều bất cập, trong đó vấn đề nổi cộm là thiếu kinh phí thu gom, vận chuyển, các bể chứa rác phải nằm xa khu dân cư nên gây khó khăn cho công tác thu gom.

Toàn huyện Phú Vang có 13/20 xã, thị trấn có điểm thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, hầu hết các xã sau khi thành lập đội thu gom, hợp đồng vận chuyển rác với Cty Công trình và Môi trường đô thị Huế đều không có đủ kinh phí chi trả. Tại xã Phú Mỹ, năm 2008 được đầu tư 5 xe đẩy, 70 nắp thùng rác di động cùng hàng chục hạng mục phụ trợ khác. Năm 2009, sau khi đưa các hạng mục trên về tận địa bàn thôn để thu gom rác một thời gian, đến khi hoạch toán kinh phí thì xã phải bội chi ngân sách đến hơn 50 triệu đồng.

Ông Thái Trĩ, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, băn khoăn: “Khi dự án được triển khai về với địa phương, sau khi họp dân, bàn bạc thống nhất, năm 2009 chúng tôi tiến hành thu trên 2.000 hộ, mỗi hộ đóng 5.000 đồng/tháng. Thế nhưng, thực tế chỉ 60% số hộ dân đóng tiền đầy đủ. Trong khi đó, phải chi trả kinh phí cho đội thu gom rác, tiền vận chuyển từ 8-10 khối mất 980.000 đồng/xe/chuyến. Số tiền ngân sách đã ít ỏi, nhưng cũng phải “cắn răng” mà bù vào kinh phí xử lý rác thải sinh hoạt của xã. Kỳ họp HĐND tỉnh trong năm 2010 cũng đã thông qua Nghị quyết về thu phí vệ sinh với mức phí ở nông thôn tăng lên 7.000 đồng/ tháng, với mức phí đó cũng chẳng thấm vào đâu cho quy trình thu gom, xử lý rác thải ở mỗi địa phương".

Trong năm 2010, số thu phí đạt 6,6 tỷ đồng là khoản thu ngân sách nhà nước được sử dụng để bù đắp một phần chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh TT- Huế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ ở huyện Phú Vang mà còn các địa phương khác như Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy tình trạng thiếu kinh phí khi thực hiện dự án VSMTNT vẫn đang gây khó khăn cho nhiều xã.

+ “Hàng năm, Sở KH-ĐT TT- Huế nên tiếp tục bố trí kinh phí và các phương tiện, cơ sở vật chất cho những xã đã triển khai dự án VSMT của những năm trước để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, đối với những xã có điều kiện và nhu cầu cấp thiết trong việc thu gom và xử lý rác thải cần có chủ trương hỗ trợ đầu tư mua xe ben vận chuyển rác nhằm giảm chi phí trong công tác thu gom và xử lý", ông Phan Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT TT- Huế, kiến nghị.

Vấn đề nảy sinh nhiều bất cập trong việc thực hiện Dự án VSMTNT không chỉ ở mức hạn hẹp về kinh phí, ý thức người dân kém mà còn thể hiện tính khả thi, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan bởi mỗi địa phương đều mang một đặc thù riêng về điều kiện địa lý, hạ tầng đô thị. Thực tế cho thấy hiện nay ở các địa phương rác thải hằng năm không ngừng tăng về cả số lượng lẫn tính đa dạng phức tạp gây áp lực đối với môi trường và công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Tại xã Phú Dương, công tác thu gom rác thải cũng gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu đang lên, mỗi tháng địa phương này hợp đồng với Cty Công trình và Môi trường đô thị Huế chở 5 chuyến, 1 chuyến kinh phí chi trả là 3,5 triệu đồng. “Hiện tại quảng đường đưa rác đi xử lý xa hơn, giá xăng cũng tăng nên chúng tôi phải làm lại hợp đồng điều chỉnh giá vận chuyển”, ông Dương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương, nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Thao, Phó Phòng TN- MT huyện Phú Vang khẳng định: “Thực tế cho thấy hàng năm, ở mỗi xã khi thực hiện thu gom rác thải, ngân sách địa phương phải bù khoảng thêm 30-50 triệu đồng để chi trả chi phí cho đội ngũ thu gom và cho việc thuê xe xử lý rác. Sắp tới, khi thực hiện Nghị quyết thu phí vệ sinh của HĐND tỉnh, những địa phương không thực hiện dự án, để các hạng mục xử lý rác phải “chất kho” thì phải chuyển cho các địa phương khác để triển khai nhằm tránh lãng phí".

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất