| Hotline: 0983.970.780

Có vô vàn lý do để một thiếu niên hay một thanh niên lâm vào nghiện ngập

Thứ Tư 24/08/2016 , 06:45 (GMT+7)

Không may bố cháu bị ung thư, ung thư hạch, điều trị liên miên. Tưởng em trai cháu sẽ tu tỉnh khi thấy gia đình lâm vào cảnh người trụ cột đau lâu ốm dài. Nhưng nó vẫn tỉnh bơ, đi miết, đi vào cả Sài Gòn và miền Đông với đám bạn...

Thưa cô!

Gia đình cháu không giàu, không có bố làm quan to mà em trai cháu lại sớm đi vào con đường nghiện ngập? Thật là bất hạnh cho nhà cháu. Khi biết nó nghiện, bố cháu đã suy sụp hẳn. Mẹ cháu thì cứng cỏi hơn.

Bố cháu ngày trước là kỹ sư chăn nuôi, từng làm trại trưởng trại chăn nuôi của tỉnh thời kinh tế bao cấp. Kinh tế thị trường, bố nghỉ hưu sớm, ở nhà điền viên, bố mẹ có một khu vườn 500 m2, tự tay bố xây nhà, từng chút một. Cháu là chị cả, ăn và học, yêu và lấy chồng, ra riêng, tự phấn đấu và giờ cũng có một vị trí nhỏ ở huyện nhà. Em trai cháu lười học từ bé, không lấy nổi bằng PTTH và theo bạn hay lên cửa khẩu làm ăn. Nó sa ngã từ đây.

Không may bố cháu bị ung thư, ung thư hạch, điều trị liên miên. Tưởng em trai cháu sẽ tu tỉnh khi thấy gia đình lâm vào cảnh người trụ cột đau lâu ốm dài. Nhưng nó vẫn tỉnh bơ, đi miết, đi vào cả Sài Gòn và miền Đông với đám bạn.

Mẹ cháu hai lần đi tìm nó. Cháu cũng đã một lần đi triệu nó về và đưa đi trại. Bắt cóc bỏ đĩa cô ạ. Mẹ còn muốn nó lấy vợ để vợ và con giữ chân. Nhưng nó không còn là đứa con và đứa em nữa cô. Bạn bè, lang bạt, hút chích đã biến nó thành kẻ đáng sợ khi sống trong gia đình.

Mẹ luôn ép bố dùng thuốc đông y để sống, hy vọng ngày con trai trở về lành mạnh. Thật hão huyền đúng không cô? Cháu có một kênh qua gia đình bạn bè nó và biết nó đã làm gì, ở đâu, sống và bị những vụ gì. Mới đây, kênh thông tin đó báo cho cháu biết nó xuất hiện ở vài nhà bà con trong Sài Gòn và làm tiền họ. Ai cũng thương bố cháu nên cho tiền nó.

Chưa bao lâu thì tin ra nó đã chết. Cháu thự sự không dám nói với mẹ, với bố càng không. Cháu lấy cớ là có một chuyến tham quan phía Nam do cơ quan tổ chức để vào trong đó, đưa em đi hỏa táng và gửi tro cốt trong một ngôi chùa.

Càng giấu thì việc nói ra càng khó, cháu không nghĩ nó khó như vậy đó cô. Bố cháu vừa trở bệnh, ung thư hạch dù ít nguy hiểm nhưng người bệnh lúc nào cũng chờ một kết thúc. Cháu càng không dám nói gì về chuyện em trai. Mẹ cháu có linh cảm, cứ truy cháu nhưng bệnh của bố hút cạn sức lực bà. Cháu làm sao đây cô?

------------------------

Cháu thương mến!

Một gia đình có người nghiện, cô hình dung được chứ, chung quanh cô quá nhiều và gia tộc cô cũng có - không thể nào có bình yên được nữa ngay cả khi người nghiện ra đi. Đầu tiên là gánh nặng tâm lý, ở khoảng giữa là gánh nặng tiền bạc, gần cuối là gánh nặng tổng hợp, mọi thứ và kết thúc là gánh nặng của tổn thất. Không gì thay thế được một con người, một con người mất đi vì bất cứ lý do gì cũng không thể làm cho người thân nguôi ngoai được. Ở cầu thang của chung cư cũ chỗ cô có một cậu qua đời vì nghiện (và một người em của cậu ấy đang ở trại nữa), chao ơi sự đời, cô nghĩ về gia đình họ mỗi khi đi qua, không bao giờ thôi nghĩ.

Có vô vàn lý do để một thiếu niên hay một thanh niên lâm vào nghiện ngập. Ma túy ngày nay ghê gớm chứ đâu như á phiện, đèn bàn ngày xưa, chỉ cần hít 2 lần là bị nghiện, đám bạn nghiện dí một gã chưa nghiện xuống bắt hít, thế là xong đời, xong một gia đình đang yên ổn. Mấy ai biết cái “khả năng” ghê gớm ấy của bột trắng mà cảnh báo con cái, nhưng liệu có cảnh báo được không khi ma túy nhan nhản ngoài ngõ, trên đường, chúng ta không thấy chứ người nghiện họ nghe thấy ngay.

Thôi thì, cháu đã rất có tấm lòng và trí tuệ trong chuyện đứa em của mình. Đi triệu nó ra, xử lý hậu quả tiền nong và cuối cùng, lại đi nhận xác nó, hóa tro và gửi chùa. Mọi việc cho một sinh linh đau khổ cháu đã cáng đáng và hãy nghĩ, nó đau khổ hơn cháu vì nó nghiện ngập lâu dài. Coi như em nó sút nôi từ bé, nghĩ vậy cho nhẹ lòng, lại nữa, nó không vợ không con, không có ai trên đời phải đau khổ ngoài bố mẹ và chị, vậy là đủ, nghĩ cho kỳ cùng sẽ thấy âu là, đời nó ngắn, đành thôi.

Nên giữ cho bố và cho mẹ để mẹ chăm bố. Bằng linh cảm có lẽ họ biết con mình đã đi, có thể từ giấc mơ, báo mộng, chiêm bao dữ… Nói thì chuyện cũng đã xong, bố sẽ quỵ hẳn và mẹ sẽ không còn sức để gồng gánh chăm lo. Điều cháu phải đối diện là sức khỏe bố sẽ không bền, chữa làm sao, kéo dài ra sao, mọi thứ cho một cuộc chia tay nữa. Cố lên, vai trò của cháu cực kỳ quan trọng đó nghe.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất