| Hotline: 0983.970.780

Cơm 3.000 đồng

Thứ Ba 29/04/2014 , 09:49 (GMT+7)

Đối tượng chung mà Cơm 3.000 đồng hướng tới là những người yếm thế trong xã hội. Bệnh viện E là địa điểm đầu tiên mà Cơm 3.000 đồng lựa chọn.

Cứ 11h ngày Chủ nhật hằng tuần, tại hành lang của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E (Hà Nội) lại nhộn nhịp hơn thường lệ.

Lá phiếu nghĩa tình

Khi chúng tôi có mặt tại Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E), hàng chục bệnh nhân và người nhà xếp hàng dài chờ đến lượt để lấy những suất cơm. Trên tay họ đều cầm lá phiếu của chương trình Cơm từ thiện 3.000 đồng. Những sinh viên tình nguyện nhanh chóng thu nhận phiếu và trao hộp cơm cho từng người.

Chị Hoàng Thị Thu Hà, Trưởng ban Quản lý nhân sự của Chương trình, cho biết: “Trước khi phát phiếu, các thành viên tình nguyện trong dự án Cơm 3.000 đồng đã đi đến từng nơi, hỏi thăm từng người tại các bệnh viện, các khu lao động nghèo, tìm ra những bệnh nhân thực sự khó khăn và đang cần sự giúp đỡ để phát phiếu.

14-06-39_1417605_232714773557372_1041604670_o
Những lá phiếu của Cơm 3.000 đồng

Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E là địa điểm đầu tiên mà Cơm 3.000 đồng lựa chọn. Hiện nay, chương trình cũng đã đi đến với các bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Trung ương và "làng chạy thận" ở phố Lê Thanh Nghị”.

Trong mỗi hộp cơm có đầy đủ các món thịt, cá, rau xào và canh. Mỗi một tuần, các thành viên trong tổ chức đều cố gắng sắp xếp các món ăn phù hợp và không lặp lại. “Để có thể nấu được những bữa cơm nóng hổi đến tận tay người bệnh, từ tờ mờ sáng, những thành viên Cơm 3.000 đồng đã đến tận các chợ đầu mối như chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Long Biên... để mua thực phẩm. 

Những ngày đầu, chân tay lóng ngóng không biết lựa rau, chọn thịt, nhưng khi các cô chú bán hàng biết cả nhóm đang nấu cơm từ thiện thì ủng hộ hết mình và lấy giá gốc mọi mặt hàng. Nhìn nụ cười của bệnh nhân khi đón nhận những hộp cơm là mọi vất vả dường như tan biến hết. Có nhiều cô, bác còn muốn đặt cơm lâu dài”, chị Phạm Thị Nhung, Đội trưởng Đội phát phiếu, kể lại.

120 suất cơm tại Bệnh viện E nhanh chóng phát hết trong vòng 15 phút. Có những bệnh nhân mua được cơm rồi, đi một quãng khá xa còn quay lại: "Cố lên các con nhé, ở đây còn nhiều người nghèo và khổ lắm”.

Cầm trên tay 2 suất cơm, chị Phan Thị Cúc (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi đưa con gái ra mổ tim ở Bệnh viện E gần 1 tháng rồi. Sau ca mổ của cháu, tiền đưa ra gần như hết. Ở Hà Nội, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, mọi thứ phải tiêu cầm chừng.

Mấy tuần nay, biết được thông tin dưới sảnh Trung tâm Tim mạch có bán cơm 3.000 đồng/suất của các cháu thanh niên tình nguyện nên tôi toàn mua về ăn. Cơm vừa rẻ vừa ngon. Thỉnh thoảng lại được phát cháo miễn phí từ một nhóm tình nguyện khác nữa. Nhờ có những tấm lòng như thế mà người nghèo như chúng tôi bớt khổ”.

Gieo yêu thương

Được thành lập vào ngày 17/11/2013, dự án Cơm 3.000 đồng dựa trên ý tưởng muốn cống hiến sức trẻ và tình thương của các sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Đối tượng chung mà Cơm 3.000 đồng hướng tới là những người yếm thế trong xã hội như nhóm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã nội trú ở bệnh viện lâu dài, có hoàn cảnh khó khăn; nhóm những người vô gia cư, người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa.

14-06-39_1385018_236797329815783_1098082965_n
Đội tình nguyện của Cơm 3.000 đồng

Vì thế, nhóm đã tìm đến với các hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương, "làng chạy thận" ở phố Lê Thanh Nghị. Ở đó, có nhiều người đang phải chạy ăn từng bữa để lấy tiền điều trị bệnh.

Cơm 3.000 đồng được thành lập dựa trên mục đích duy nhất là chung tay vì cộng đồng. Chính vì vậy mọi nguồn lực để phát triển dự án Cơm 3.000 đồng cũng từ cộng đồng mà sinh ra, phát triển và lớn mạnh. Tính cộng đồng của dự án được thể hiện ở sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong xã hội bằng việc quyên góp mỗi người 1 suất cơm 3.000 đồng.

Tổ chức Cơm 3.000 đồng được vận hành trên cơ sở các thành viên trong ban điều hành làm việc, đôn đốc và kiểm tra chéo lẫn nhau, qua đó tăng tính hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời đảm bảo tốt nhất sự minh bạch về tài chính trong thu - chi, thực hiện đúng các cam kết với các nhà hảo tâm tham gia đóng góp cho chương trình.

Số tiền quyên góp và ủng hộ được sử dụng để giúp đỡ cho đúng đối tượng yếm thế và các hoàn cảnh cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Địa chỉ nhận Cơm 3.000 đồng:

1: "Làng chạy thận  Lê Thanh Nghị", ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng;

2: Bệnh viện Nhi Trung ương số 18/879 Đê La Thành, Đống Đa;

3: Bệnh viện E số 87 đường Trần Cung, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.

Tham gia điều hành hoạt động Cơm 3.000 đồng là thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, già có, trẻ có. Phụ trách giám sát về tài chính, nhân sự Cơm 3.000 đồng là ông Nhật 74 tuổi, một cựu chiến binh có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động xã hội và đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện lớn.

Ngoài ra để Cơm 3.000 đồng hoạt động được tốt còn có sự tham gia đóng góp về nhân lực của CLB Tri Thức Trẻ (MMC) cũng như các bạn tình nguyện viên trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, số lượng sinh viên tình nguyện tham gia đã lên con số hàng trăm người đến từ các câu lạc bộ của Trường Đại học Văn hóa, Đại học Xây dựng…

Ban điều hành Cơm 3.000 đồng hiện nay được chia thành 4 bộ phận gồm: giám sát, tài chính, nhân sự và truyền thông. Hằng tuần, Cơm 3.000 đồng đều mở các buổi sinh hoạt nhóm vào tối thứ Tư tại Cây Đa quán, nhà B3, Khu Kí túc xá Thăng Long, đường Cốm Vòng, quận Cầu Giấy để giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động từ thiện giữa các thành viên. Đồng thời, vạch ra những hướng đi tiếp theo cho dự án.

“Cơm 3.000 đồng những ngày đầu thành lập còn vô vàn khó khăn, và cũng nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Nhưng nếu chỉ cần nhìn được nụ cười của những người nhận cơm từ thiện, dù mệt, dù vất vả đến mấy chúng tôi vẫn sẽ cố gắng, kiên trì đến cùng. Từ dự án Cơm 3.000 đồng, chúng tôi sẽ mở rộng các hoạt động khác như quyên góp cho đồng bào vùng cao, dạy học cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn…

14-06-39_img_2393

Ở đâu còn người nghèo khổ thì chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ bằng tất cả tình thương và nhiệt huyết tuổi trẻ. Hi vọng những suất cơm nóng hổi sẽ làm dịu đi cơn đói, chia sẻ chút ít nỗi lo thường nhật với các bệnh nhân để họ có thêm nghị lực chiến đấu với những căn bệnh quái ác và dai dẳng”, chị Hoàng Thị Thu Hà cho biết.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm