| Hotline: 0983.970.780

Cô Tô thực hiện tốt nghị quyết về “tam nông”

Thứ Sáu 12/07/2013 , 10:51 (GMT+7)

Trong điều kiện khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân, bức tranh kinh tế - xã hội huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã từng bước khởi sắc, nhất là Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Trong điều kiện khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân, bức tranh kinh tế - xã hội huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã từng bước khởi sắc, nhất là Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Huyện Cô Tô triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của một huyện đảo xa đất liền, nhất là về điện, nước, giao thông kết nối với đất liền.

Tuy nhiên, được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của huyện, việc thực hiện Nghị quyết ở huyện Cô Tô đã đạt được kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi; quốc phòng - an ninh trên vùng biển đảo luôn được đảm bảo, kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh chóng.

Sự đổi thay dễ nhận thấy nhất ở Cô Tô là nhiều dự án, công trình được đầu tư trên địa bàn huyện đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, làm thay đổi cơ bản diện mạo của huyện và góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.


Khởi công xây dựng hệ thống điện lưới ra đảo Cô Tô

Huyện đã triển khai xây dựng tuyến đường cơ động ven bãi biển Hồng Vàn 3,7 km, tuyến đường xuyên đảo Thanh Lân 11,5 km, tuyến đường trên đảo Trần 3 km; xây dựng mới cảng Cô Tô, cảng Thanh Lân, bến cập tầu đảo Trần đảm bảo neo, cập tầu có công suất từ 90 - 200 CV; xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc bộ có tổng diện tích 54 ha, với tổng mức đầu tư 457 tỷ đồng, tạo khu neo đậu tránh trú bão cho 415 tầu thuyền cùng lúc; xây dựng mới, nâng cấp các công trình hồ nước: Trường Xuân, Chiến Thắng 2, Bạch Vân, C22, C21, 3 hồ chứa nước trên đảo Trần, với tổng kinh phí trên 146 tỷ đồng.

Hơn nữa, huyện đã hỗ trợ vật liệu cho nhân dân tự thi công, bê tông hóa được trên 8,5 km đường ngõ xóm, mở mới 1.065 m đường liên thôn; tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống điện diesel, nâng giờ phát điện khu vực trung tâm huyện lên 23/24 giờ trên ngày; chuẩn bị đón điện lưới quốc gia ra huyện đảo với tổng kinh phí đầu tư của dự án là 1.107 tỷ đồng.

Toàn huyện đã có 7/9 trường học đạt chuẩn và hoàn thành đầu tư đạt chuẩn quốc gia, 2 trường còn lại đang thực hiện đầu tư để 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trong năm 2013; trường Trung học phổ thông huyện với giá trị đầu tư 47 tỷ đồng được khánh thành, đưa vào sử dụng trong năm 2012. Về y tế, huyện đã đầu tư nâng cấp trạm y tế xã Thanh Lân, xây dựng mới phân trạm y tế thôn Nam Đồng, trạm y tế xã Đồng Tiến.

Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huyện tăng cường kêu gọi đầu tư, sự giúp đỡ, tài trợ của các doanh nghiệp. Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ xây dựng Trạm Y tế xã Đồng Tiến với kinh phí 4,87 tỷ đồng; Tổng Cty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga (Vietsopetro) mỗi đơn vị tài trợ 10 tỷ đồng cho xây dựng các công trình an sinh xã hội tại 2 xã NTM; Tổng Cty Đông Bắc ủng hộ 10 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng đảo Trần phục vụ công tác di dân phát triển kinh tế - xã hội trên đảo; Cty Sa Vĩ trao tặng công trình Nhà chờ cho hành khách tại Cảng Cô Tô... Doanh nghiệp Mạnh Quang, doanh nghiệp Phúc Thịnh đầu tư đóng mới 4 tầu cao tốc vận tải khách tuyến Cô Tô - Vân Đồn giá trị trên 30 tỷ đồng.

Các đoàn thể của huyện huy động nguồn xã hội hóa xây mới 10 nhà ở cho hộ nghèo, giá trị trị từ 50 -100 triệu đồng/hộ. Huyện đã tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả 500 tấn xi măng từ quỹ Chung sức xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh. Người dân, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã tham gia, đóng góp trên 9.000 ngày công và hiến trên 5.000 m2 đất để xây dựng các công trình điện lưới, giao thông nông thôn, công trình công cộng.

Về phát triển kinh tế, HĐND huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất như: hỗ trợ đóng mới, cải hoán phương tiện khai thác hải sản; hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Ngành kinh tế mũi nhọn của huyện là thủy sản luôn vượt kế hoạch, năm 2008 đạt 11.180 tấn, đến 2012 đạt gần 15.000 tấn. Ngành dịch vụ, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Huyện khuyến khích việc phát triển du lịch tại nhà dân (homestay) thông qua các hình thức hỗ trợ như: hỗ trợ xây trên 400 nhà vệ sinh khép kín với mức 5 triệu đồng/công trình; hỗ trợ lãi suất vay vốn xây dựng nhà ở kết hợp đón khách, hỗ trợ cải hoán phương tiện khai thác thủy sản kết hợp chở khách…

Sau hơn 02 năm, thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển du lịch, lượng khách du lịch tăng đột biến, năm 2010 có 3.500 lượt, năm 2012 có trên 35.000 lượt khách đến Cô Tô.

Về văn hóa - xã hội, huyện đã tổ chức tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào "Chung sức xây dựng NTM”. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện đã được tuyên truyền về mục đích, mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng NTM; xác định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Huyện đã in, phát trên 12.000 tài liệu các loại về NTM...

Đến tháng 6/2013, toàn huyện có 8/12 khu dân cư tiên tiến, số hộ gia đình văn hóa đạt 73,2%, có 6/12 thôn, khu đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 100% thôn khu có nhà văn hóa đạt chuẩn. Hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện được đầu tư nâng cấp; 100% các hộ dân trên địa bàn được trang bị đầu thu truyền hình kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Đầu năm 2012, Cô Tô trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phủ sóng wi-fi toàn bộ địa bàn, phục vụ cán bộ, nhân dân, khách du lịch truy cập internet miễn phí.

Điều quan trọng nhất trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) tại Cô Tô là, nhờ sự đầu tư của tỉnh và Trung ương thông qua các chương trình, dự án phát triển hạ tầng, cùng với việc xác định và tập trung đầu tư đúng hướng cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, mức thu nhập và đời sống của nhân dân huyện Cô Tô không ngừng được cải thiện.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 13,95% (năm 2008) còn 1,32% (năm 2012); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 20%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp cao, chiếm trên 70%.

Đến nay các xã của Cô Tô đã đạt 15/19 tiêu chí, dự kiến đến cuối tháng 9/2013 sẽ hoàn thành Chương trình xây dựng NTM, về đích trước tiến độ chung của tỉnh Quảng Ninh là 2 năm, trước tiến độ chung của cả nước là 7 năm.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.