| Hotline: 0983.970.780

Con đập, đời người

Thứ Năm 03/09/2015 , 10:16 (GMT+7)

Ở thôn Mỹ Đức, xã Tây An (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), quê quán của cụ Văn Phong, hiện nay còn có ông Trần Trước (79 tuổi) rất mê mải trong việc đi tìm lai lịch của người đã làm nên con đập Văn Phong.

Thương nông dân không nước tưới lúa, ông tự bỏ tiền mua vật liệu, vận động nhân công làm con đập bổi ngăn sông, làm kênh mương, dẫn nước tưới cho những cánh đồng lúa thuộc các xã phía đông huyện Tây Sơn và xã Nhơn Mỹ thuộc TX An Nhơn (Bình Định). Tên ông được lấy làm tên con đập: Đập Văn Phong.

Hiện nay, đập và kênh mương Văn Phong xưa đã được Nhà nước đầu tư 2.070 tỷ đồng để xây dựng hợp phần khu tưới có quy mô lớn, trở thành 1 trong những công trình thủy lợi lớn nhất nước.

Nghiên cứu thủy thế bằng mắt để đắp đập

Ở thôn Mỹ Đức, xã Tây An (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), quê quán của cụ Văn Phong, hiện nay còn có ông Trần Trước (79 tuổi) rất mê mải trong việc đi tìm lai lịch của người đã làm nên con đập Văn Phong.

Bởi lẽ, nhiều thế hệ trong gia đình ông đã gắn bó với con đập này trong vai trò người dẫn thủy nhập điền.

Theo ông Trước, cụ Văn Phong không chỉ đầu tư tiền của để xây dựng nên con đập phục vụ cho nông dân, mà còn có công thiết lập hệ thống quản lý con đập, quản lý kênh mương, dẫn thủy nhập điền rất khoa học tồn tại suốt nhiều thế kỷ.

Theo ông Trước, ở làng Mỹ Đức, câu chuyện về cụ Văn Phong làm đập được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Chuyện kể rằng, cụ Văn Phong vốn xuất thân từ một gia đình rất giàu có ở làng Mỹ Đức. Vợ chồng cụ Văn Phong không có con nên cụ muốn dùng của cải mình có làm công đức cho đời.

Thấy nông dân trong vùng không có nước tưới lúa, trong khi con sông Kôn mênh mông nước chảy qua địa bàn, ông vắt óc nghiên cứu để xây dựng con đập bổi và hệ thống kênh mương đưa nước tưới cho đồng ruộng ở 7 xã.

“Ngày ấy chẳng có máy móc đo đạc gì, nên cụ Văn Phong phải về tận thượng nguồn sông Kôn để nghiên cứu thủy thế bằng… mắt. Sau đó, cụ chọn khúc sông chảy qua thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) để xây dựng đập, bởi ngay đoạn sông này có độ dốc, phù hợp cho việc chặn và đưa nước về xuôi.

Vào mùa khô, nước sông Kôn từ thượng nguồn chảy xuống bị con đập chặn lại, chảy qua hệ thống kênh mương dẫn về hạ lưu. Cụ Văn Phong bỏ tiền ra mua vật liệu, vận động nhân công của 7 thôn đi làm đập, đắp mương.

Ban đầu hệ thống kênh mương chỉ được làm đến xã Bình Hòa, dài khoảng 6-7km. Sau đó các dòng họ Đặng, Huỳnh, Nguyễn ở các làng Mỹ Đức, Mỹ Yên, Mỹ Thuận góp tiền làm nối kênh mương kéo dài đến 12 km.

Khi ấy chưa có xẻng sắt, nhân công phải dùng cái “thêu” có hình dáng như cái xẻng bây giờ nhưng làm bằng gỗ xoài để đi làm”, ông Trước kể.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (85 tuổi) hiện ở số 10 đường Lý Tự Trọng, TP Quy Nhơn, cũng là người rất say mê tìm kiếm tư liệu về cụ Văn Phong.

Bởi ông Hùng cùng quê với cụ Văn Phong ở làng Mỹ Đức, và là người rất ngưỡng mộ những cống hiến cụ Văn Phong để lại cho quê hương.

13-38-45_2
Bia di tích đền thờ Văn Phong

Thầy giáo Hùng cho biết, trong “Đại Nam nhất thống chí” thời nhà Nguyễn, trong mục “đê đập” có nói đến khá nhiều đập nước được xây dựng trong thời kỳ này, trong đó có đập Văn Phong được xếp là con đập lớn.

Sách ghi: “Đập Văn Phong, có tên nữa là đập Kiên Mỹ, ở thôn Trinh Tường, huyện Tuy Viễn, xưa gọi là đập Văn Phong, họp người 7 thôn để đắp. Năm hạn hán, khi đảo vũ người làm cho nước vọt lên như hình mở đập thì được mưa ngay”.

Sách “Đại Nam thực lục” cũng chép: “Vùng hạ lưu sông Kôn, từ Kiên Mỹ đến Thị Nại có hơn 30 đập lớn nhỏ. Hiện nay vùng này vẫn còn một số di tích miếu thờ các bậc tiền hiền có công đắp đập, khai thông mương mán”.

Ông Trần Trước kể thêm, xưa vào thời nhà Nguyễn, cụ Văn Phong được triều đình cấp cho trích lục về con đập. Trong trích lục ghi “Nam cận giang, Tây cận sơn, trổ khẩu đầu nguồn, tùng thủy thế, kênh mương mỗi bên 10 trượng có dư…”.

Năm 1954, có cán bộ nông hội ở Tây Sơn cầm trích lục này đi tập kết ra Bắc nay đã bị thất lạc.

Hiện nay, tại khuôn viên đình làng Mỹ Đức, bên cạnh ngôi đình chính có ngôi miếu thờ cụ Văn Phong.

“Di tích đền thờ cụ Văn Phong được nhân dân địa phương dựng tại quê ông làng Mỹ Đức, để tưởng nhớ bậc tiên hiền có công ngăn sông, thông mương đưa nước về đồng ruộng đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng vào ngày 9/11/2012. Trong thời gian tới, đền thờ Văn Phong sẽ được tôn tạo với kinh phí hơn 2 tỷ đồng”, ông Đặng Hữu Thọ, GĐ Ban Quản lý Di tích (Sở VH-TT&DL Bình Định).

Hằng năm, đến ngày mùng Một tháng 11 âm lịch, dân làng Mỹ Đức và các làng khác trong vùng thành kính tổ chức ngày kỵ cụ Văn Phong để tưởng nhớ công lao đắp đập, thông mương, phát triển nông nghiệp trong vùng.

Trường tồn với thời gian

Không chỉ làm đập, cụ Văn Phong còn có công thiết lập hệ thống quản lý đập, quản lý kênh mương, dẫn thủy nhập điền có tên gọi là “yểng” mãi đến nay ngành thủy lợi vẫn còn áp dụng.

Theo TS Đinh Bá Hòa, GĐ Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, “yểng” là tổ chức dẫn nước vào ruộng theo các đập nước. Mỗi yểng có một ban yểng do những người làm ruộng bầu ra, được tri huyện quản lý rất chặt về mặt hành chính.

 Nếu việc chia nước không công bằng, xảy ra kiện tụng thì quan tri huyện phải trực tiếp xuống xử lý, chia nước ngay tại đập. Mỗi ban yểng có 4 người làm việc tự nguyện, không nhận thù lao.

Đứng đầu là chánh yểng, sau là phó yểng và 2 giáp yểng. Dù làm việc không công nhưng ban yểng phải cần chi phí, do đó được bán mỗi năm 4 giờ nước để lấy tiền chi phí.

Hằng năm, sau khi tổ chức ngày kỵ cụ Văn Phong (mùng Một tháng 11 âm lịch), các yểng cử người đi khảo sát đập, kênh mương ghi nhận những hư hỏng để tính ra ngày công tu sửa.

13-38-45_3
Đập Văn Phong xưa giờ đã trở thành Hợp phần khu tưới Văn Phong hiện đại, hoành tráng

Từ ngày công quy ra lúa, lấy số lúa ấy chia trên đầu mẫu ruộng ăn nước để thu tiền nước của nông dân.

“Hằng năm, việc cắt bổ đắp đập, khai mương tùy từng điều kiện cụ thể mà có sự phân công rõ ràng, ai không đi thì phải nộp tiền. Ai không đi cũng không nộp tiền thì ban yểng sai giáp yểng mang thanh la đi “tróc”.

Nếu không có tiền nộp thì giáp yểng có quyền xiết nợ, tịch thu tài sản về phát mãi, dùng tiền này thuê nhân công tu bổ kênh mương. Hệ thống yểng tồn tại đến sau ngày giải phóng thì được đổi tên thành Ban quản lý”, TS Đinh Bá Hòa, nói.

Điều đáng ngưỡng vọng nhất ở cụ Văn Phong là dù không có máy móc đo đạc như bây giờ, nhưng khi ấy đã tính toán được thủy thế, làm đập không bị vỡ, kênh mương không bị lũ lụt bức phá.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: “Các cụ xưa kể lại, không biết tính toán thế nào mà giữa con đập, cụ Văn Phong cho làm tràn, để đến mùa lũ nước qua tràn tự do không gây bức đập; các tuyến kênh mương đều có các cửa khẩu để xả lũ nên công trình luôn an toàn”.

Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết thêm ngày xưa, các con đập được xây dựng hầu hết là đập bổi.

Vật dụng làm đập chủ yếu là sầm đóng làm trụ; tre đan phên làm lạch và chắn cát phía thượng lưu và hạ lưu đập; cây róng dùng để buộc ngang và xiên được làm bằng cây to cả người ôm được đóng xiên để đập không ngả về phía hạ lưu.

Cái giỏi của người xưa là bố trí giữa đập một con lạch để làm tràn tự do. Dưới lạch là lớp cát, đến lớp bổi, trên xếp bao cát, tre, mía cây… được lèn rất chặt để không bị lỗ mậu, bị nước cuốn trôi. Lũ về, nước chảy qua lạch như qua tràn tự do bây giờ tránh vỡ đập.

Đó là công đoạn khó nhất trong làm đập bổi, được gọi là hợp long.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm