| Hotline: 0983.970.780

Coi cây điều như "máu thịt"

Thứ Tư 21/05/2014 , 06:55 (GMT+7)

Do coi cây điều như máu thịt, luôn biết chăm sóc, cải tạo tốt nên vườn điều của ông Luyến vẫn thu hoạch đều đều, năng suất đạt từ 3 - 3,5 tấn/ha. 

Ông Nguyễn Thanh Bích, trưởng ấp 94 (xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai) dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực trồng điều lớn của xã. Nhìn từ xa, những cây điều trên 25 năm tuổi nối nhau thẳng tắp, tán lá giao nhau xanh rì.

Vừa bước tới đầu rẫy đã nghe tiếng ve sầu kêu râm ran như một dàn nhạc giao hưởng, xa xa thấp thoáng những cô thôn nữ nói cười ríu rít đang lượm hạt điều còn ướt đẫm sương mai.

Người đàn ông ngoài 60 tuổi đang lúi húi phơi điều, thấy chúng tôi liền chạy ra tươi cười mời vào uống nước. Qua trò chuyện, được biết ông tên Võ Phú Luyến (Sáu Mạnh) chủ trang trại điều rộng 4,5 ha tại đây. Nhờ trồng và thu mua điều, từ hai bàn tay trắng, gia đình ông đã phất lên thành hộ khá giả trên vùng đất mới.

Ông Luyến quấy ly cà phê mời khách, rồi nói: “Các anh thông cảm, tiếp các anh ở nhà thì chè nước đầy đủ hơn. Giờ cũng vào thời điểm thu hoạch vét, tôi phải túc trực coi người làm và cân đong thu mua điều, lu bu lắm!”.

Vừa hớp một chút cà phê, ông Luyến kể, ông quê gốc ở huyện Cái Bè, Tiền Giang. Tình cờ năm 1980 ông lên thăm người chị ở nông trường trồng mía thuộc huyện Định Quán rồi ở lại luôn. Trong thời gian đi làm thuê, ông quen một nữ công nhân rất dễ thương, hay lam hay làm và se duyên nên vợ nên chồng.

Năm 1985 ông tổ chức đám cưới đãi tiệc ngọt, nhưng rất vui. Cưới xong, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhà cửa không có, hai vợ chồng phải đi ở nhờ nhà người chị. Công việc luôn bếp bênh, vài năm sau nông trường mía giải thể, hai vợ chồng phải ra ngoài bươn trải.

Đang loay hoay chưa biết xoay sở kiểu gì, bỗng nhiên năm 1990 có người gạ bán cho ông 2 ha điều với giá rẻ. Ông chạy vạy vay mượn khắp nơi, hết bên nội sang bên ngoại, cuối cùng cũng được một ít tiền đặt cọc rồi trả dần. Hồi mới mua rẫy, ai đi ngang qua cũng phải lắc đầu nói “người ta không làm được phải bán bỏ, ông lại rước vào thì thất bại sớm”.

Ai nói ngược nói xuôi mặc kệ, ông quyết theo tới cùng. Ngày ngày, hai vợ chồng lăn lưng cuốc xới, làm cỏ, mượn tiền mua phân về chăm bón. Nhờ chịu khó cần cù, cây điều như được hồi sinh, phát triển rất nhanh.

Ông Nguyễn Thanh Bích, trưởng ấp 94 cho biết, xã Túc Trưng có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất đỏ bazan phù hợp cho việc phát triển cây điều. Cả xã có 1.198 ha, riêng ấp 94 có khoảng 1.000 ha đất
trồng điều.

Trước đây bà con chủ yếu trồng giống điều hạt, giống của địa phương. Những năm gần đây đã mạnh dạn chuyển sang trồng giống điều ghép cho năng suất cao, trong đó gia đình ông Võ Phú Luyến là một điển hình.

Chỉ một năm sau vườn điều đã đơm bông kết trái, cây nào cây nấy lúc lỉu quả. Những năm đầu thu hoạch điều, vừa trúng giá, vừa được mùa nên kinh tế gia đình nhanh chóng được cải thiện.

“Nếu so sánh trồng điều với cà phê, thì trồng điều khỏe hơn, giảm được nhiều công chăm sóc, đầu tư lại thấp. Mấy năm làm ăn được, có tiền tôi lại mua thêm rẫy, tới giờ đã có 4,5 ha điều rồi”, ông Luyến cười tươi.

Nói về việc chăm sóc và cải tạo vườn điều, ông Luyến chia sẻ: "Cây điều là cây lâu năm, ngoài kỹ thuật bón phân, tỉa cành, tạo tán, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch… ,thì người trồng điều phải có tính kiên trì mới thành công. Bởi vì cây điều (giống trồng bằng hạt) thì trên 10 năm trở đi năng suất mới cao và ổn định được".

“Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cây điều bị kém năng suất, giá cả không ổn định, một bộ phận người dân sang rủ tôi bỏ điều, trồng cao su. Tôi mà nghe họ thì giờ này làm gì có điều mà thu.

Hơn nữa, do coi cây điều như máu thịt, luôn biết chăm sóc, cải tạo tốt nên vườn điều của tôi vẫn thu hoạch đều đều, năng suất đạt từ 3 - 3,5 tấn/ha.

Quan điểm của tôi dứt khoát không chuyển đổi cây gì khác, nhưng mình phải chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT vào chăm sóc và có điều kiện thì chuyển dần sang giống mới cho năng suất cao hơn”, ông Luyến khẳng định.

Ngoài việc áp dụng tiến bộ KHKT, đưa năng suất cây điều ngày một nâng cao, ông Luyến còn hỗ trợ vốn không tính lời cho khoảng 20 hộ gia đình (10 - 50 triệu/hộ tùy theo diện tích điều) để cùng nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.