| Hotline: 0983.970.780

Coi trọng cộng đồng dân cư là chủ thể để làm NTM

Thứ Ba 25/12/2012 , 09:32 (GMT+7)

Chương trình MTQG XD NTM là một chiến lược dài hơi được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Ông Tăng Minh Lộc
Chương trình MTQG XD NTM là một chiến lược dài hơi được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Sau hai năm triển khai Chương trình đã mang lại diện mạo mới cho nhiều xã ở làng quê Việt Nam. Để có cái nhìn tổng quan về điều đó, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Minh Lộc, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG XD NTM.

Nếu nói một câu ngắn gọn về Chương trình NTM, ông sẽ nói điều gì?

Đây là Chương trình thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của toàn dân. Nó đã có bước chuyển biến ở nông thôn không chỉ hạ tầng, cảnh quan môi trường mà thu nhập và đời sống tinh thần của người dân cũng đã tăng lên.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả sau 2 năm triển khai Chương trình?

Có 97% số xã đã xong công tác quy hoạch và 60% trong số đó đã được phê duyệt. Đây được coi là bước quan trọng để việc triển khai làm NTM có kết quả tốt. Có trên 50% xã phê duyệt xong Đề án NTM để qua đó người dân thể hiện vai trò chủ thể: Căn cứ vào thực lực vốn để quyết định bước đi, lựa chọn những loại việc cần thiết nhất làm trước. Đây chính là nét mới về cách làm trong xây dựng NTM đã được áp dụng rộng rãi.

Các xã đều quan tâm xây dựng hạ tầng, coi đó là khâu đột phá trong xây dựng NTM. 90% số xã có ít nhất 1 công trình hạ tầng mới; có xã tăng thêm 4- 5 công trình. Các thôn, xã đều chọn phát triển giao thông, nâng cấp hệ thống điện, tu bổ trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi... Sự phát triển hạ tầng đã làm thay đổi rõ nhất diện mạo nông thôn.

Nông nghiệp đứng ở đâu trong đó, thưa ông?

Việc phát triển SX nâng cao thu nhập cho người dân đã được coi trọng hơn. Cả nước đã xây dựng được trên 5.000 mô hình SXNN hàng hóa, tăng hiệu quả từ 15-20%. Đã có những mô hình tốt như "cánh đồng mẫu lớn" ở An Giang được trên 40 tỉnh đến tham quan học tập. TP HCM có chính sách hỗ trợ DN xây dựng các khu SX ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh Thái Bình có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cày, máy gặt đập liên hợp. Tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay SX.

Lúc đầu bức tranh này như thế nào thưa ông?

Trước khi thực hiện Chương trình, các xã đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí và cả nước có khoảng 200 xã đạt trên 10 tiêu chí, chưa có xã nào đạt 15 tiêu chí. Sau 2 năm triển khai Chương trình NTM, xã ít nhất cũng tăng được 1 tiêu chí. Hiện cả nước có gần 1.000 xã đạt trên 10 tiêu chí, ngoài 11 xã điểm của Ban Bí thư đã có thêm 32 xã đạt 16-19 tiêu chí...

Thưa ông, điều mà cán bộ và nhân dân ở các địa phương “kêu” nhiều nhất trong Chương trình này là gì?

Vẫn là nhận thức và nguồn lực. Về nhận thức, có không ít người dân và cán bộ vẫn chưa hiểu đầy đủ về nội dung, cách làm NTM. Nhiều nơi vẫn còn tư tưởng ỷ nại, trông chờ nguồn lực từ Nhà nước, do đó việc tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về NTM chưa thực sự được coi trọng.

Về nguồn lực: Trong điều kiện kinh tế khó khăn, phải thắt chặt đầu tư công nhưng ngân sách TW hỗ trợ cho xây dựng NTM vẫn không bị cắt giảm. Trong 2 năm qua, TW đã hỗ trợ 59 tỉnh là 3.265 tỉ đồng (năm 2012 tăng 5,4% so với năm 2011). Đã có 55 tỉnh bố trí ngân sách cho Chương trình NTM bằng 14.000 tỉ đồng (năm 2012 tăng 12% so với năm 2011) nhưng tất cả những nguồn đó cũng mới chỉ đáp ứng 25- 30% só với nhu cầu.

Thường thì trong cái khó ló cái khôn. Xin hỏi, ông đã thấy “cái khôn” đó trong NTM chưa?

Nhận diện rõ điều đó rồi. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, huy động được nguồn lực và phát huy được hiệu quả cho đầu tư xây dựng NTM. Tỉnh Tuyên Quang có chính sách: Các xã làm mới 1 km đường bê tông (rộng 3 m, dày 16 cm thì được hỗ trợ 200 tấn xi măng, 2 triệu đồng và toàn bộ ống cống qua đường. Chỉ sau 2 năm Tuyên Quang đã làm mơi 1.064 km đường bê tông nông thôn. Các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Giang cũng có chính sách tương tự.

Tỉnh An Giang có chính sách kêu gọi doanh nhân và người hảo tâm đầu tư xây dựng công trình cầu, đường giao thông, trường học mang tên cá nhân, tổ chức đó. Từ đó có nhiều công trình được hình thành mà không cần sự hỗ trợ của ngân sách và đóng góp của dân cư. Vì vậy nếu có cơ chế mở, lãnh đạo địa phương tâm huyết thì sẽ có nhiều công trình ý nghĩa cho NTM.

Như ông đã nói ở trên, vậy thì tiêu chí nào hiện được xem là bất cập?

Thực ra một vài tiêu chí chưa phù hợp không phải điểm "nghẽn" của Chương trình. Tuy nhiên nó có ảnh hưởng tới việc xây dựng Đề án NTM của xã và công nhận xã đạt chuẩn tới đây. Qua tổng hợp ý kiến từ các địa phương và nghiên cứu, chúng tôi đã đề xuất 5 tiêu chí cần các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cho rõ hơn, 5 tiêu chí khác cần đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho sửa đổi, trong đó có 2 tiêu chí "cơ cấu lao động" và "thu nhập" cần phải sửa đổi cơ bản.

Thưa ông, vậy các tiêu chí nên sửa theo hướng nào?

Thay tiêu chí "cơ cấu lao động" bằng tiêu chí "tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên". Đối với tiêu chí "thu nhập" thì thay số tương đối (1,4 lần) bằng số tuyệt đối (ví dụ 18 hay 20 triệu đồng/người/năm chẳng hạn). Theo đó mỗi xã có thể tự tính được mức phải đạt chuẩn NTM của mình tùy khu vực. Đó sẽ là căn cứ để mỗi xã xây dựng kế hoạch phấn đấu và cũng là mốc để cấp có thẩm quyền xét duyệt công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Qua học tập kinh nghiệm các nước, ông thấy họ làm NTM có chật vật không? Điều gì khiến họ thành công?

Chúng tôi đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Mỗi nước có cách làm khác nhau nhưng điểm chung là khi khởi đầu đều gặp rất nhiều gian nan. Có nước khởi điểm còn khó khăn hơn chúng ta rất nhiều. Kinh nghiệm của họ là cộng đồng phải làm chủ và tự quyết định quá trình phát triển NTM ở địa bàn, Nhà nước định hướng bằng chính sách, bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Lúc đầu hỗ trợ từ ngân sách là rất quan trọng vì nó tạo "nền" và niềm tin cho người dân để thu hút sự đóng góp, tham gia của người dân và DN. Càng về sau thì hỗ trợ của ngân sách giảm dần và các nguồn lực khác lại tăng lên.

Điều ấn tượng là: Họ đã phát minh ra nguyên lý "cộng đồng dân cư phải là chủ thể" nhưng hầu như ở các xã hoặc thôn khi thực hiện đều có vai trò cán bộ cấp trên "nằm vùng" hướng dẫn, tư vấn, giám sát việc thực hiện ở cơ sở xem có đúng các định hướng của Chính phủ không. Vì vậy tiền hỗ trợ của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, có chất lượng. Các nguồn lực vì thế tiết kiệm và có hiệu quả cao. Đây là điều mà đến nay chúng ta chưa làm được.

Lãnh đạo nhiều địa phương của ta hiểu "cộng đồng tự quyết" theo kiểu "mặc kệ" dân, cán bộ Nhà nước được cử xuống theo dõi mới chỉ đóng vai trò "cưỡi ngựa xem hoa" không phải chịu trách nhiệm gì về kết quả thực hiện ở địa bàn phụ trách nên không có sự "gắn bó sống chết với địa bàn". Vì vậy chất lượng xây dựng NTM của ta khác họ. Đây là điều phải suy nghĩ và cần thay đổi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm