| Hotline: 0983.970.780

Còn bài võ nhạc Tây Sơn khác

Thứ Hai 13/02/2012 , 10:53 (GMT+7)

Ngoài bài võ nhạc thực hiện trên 12 trống, có 1 bài võ nhạc khác được thực hiện trên 45 chiếc trống ít được ai biết đến.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận biểu diễn bài nhạc võ 12 trống

Lâu nay, nhắc đến nhạc võ Tây Sơn, người ta chỉ nói đến bài nhạc trống được thực hiện trên 12 chiếc trống thường được nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận biểu diễn tại những lễ hội ở tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, có 1 bài võ nhạc khác được thực hiện trên  45 chiếc trống ít được ai biết đến.

Vào thời Tây Sơn, trống là 1 loại nhạc cụ được áp dụng vào võ thuật. Bài nhạc trống thường được đánh lên trong lúc ba quân luyện võ nhằm tạo thêm sự hăng hái trong luyện tập, nung nấu sĩ khí chiến đấu. Còn lưu truyền rộng rãi cho đến bây giờ là bài nhạc võ được thực hiện trên 12 chiếc trống.

Tuy nhiên, theo võ sư Đinh Văn Tuấn, người gốc Bằng Châu, Đập Đá (An Nhơn, Bình Định), còn có 1 bài võ nhạc khác được thực hiện trên 45 chiếc trống. Nếu như bài nhạc trống 12 chiếc chỉ để kích thích người luyện võ thì với bài nhạc trống 45 chiếc, những chiếc trống chính là công cụ để luyện võ. Do đó, với bài trống này, gọi là võ nhạc thì đúng hơn.

Bài võ nhạc 45 chiếc trống không được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, chỉ tồn tại qua những bậc tiền bối trong làng võ ở Bình Định mà hiện nay đa số đã qua đời.

"Muốn luyện võ từ bài võ nhạc này, người luyện tập phải sắm cùng lúc đến 45 chiếc trống. Trong thực tế đời sống khó khăn, giá thành 1 chiếc trống khá đắt, nên chẳng mấy ai có đủ khả năng thực hiện niềm đam mê võ thuật với 1 khoản tiền lớn. Ngày xưa, các bậc tiền nhân trong làng võ Bình Định đã làm thỏa mãn niềm đam mê của mình bằng cách vẽ những vòng tròn trên nền đất, hoặc làm những vòng tròn bằng tre sắp lên nền đất tượng trưng cho mặt trống để luyện tập. Nhờ vậy, bài võ nhạc này còn lưu truyền cho đến tận giờ", võ sư Đinh Văn Tuấn tâm sự.

Để luyện tập thành công bài võ nhạc này, người luyện phải thật kiên nhẫn bởi nó rất kỳ công. Người mới “nhập môn” chỉ được luyện với 3 chiếc trống. Sau khi nhuần nhuyễn, bài tập được tăng lên 6 chiếc, lần sau nữa tăng lên 9 chiếc... mỗi lần “thăng hạng” là 3 chiếc trống cho đến khi đạt đỉnh 45 chiếc. Cho đến thời võ sư Đinh Văn Tuấn được các vị tiền bối truyền thụ lại bài võ nhạc này thì nó đã được thực hiện trên 45 chiếc trống, đạt mức “võ thuật như thần”. Bởi đến lúc này, người thực hiện bài võ nhạc phải đạt đỉnh về tứ pháp: bộ pháp, thủ pháp, thân pháp và nhãn pháp.

Bộ pháp là đôi chân phải cực linh hoạt và vững vàng để di chuyển. Thủ pháp là đôi tay phải rất nhanh nhẹn và chuẩn xác để thực hiện cặp dùi trên những mặt trống. Thân pháp là thắt lưng và bả vai phải dẻo dai để giúp đôi tay đánh những nhịp trống. Còn nhãn pháp là đôi mắt phải cực lanh lẹ để quan sát, trợ thủ đắc lực cho bộ pháp, thủ pháp và thân pháp hoàn thành nhiệm vụ.

Nghe tiếng trống, ta có thể nhận xét người thực hiện đang đạt được bao nhiêu “thành công lực”. Người đã đạt trình độ thượng thặng, khi thực hiện, tiếng trống nghe rất giòn giã, ngọt lịm nhờ bộ ngựa (đôi chân) và đôi quyền (cặp tay) có sự ăn ý điêu luyện. Người chưa đạt, tiếng trống vang lên rất rời rạc, nhịp trống bị loạn bởi tứ pháp chưa có được sự hỗ trợ nhau thật sự nhuần nhuyễn.

“Trước đây, có bậc tiền bối đã vượt qua cái ngưỡng nói trên. Đó là những người luyện võ nhạc không còn dùng dùi đánh trống nữa, mà chỉ dùng 2 bàn tay. Lúc đánh bằng 5 ngón tay để luyện trảo. Lúc đánh 1 ngón để luyện chỉ. Lúc thì đánh bằng mu bàn tay để luyện khấu. Bởi khi ứng dụng võ thuật, không chỉ có sử dụng quyền hoặc cước mà đôi khi phải dùng cả những ngón trảo, chỉ và khấu để tùy tình huống hạ gục đối phương”, võ sư Đinh Văn Tuấn bộc bạch.

Ngược thời gian để tìm xuất xứ của bài võ nhạc này, võ sư Tuấn kể thêm: Ông tổ của võ sư Tuấn là Đinh Văn Nhưng. Trong lịch sử thời Tây Sơn, ông Đinh Văn Nhưng còn có tên gọi là ông Chảng, và là thầy dạy võ cho 3 anh em nhà Tây Sơn. Ông Chảng võ nghệ tinh thông nhưng ngang bướng không ai sánh bằng.

"Giờ tôi đã tuổi già sức yếu, chẳng còn ham muốn võ vẽ gì. Với lại, vì cuộc sống nên hiện đang xa xứ, lập nghiệp tại miền Nam. Tuy nhiên, lớp con cháu nếu ai có tâm huyết muốn được truyền thụ bài võ nhạc 45 trống thì cũng tôi rất sẵn lòng, để sau này khỏi bị thất truyền. Tôi nghĩ, bài võ nhạc này không còn là của riêng của tộc họ Đinh, mà là 1 tài sản về võ học của người dân Bình Định nên càng được gìn giữ", võ sư Đinh Văn Tuấn.

Sau khi sửa sang thành Quy Nhơn đổi thành Thành Hoàng Đế và xưng Vương, trong lúc phong đặt các tướng, thiết lập nội triều, ban thưởng chức tước cho những người có công, vua Thái Đức đã không quên công ông Chảng. Lúc này ông Chảng đã trên 70 tuổi. Nhà vua mời ông lão vào triều để phong tước, ông Chảng cầm bút viết: "Bùng binh chi tướng. Uýnh cương chi quan. Bộn bàng chi chức. Chảng chảng ngang thiên". Theo đó, ông không có chức tước gì cụ thể, nhưng chức gì cũng có, từ tướng tới quan...

Hiện nay, trong Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn có treo nhiều bức tranh mô tả các sự kiện nhà Tây Sơn. Trong đó, có một bức tranh vẽ cảnh một ông già ngồi trên chiếc thang mọi người khiêng đi, xung quanh có nhiều người hộ giá, kẻ vác cào cỏ, người cầm chĩa ba... Trông ông già không phải là một quan lớn, cũng không phải là thảo dân. Bởi quan lớn của triều đình nhà Tây Sơn thì phải có mũ mão cân đai, người theo hầu phải là quân lính... Còn là nông dân thì sao lại được ngồi trên cao, kẻ hầu người hạ. Thế mới là ông Chảng. Và những ngón võ của ông Chảng được truyền đời cho con cháu nhà họ Đinh có gốc ở Bằng Châu, Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) qua nhiều đời.

Trong những bậc tiền bối có võ học uyên thâm của tộc nhà họ Đinh, có người giỏi bộ ngựa (đôi chân), có người giỏi bộ roi. Sau đó, những bậc tiền bối phối hợp 2 tinh hoa này vào thành bài võ nhạc Tây Sơn với 45 chiếc trống mà hiện võ sư Đinh Văn Tuấn đang lưu giữ.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.