| Hotline: 0983.970.780

Còn lắm gian nan!

Thứ Năm 11/07/2013 , 10:16 (GMT+7)

Con đường phát triển cây cao su ở Yên Bái vẫn còn nhiều gian nan, nhất là việc giao diện tích đất trồng cao su còn gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh Yên Bái chưa nằm trong quy hoạch phát triển cây cao su miền núi phía Bắc. Bộ NN-PTNT cho phép Yên Bái trồng thí điểm 3.000 ha cao su trước khi điều chỉnh quy hoạch. Với quyết tâm từ 2010-2020 Yên Bái trồng 12.180 ha cao su, nhằm phát huy tiềm năng của đất đai. Mới bước vào 3 năm trồng cao su nhưng đã bộc lộ không ít khó khăn...

Theo Đề án phát triển cây cao su của tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010- 2015 trồng mới 5.000 ha cao su đại điền. Năm 2010 trồng mới 500 ha, từ năm 2011-2015 trung bình mỗi năm trồng mới từ 1.000-1.200 ha.

Sẽ chuyển một phần diện tích của các Cty lâm nghiệp để trồng cao su, mỗi Cty sẽ chuyển đổi từ 1.000-1.500 ha sang trồng cao su đại điền. Sau khi phát triển diện tích cao su đại điền sẽ phát triển cao su tiểu điền, để đạt được mục tiêu 20.000 ha.

Năm 2010, Cty CP Cao su Yên Bái tổ chức trồng 330 ha cao su ở hai huyện Văn Chấn và Văn Yên bằng các giống: GT1, RRim 600, Ric 121, Lai Hoa 83/85. Do trồng cuối vụ khi cây mới bén rễ chưa đủ sức chịu đựng được rét, nhiệt độ có ngày xuống chỉ 10-12oC. Hơn một nửa số cây bị chết, số cây còn lại hy vọng sẽ phục hồi khi trời ấm dần lên, nhưng đợt rét từ ngày 12-18/3/2011 thì toàn bộ 330 ha cao su bị xóa sổ hoàn toàn.


TS Nguyễn Văn Bộ (thứ hai trái sang) thăm đồi cao su trồng 2011 tại huyện Văn Chấn

Nguyên nhân cao su mới trồng bị chết một phần do thời tiết, một nguyên nhân khác là những giống cao su đó không phải là giống cao su chịu lạnh, thời gian trồng cuối vụ, khi cây chưa có sức sống thì gặp rét nên bị chết là điều khó tránh khỏi.

Một cú đánh quá mạnh vào Chương trình phát triển cao su của Yên Bái khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ. Bởi, Yên Bái đã từng trả giá khi đưa một số cây trồng mới, trong đó phải kể tới các cây: trẩu, sở, lai. Ba loại cây trồng đó một thời thắp sáng niềm tin diệu kỳ cho người nông dân về sự đổi đời.

Cuối cùng ba cây: trẩu, sở, lai biến thành cây “khổ sở lai”. Cây cà phê Catimo một dạo cũng được trồng rầm rộ ở Yên Bái cuối cùng cũng đã về… mo, khiến cho nhiều hộ dân mất đất, nợ nần chồng chất đến nay nhiều hộ vẫn không trả nổi nợ ngân hàng.

Niềm tin và hy vọng về cây cao su không thể bị dập tắt khi Cty Cao su và tỉnh Yên Bái quyết tâm trồng cao su. Cơ sở cho quyết tâm ấy là diện tích cao su do huyện Văn Yên trồng thí điểm 4 ha tại thôn 7 xã Châu Quế Thượng năm 2009, bằng các giống: RRIC121, RRIV, GT1 do Viện Khoa học kỹ thuật NLN miền núi phía Bắc cung cấp cây giống.

Trải qua 4 mùa đông khắc nghiệt, diện tích cao su đó không bị chết rét, hiện nay phát triển rất tốt. Gia đình bà Nguyễn Thị Định trồng 1 ha cao su, gặp chúng tôi tại đồi cao su, bà cho biết: Mùa đông năm 2010 rét đậm kéo dài, đã làm khoảng 20 cây cao su nhà tôi chết. Gia đình tôi đốn cách mặt đất 20 cm, đến vụ xuân mầm cây mọc trở lại...


Bà Nguyễn Thị Định trao đổi với cán bộ Phòng NN-PTNT Văn Yên về cây cao su

Từ 4 ha cao su trồng thí điểm ở xã Châu Quế Thượng đã khẳng định cây cao su phát triển tốt trên đất Yên Bái. Không chịu lùi bước, năm 2011 Cty CP Cao su Yên Bái trồng 380 ha trên diện tích cao su bị chết năm 2010, năm 2012 trồng 300,8 ha bằng các giống: IAN 873, VNg 77-4, VNg 77-2 và một số giống thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Cao su.

Những giống cao su này đã trụ vững qua hai mùa đông lạnh giá, tỷ lệ cây chết rét thấp, sức sống cao, mặc dù đất Yên Bái thuộc đất loại ba, tầng màu nông, độ dốc lớn nhưng cây vẫn phát triển mạnh. Rút kinh nghiệm những năm trước cuối vụ mới trồng ồ ạt, cây vừa bén rễ thì gặp rét nên chết hàng loạt.

Năm 2013 Cty đẩy vụ trồng sớm hơn, diện tích vụ xuân đã trồng 350 ha, vụ hè trồng 170 ha. Như vậy, tổng diện tích cao su đã trồng của Cty CP Cao su Yên Bái đến nay được 1.200 ha.

Để tận mắt thấy cây cao su đã trồng trên đất Yên Bái phát triển thế nào, PV Báo NNVN đã đến hai huyện đang trồng cao su là Văn Yên và Văn Chấn, nhận thấy: Những diện tích trồng năm 2011 và 2012 phát triển tốt, nhiều lô cao su cây mọc quá đầu người, còn diện tích trồng năm 2013 cây đều xanh tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khi thăm diện tích cao su trồng ở huyện Văn Chấn đã bày tỏ sự tin tưởng về những giống cao su đã trồng tại đây và hy vọng cây cao su sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Yên Bái...

Chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Định: "Gia đình bà có mở rộng diện tích trồng cao su nữa không? Bà thành thật: 4 ha cao su đang trồng trên đất đội 7 xã Châu Quế Thượng đều của con cháu gia đình tôi.

Hiện chưa khai thác mủ nên chúng tôi phải trồng xen sắn và ngô để có thu nhập. Mai này khai thác mủ, nếu thu nhập cao hơn trồng ngô, sắn thì chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích trồng màu sang trồng cao su. Các anh thử bẻ một cành nhỏ xem, mủ chả chảy ra đầm đìa ra đấy"...

Anh Nguyễn Quốc Tuân - công nhân đội trồng cao su An Bình thành thật: Tôi đang nhận khoán trồng và chăm sóc 4 ha cao su, lương mỗi tháng được 2,5-3 triệu đồng. Đến khi cao su được cạo mủ chắc chắn lương sẽ cao hơn, cứ nhìn cây cao su lớn lên hàng ngày thế này thì tin tưởng lắm rồi...

Anh Tuân cho biết thêm: Đội cao su An Bình có 31 công nhân, trong đó có 18 công nhân là dân tộc Dao, mỗi công nhân đều nhận khoán từ 3-4 ha, thu nhập hiện nay chưa cao, nhưng hy vọng khi cao su được cạo mủ thu nhập sẽ cao hơn. Vì thế toàn bộ số công nhân ở đây đều tận tâm, tận lực với cây cao su.

Mặc dù niềm tin của người trồng cao su là vậy, nhưng con đường phát triển cây cao su ở Yên Bái vẫn còn nhiều gian nan, nhất là việc giao diện tích đất trồng cao su còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 13/6/2013 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có công văn số 1598/CSVN-HTĐT gửi tỉnh Yên Bái với nội dung: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhất trí với quy hoạch 12.180 ha cao su của tỉnh Yên Bái.

Giai đoạn 2010-2015 Tập đoàn chỉ đạo Cty CP Cao su Yên Bái trồng 2.000-3.000 ha cao su tại hai huyện Văn Chấn và Văn Yên. Để thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc và chế biến sau này Tập đoàn đề nghị tỉnh Yên Bái quy hoạch diện tích trồng cao su tập trung, trong thời gian trồng thí điểm không nhận đất ở vùng đang tranh chấp, vùng trồng cây công nghiệp có thế mạnh của địa phương...

Ông Trương Công Tuyên - GĐ Cty CP Cao su Yên Bái:

Qua theo dõi diện tích cao su đã trồng, chúng tôi khẳng định giống cao su chịu lạnh mà chúng tôi đưa lên Yên Bái đều là những giống đã được tuyển chọn kỹ, chắc chắn sẽ phát triển tốt và cho mủ. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là đất đai, do địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh hệ số sử dụng đất thấp.

Trong khi đó lại xen kẽ đất của nhiều hộ dân nên phát triển cao su đại điền là rất khó khăn. Chính vì thế Tập đoàn cao su đề nghị tỉnh Yên Bái giao đất tập trung để thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc và chế biến. Khi đã hình thành vùng cao su tập trung và xây dựng nhà máy chế biến mủ, Cty sẽ là trụ cột để phát triển cao su tiểu điền, giúp nông dân Yên Bái có thu nhập cao từ cây cao su...

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất