| Hotline: 0983.970.780

Coi trời bằng... nửa con mắt

Thứ Năm 28/07/2011 , 09:31 (GMT+7)

Trong thời gian làm GĐ Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Nguyễn Anh Tuấn đã đầu tư tài chính vào một số dự án trong và ngoài nước nhưng hầu hết đều trái pháp luật dẫn tới thất thoát tiền của nhà nước hết sức nghiêm trọng.

Trong thời gian làm GĐ Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Nguyễn Anh Tuấn đã đầu tư tài chính vào một số dự án trong và ngoài nước nhưng hầu hết đều trái pháp luật dẫn tới thất thoát tiền của nhà nước hết sức nghiêm trọng.

>> Vì sao sai phạm của nguyên GĐ Cty Cao su Kon Tum chưa được xử lý?

Theo tài liệu thanh tra của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (CNCS VN), cách đây 8 năm, Cty CS Kon Tum thành lập Cty cổ phần Hưng Yên với vốn điều lệ gần 8 tỷ đồng (nói nôm na là “công ty con”). Cổ đông sáng lập của Cty này ngoài ông Tuấn đại diện phía Cty CS Kon Tum, thì bên kia chỉ có cổ đông duy nhất là bà Phan Thị Oanh (vợ ông Tuấn) góp vốn. Sau 5 năm (2005-2010), Cty CS Kon Tum đã chuyển về Cty Hưng Yên tài sản và tiền mặt tổng cộng 70 tỷ đồng. Điều này cho thấy tuy gọi là DN cổ phần nhưng từ ngày thành lập, hoạt động của Cty Hưng Yên lại dựa hoàn toàn vào vốn của DNNN là Cty CS Kon Tum “bơm” sang.

KS Hưng Yên do Cty CP Hưng Yên (Cty con của Cty Cao su Kon Tum) đầu tư

Đặc biệt, tất cả các lần góp vốn cho Cty cổ phần Hưng Yên bằng việc trích quỹ phúc lợi đều được thực hiện theo quyết định của ông Tuấn một cách trái pháp luật. Đáng lưu ý, hoạt động của Cty cổ phần này không hề có biên bản họp cổ đông sáng lập, số lượng cổ phần đăng ký tham gia của từng cổ đông, số lượng thành viên HĐQT, chỉ định Chủ tịch HĐQT, TGĐ, kế toán trưởng, quyết định góp vốn lần đầu và phê chuẩn thông qua điều lệ Cty cổ phần Hưng Yên. Các lần thay đổi vốn điều lệ cũng đều thiếu các thủ tục quy định.

Ngay từ đầu thành lập Cty CP Hưng Yên đã có dấu hiệu hoạt động vô nguyên tắc, ông Tuấn mặc sức tiêu tiền của nhà nước thông qua các dự án xây dựng công trình hết sức vô trách nhiệm. Chẳng hạn trong việc đầu tư xây dựng các công trình như khách sạn Hưng Yên 1,2,3; Siêu thị Koruco; Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe; Khu kinh doanh tổng hợp… đều có tổng mức đầu tư lớn hơn 50% giá trị tài sản của DN nhưng đều thiếu thủ tục xin thỏa thuận chủ trương đầu tư của Tập đoàn CNCS VN.

Đơn cử như trường hợp xây dựng khách sạn Hưng Yên 1, Cty CS Kon Tum có tờ trình xin chủ trương đầu tư, không có phê duyệt của Tập đoàn CNCS VN, nhưng vẫn tiến hành xây dựng. Dự án này không hề có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, kế hoạch đấu thầu. Ông Tuấn tự ý ký quyết định chỉ định thầu gần 6,2 tỷ đồng (theo quy định của Luật Đấu thầu trên 1 tỷ đồng phải đấu thầu-PV). Trong quá trình thi công, Cty CP Hưng Yên đã quyết toán dự án lên đến 11,4 tỷ đồng, trong đó xây lắp hơn 8,8 tỷ đồng.

Mặt khác, trong quá trình triển khai xây dựng các dự án, nhằm “lách luật” Cty CP Hưng Yên còn chia nhỏ các gói thầu để chỉ định thầu. Ngoài ra, việc điều động, chuyển nhượng, thanh lý tài sản từ Cty CS Kon Tum sang Cty CP Hưng Yên cũng có dấu hiệu trái pháp luật. Chẳng hạn, việc chuyển 5 xe tải IFA, 1 xe Huyndai nguyên giá 971,6 triệu đồng đã hết khấu hao từ DNNN sang Cty cổ phần mà không qua hình thức đấu giá, hợp đồng mua bán. Vì vậy, không khó hiểu khi hàng năm Cty Hưng Yên đều hạch toán lời, nhưng khi kiểm tra thì lỗ lũy kế hơn 300 triệu đồng.

Sau khi thanh tra, Tập đoàn CNCS VN đã yêu cầu Cty CP Hưng Yên phải thu hồi hơn 1,7 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa quyết toán của đơn vị và số liệu được kiểm toán xác định từ các tổ chức và cá nhân có liên quan, đồng thời yêu cầu Cty Cao su Kon Tum thu hồi 70 tỷ đồng của quỹ phúc lợi mà công ty đã sử dụng sai mục đích, xử lý kỷ luật các cán bộ sai phạm theo quy định.

“Chúng tôi đang đề xuất Tập đoàn CNCS VN cấp vốn đầu tư mới vào Cty CP Hưng Yên để trả lại nguồn vốn vào quỹ phúc lợi mà trước đây Cty Cao su Kon Tum đã đầu tư vào hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân, ý kiến của lãnh đạo địa phương và Tập đoàn CNCS VN nhằm có phương án ăn chia sản phẩm mủ cao su với người dân sắp tới đây cho phù hợp” (Ông Lê Khả Liễm, TGĐ Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum)

Ngoài việc góp vốn cho Cty CP Hưng Yên, thanh tra Tập đoàn CNCS VN còn phát hiện Cty Cao su Kon Tum còn đầu tư tài chính cho 4 dự án khác gồm Cty cổ phần Cao su Lai Châu hơn 10,3 tỷ đồng; góp vốn cho Cty cổ phần Cao su Lai Châu II 6 tỷ đồng, Cty cổ phần Cao su Sa Thầy 9,6 tỷ đồng và Nhà máy Chế biến Ngọc Hồi nhưng tất cả đều không có ý kiến của người đại diện vốn khi công ty chuyển tiền góp vốn.

Từ khi làm giám đốc Cty CS Kon Tum, ông Nguyễn Anh Tuấn còn liên tục lập ra những Cty, xí nghiệp con. Trong giai đoạn năm 1993-1996, Xí nghiệp Xây lắp trực thuộc Cty CS Kon Tum đã ôm hơn 2 tỷ đồng của Cty Kon Tum ra nước ngoài đầu tư… không phép, hậu quả làm mất toàn bộ số tiền này. Đó là số tiền lớn vào thời điểm ấy, nhưng những người làm trái không bị xử lý nghiêm. Những năm sau đó cán bộ, nhân viên Cty CS Kon Tum oằn lưng trả nợ.

Một điều khuất tất nữa là trong nhiều năm nay cao su đều được mùa, được giá nhưng giám đốc Tuấn chỉ bán cho 1 khách hàng duy nhất là Cty TNHH Hương Hải. Công ty này còn được thêm phần ưu ái nữa là kinh doanh không cần vốn lại được chiếm dụng vốn để kinh doanh. Theo kiểm tra đến 01/01/2010, Cty Hương Hải còn nợ gần 80 tỷ đồng.

Phải nói rằng 20 năm làm giám đốc Cty Cao su Kon Tum, ông Tuấn đã để lại cả một hệ thống sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận rất bất nình, phẫn nộ nhưng nay lại được điều đi một công ty khác với chức vụ cao hơn. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ những vấn đề sai phạm của ông Nguyễn Anh Tuấn mới được xử lý?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất