| Hotline: 0983.970.780

'Con đường gái tơ' ở ngôi làng nhỏ

Chủ Nhật 30/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

Một ngôi làng nhỏ nhưng chứa đựng không ít chuyện lạ lùng. Ví như tục lệ con gái lấy chồng phải lát gạch đường ngõ xóm; tục đặt tên "độc" gần gũi với thiên nhiên…

Ba anh có tên đặc biệt

Ở làng Già, xã Lê Lợi (huyện Gia Lộc, Hải Dương), rất nhiều người sở hữu tên nghe rất… lạ (trong quá trình tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của làng, tác giả xin phép được gọi tên một số nhân vật đặc biệt trong bài viết). Ví dụ như người con của cụ Khóa, một nhà nho uyên bác. Người con cả tên Phạm Văn Trâu, tiếp đến là Phạm Văn Bò và Phạm Văn Bê.

Anh cả Trâu có phần tự tin hơn khi xưng danh với người làng ngoài. Bởi nếu không viết thành chữ, chỉ giới thiệu bằng mồm (giọng người miền Bắc khó phân biệt “tr”, “ch”) thì ai cũng tưởng ông là “Châu” trong từ “minh châu” hoặc “châu báu”. Rất đẹp và mĩ miều.

Người con thứ hai là Phạm Văn Bò. Hồi nhỏ cậu thường được bố dẫn đi dạy học trong tỉnh và ngoài tỉnh. Mỗi lần ông Khóa gọi tên con, y rằng tiếng cười ồ của mọi người xung quanh lại vang lên. Thấy cái tên quá bất tiện, khi trưởng thành, cậu bé Bò quyết định đổi tên thành Phạm Văn Tảo. Cái tên ấy theo cụ cho đến cuối cuộc đời.

Trước cách mạng tháng 8, cụ tham gia hoạt động cách mạng, tham gia du kích. Khi hòa bình làm công an viên ở địa phương, được Đảng và Nhà nước tặng huân huy chương chống Pháp, huân huy chương kháng chiến chống Mỹ. Cụ Bò thọ 96 tuổi, sinh được 09 người con và 16 người cháu. Cụ là người rất minh mẫn và luôn quan tâm đến con cháu cho đến lúc cuối đời. Giữa thời bao cấp khó khăn, cụ vẫn luôn động viên 9 người con học hành, trừ một người con mất sớm, còn lại tất cả đều thành đạt trên đường công danh.

Riêng em út Bê thì qua đời khi còn nhỏ do mắc bệnh hiểm nghèo.

Ở làng Già, đâu phải chỉ ba anh em cụ Bò mới mang tên một loài vật. Cách đó mấy bước chân cũng có cụ ông Đỗ Văn Báo, Phan Văn Nghê và cụ bà Phạm Thị Hến đấy thôi.

13-23-14_nh-4
Một trong bốn cổng dẫn vào làng Già

Nếu tập hợp số người có tên trùng với 12 con giáp thì không thiếu loài vật nào. Từ cụ Tý, cụ Sửu, cụ Dần, cụ Mão, cụ Thìn, cụ Tỵ, cụ Ngọ, cụ Mùi ... đến cụ Thân, cụ Tuất, cụ Hợi.

Không khó để lý giải về nguồn gốc của những cái tên kỳ lạ kia, khi mà cuộc sống no ấm của gần 600 nhân khẩu làng Già gần như dựa cả vào ruộng vườn, ô chuồng, ao cá.

Trẻ nhỏ từ lúc o oe tiếng khóc đầu đời đã biết đua thanh với chó sủa, lợn kêu, gà gáy; lớn lên trên lưng bò; to cao nhờ rau ruộng, trái vườn.

Chẳng có lý do gì để con người không yêu, không quý cái thế giới tự nhiên đã cưu mang, bao bọc mình (?). Và, càng thú vị hơn khi tình yêu thiên nhiên ấy được thổi vào những cái tên nghe rất động vật, rất thực vật.

Từ cách đặt tên con theo tên các loài cây trên rừng như bà Phạm Thị Sim, Phạm Thị Mơ, Đỗ Thị Mận, ông Vũ Văn Mây đến các loài cây làm thuốc hoặc rau gia vị như bà Phạm Thị Riềng, ông Phạm Văn Hành, Phạm Văn Răm, Phạm Văn Hẹ…

Thậm chí, có cả những cái tên được đặt theo giới tính con vật, ví dụ như bà Phạm Thị Mái.

Trưởng thôn Già Phạm Văn Tài bảo rằng, ngoài tình yêu thiên nhiên, thói quen đặt tên con cái trùng với các loài động, thực vật xuất phát từ tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” từ xửa từ xưa.

13-23-14_nh-3
Khung cảnh yên bình ở làng Già

Người ta tin rằng mỗi nhành cây, ngọn cỏ, muông thú đều có thần linh che chở mới trường tồn qua bao vận đổi sao dời. Và, khi tên người hòa nhập với thế giới tự nhiên thì sẽ đời đời bình yên. Cũng giống như tên gọi làng Già, thể hiện khát vọng bách niên giai lão.

Lê Lợi (1385-1433) tức Lê Thái Tổ, là vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn (Thanh Hóa) đánh đổ ách cai trị của nhà Minh trên đất nước ta suốt hai thập kỷ (1407-1427). Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, khai sáng triều Hậu Lê (1428-1789), triều đại quân chủ phong kiến dài nhất trong lịch sử nước ta.
Trong 6 năm làm vua, Lê Lợi đã định ra quan chế, xây dựng triều chính quy củ, thực hiện chính sách ruộng đất, thu thập sách vở, chế tác lễ nhạc, mở mang trường học, tổ chức khoa cử chọn lựa nhân tài, mở mang bờ cõi... Vì thế, trong dân gian có lời ca ngợi truyền tụng rằng: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”.

Lịch sử xã Lê Lợi cũng đã từng hoán đổi rất nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên là Lạc Thị rồi đến Lạc Hồng, Lê Lợi. Thời cải cách ruộng đất, xã đổi tên là Gia Định và đến năm 1958 (cuối thời kỳ sửa sai) lại quay về tên xã Lê Lợi.

Những con đường gái tơ

Thời buổi bê tông hóa, nhựa đường hóa giao thông nông thôn phục vụ “xe hổ vồ”, xe xúc ủi lăn bánh, hiếm có nơi đâu còn giữ được những con đường lát gạch nghiêng rêu phong như làng Già.

Hiểu được gốc tích của những con đường ấy mới thấy chị em phụ nữ cũng hăng say với trách nhiệm xã hội lắm, chứ chẳng phải nhăm nhăm “về nhà tận tụy chồng con một lòng” (ca dao Việt Nam).

Lệ làng Già quy định, con gái trước khi lấy chồng phải góp ít nhất 500 viên gạch để lát đường làng.

Hỏi vì sao lại thế? Cụ Phạm Văn Mẫn (88 tuổi), người được mệnh danh là pho sử sống của làng lý giải rất giản đơn: “Đứa trẻ uống nước ở đâu mà xinh gái? Ăn thóc gạo đồng nào mà khôn lớn? Noi gương, học hỏi ai mà trưởng thành? Tất cả từ làng ta mà ra chứ đâu.

Thế nên, trước khi xuất giá tòng phu thì cô gái phải trả ơn, báo hiếu với quê hương, xóm làng”.

Theo năm tháng, lớp gạch nung màu đỏ sậm đầm đẫm mồ hôi mặn chát của hàng trăm, hàng ngàn cô dâu tương lai cứ thế vươn dài mở rộng, đè bẹp những con đường đất bụi mù trời mỗi lần gió thổi, nhão nhoét khi hạt mưa rơi.

Để đến ngày hôm nay, chúng được người thôn quê gọi là những “con đường tình yêu”, “con đường hạnh phúc” hay “con đường gái tơ”. Mặc dù đến ngày hôm nay, tục con gái lấy chồng phải lát gạch đường không còn duy trì nữa, nhưng người làng Già vẫn quen đi trên những con đừờng gạch nghiêng. Cụ Mẫn cho biết, có một "Mạnh Thường Quân" là người trong làng đã chi ra rất nhiều tiền để lát gạch đường làng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Trách nhiệm của một cô gái đến tuổi cập kê là thế. Còn nam giới thì sao? Cụ Mẫn bảo, muốn rước được gái làng Già về, gia đình nhà trai phải chi trả toàn bộ chi phí tổ chức hôn lễ kèm một bọc tiền thách cưới cho nhà gái.

13-23-14_nh-2
Cụ Phạm Văn Mẫn - “Pho sử sống” của làng Già

Thời đại thui chột tư duy cổ hủ, trai gái ưng bụng nhau là cưới, nhưng “sợi tơ tình” giữa hai dòng họ Phạm và Đỗ ở làng Già đã bị cắt đứt suốt mấy trăm năm năm nay.

Câu chuyện oái oăm và lạ lùng ấy có gốc tích hẳn hoi. Chuyện kể rằng, người đầu tiên khai phá đất làng Già là vợ chồng cụ Phạm Công Nhạc (cách nay 11 đời).

Cụ Nhạc sinh được hai người con trai là Phạm Công Thuần và Phạm Công Thắng. Trớ trêu thay, cả hai anh em cùng yêu say đắm một cô gái nết na thùy mị.

Khi người cha tỏ ý ủng hộ trưởng nam Phạm Công Thuần lấy cô gái làm vợ, Phạm Công Thắng đùng đùng nổi giận, rũ bỏ dòng họ Phạm, tự đặt tên mình là Đỗ Phúc Thắng và khai sinh dòng họ mới.

Hồi đình làng Già chưa bị giặc Pháp phá sập, văn bia trước cổng đình ghi rõ dòng chữ “Đỗ - Phạm đồng tông” (tức họ Đỗ, họ Phạm cùng một tổ tông). Thế nên trai gái hai dòng họ không được tơ vương tình ái.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất