| Hotline: 0983.970.780

Cơn lốc chè bẩn- Nông dân lên voi, doanh nghiệp xuống chó

Thứ Tư 20/07/2011 , 10:40 (GMT+7)

Công nghệ chế biến chè bẩn được người dân vựa chè "trống dong cờ mở" rước vào vì giúp họ kiếm bộn tiền. DN thì lại méo mặt vì thiếu nguyên liệu...

Công nghệ chế biến chè bẩn được người dân vựa chè "trống dong cờ mở" rước vào vì giúp họ kiếm bộn tiền. Trong khi đó, hầu hết các DN ở thủ phủ chè Tuyên Quang, Yên Bái lại đang sống dở chết dở, thậm chí phải đóng cửa nhà máy vì “đói” nguyên liệu.

>> Vựa chè thành ''lò'' chế chè bẩn
>> Cận cảnh công nghệ chế biến chè bẩn

 Chè bẩn lấn chè sạch 

Chè vàng hay chè tăm là thuật ngữ mà người dân làm chè Yên Bái đã dùng cả chục năm nay để chỉ loại chè sản xuất theo công nghệ bẩn. Nhưng đối với các DN làm chè cứ nghe tới những từ này lại giãy nảy. Bởi chè vàng đang cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại chè thông thường (chè sạch), không ít nhà máy chế biến chè xanh, chè đen trở nên khốn đốn, họ đang sống dở, chết dở vì loại chè này…

Chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Yên Thịnh, xã Hưng Thịnh đổ bao tải búp chè mới hái vừa cõng từ trên đồi ra nền nhà, dùng chân tãi mỏng cho chè không bị ôi ngốt, bảo tôi: Nhà em có gần một ha chè thôi, chẳng có nhiều như mọi nhà ở đây. Mấy năm rồi cóp nhặt mãi mới mua được "bom chè" và cái máy vò này. Chủ yếu để chế biến chè của nhà và mua của mấy nhà xung quanh. Mọi người ở đây cũng đều có "bom chè", nên chẳng mua được bao nhiêu, giá chè lên xuống thất thường. Bây giờ đang vào chính vụ, chè liềm (cắt bằng liềm) có giá 3.200đ/kg, mấy hôm trước giá 3.400đ/kg cũng chả có mà mua. Những chủ to, có người đặt tiền trước thì mới dám mua giá đó. Còn bọn em túc tắc mỗi ngày làm một hai tạ bõ gì…

Tôi hỏi chị sao không bán cho xưởng chế biến chè Hưng Thịnh mà lại làm cho vất vả. Chị Lan cười: Lâu rồi mọi người không bán chè cho xưởng chè, họ nợ đến cả tháng mới trả tiền, bán cho các cơ sở chế biến mini tiền ngay…Xã Hưng Thịnh hơn chục năm nay nở rộ "bom chè", cả xã có khoảng 100 hộ chế biến. Chè nào họ cũng làm được, từ chè xanh đến chè vàng, khách đặt chè xanh thì làm chè xanh, khách đặt chè vàng họ làm chè vàng. Từ đầu vụ đến nay gần như cả xã làm chè vàng, nhà nào có diện tích từ 1 ha trở lên đều mua "bom chè" để chế biến.

Hưng Thịnh là vùng chè lớn của huyện Trấn Yên, với diện tích khoảng 200 ha, tại đây Cty Chè Yên Ninh đặt một xưởng chế biến với công suất 15 tấn/ngày từ năm 1996. Mục đích đặt xưởng chè nhằm thu mua chế biến chè cho cả mấy xã Lương Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca với diện tích gần 500 ha, nhưng mấy năm nay xưởng chế biến chè Hưng Thịnh sản xuất cầm chừng, phần không có tiền thu mua, phần không thể cạnh tranh nổi giá với các "bom chè" quay tay.

Một thảm cảnh thê thảm chưa từng thấy, nhà xưởng bụi phủ đen đúa, một phần sân cho DN chế biến gỗ Doanh Mùi thuê chứa gỗ và đặt máy ván bóc. Ông Đinh Xuân Khoát, quản đốc xưởng chè mời tôi vào căn nhà xiêu vẹo, vách đã tụt gần hết. Phía bên là dãy nhà cho công nhân ở cửa đóng im ỉm, cỏ mọc lên tận thềm. Ông Khoát than thở: Với công suất chè của nhà máy thì hàng năm thu mua chừng 1.200 tấn chè búp tươi, chế biến khoảng 300 tấn chè khô. Nhiều năm nay xưởng không thu mua nổi chè, nên thường xuyên phải nghỉ. Vụ chè năm 2010 nghỉ 3 lần, mỗi lần nghỉ từ 15-20 ngày. Cả năm ngoái mua được 400 tấn chè tươi, chế biến được 100 tấn chè khô. Còn vụ chè năm nay đã nghỉ hai lần rồi, tháng 5 một lần, tháng 6 một lần.

Xưởng mới khởi động làm ba hôm nay, từ đầu vụ đến giờ mới thu mua được 120 tấn từ khu vực ngoài Yên Bái chở vào đây, giá 3.400-3.500đ/kg. "Không mua được nguyên liệu ở đây đâu, các "bom chè" thu mua hết rồi, chỉ khi nào thừa họ mới mang bán cho mình. Chè liềm mình mua vào chế biến thế nào được, nhưng không có nguyên liệu thì vẫn phải nhắm mắt mua…" - ông Khoát chán nản nói.

Ông Trần Văn Trung-GĐ Cty CP Chè Trần Phú thất vọng: Chúng tôi không thể nào cạnh tranh nổi với các cơ sở SX chè vàng, mặc dù đã đẩy giá lên rất cao vẫn không mua được chè. Khi các "bom chè" không mua nữa họ mới bán cho nhà máy chúng tôi, nếu chúng tôi không mua thì họ lại đơn từ đi khắp nơi. Còn bây giờ thì họ bán cho các "bom chè", ngay cả diện tích chè của công ty cũng bị các tư thương đánh xe vào tận chân đồi tranh mua với công ty. Họ mua được như vậy mà chỉ bán với giá 16.000-17.000đ/kg thì chỉ có thể trốn thuế. Tính ra, huyện Văn Chấn thất thu thuế từ 50-60 triệu đồng mỗi ngày…

Chung cảnh ngộ với xưởng chè Hưng Thịnh, nhiều nhà máy chè đặt ở các xã: Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Cát Thịnh…đều khóc dở mếu dở vì không mua nổi nguyên liệu để chế biến, mặc dù đã hợp đồng với khách hàng trong và ngoài nước. Nhiều nhà máy thì SX cầm chừng, không ít nhà máy đóng cửa vì không có nguyên liệu. Nhà máy chè Trần Phú công suất 60 tấn/ngày, số lượng chè đủ cho nhà máy chế biến 2.000-2.500 tấn/năm. Nhưng từ đầu vụ đến nay mới mua được 820 tấn, chè loại C2 có giá 3.200đ/kg, chè loại B có giá 5.000đ/kg, còn chè Kim Tuyên có giá 6.000đ/kg. Mặc dù giá chè cao chót vót như vậy nhưng cũng không mua được, bởi chè nguyên liệu chạy vào các "bom chè" SX chè vàng.

Đóng cửa nhà máy vì dân “cạch mặt”

Ở vựa chè thuộc hai huyện Hàm Yên và Yên Sơn (Tuyên Quang), từ km 11 đến xã Thái Hòa có 7 Cty chè nhưng hiện chỉ mỗi Cty Hưng Anh còn cố cầm cự theo kiểu “vừa làm vừa chờ”. 6 Cty kia dù có thương hiệu như DNTN Hà Hùng Cường, Phú Đức nhưng cũng đành phải đóng cửa nhà máy cho công nhân tự do tìm việc vì đã “đói” nguyên liệu từ đầu năm đến nay.

Sản xuất theo dây chuyền công nghệ OTD của Nga, bình quân mỗi ngày Cty Hưng Anh muốn “no” công suất nhất định phải gom đủ 50 tấn chè tươi. Ngoài ra, nếu muốn đạt kế hoạch năm nay là sản xuất 1.000 tấn chè khô sẽ phải có 4.500-5.000 tấn chè tươi làm nguyên liệu. Mọi năm thì không vấn đề gì nhưng năm nay PGĐ Đào Quyết Thắng phàn nàn đấy là điều không thể.

Suốt từ đầu năm mới chỉ gom được vỏn vẹn có15 tấn chè tươi, trong khi cũng ở thời điểm này năm ngoái, Cty Hưng Anh đã sản xuất đủ 400 tấn, đúng như kế hoạch đề ra. “3 tháng vào vụ chính thì hai tháng không sản xuất nổi. Tháng 7 sản xuất cầm chừng. 100 công nhân làm ba ca mỗi ngày thì nay chỉ còn làm một ca nhưng vẫn nhàn việc lắm”. Việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn và quá bị động, ông Thắng phân tích nguyên nhân chính là do “dân họ không chịu bán cho công ty mà bán cho tư thương, vừa được giá lại không bị kiểm tra khắt khe các tiêu chuẩn”.

Mặt khác, ở tỉnh Tuyên Quang, ngoài 3 nhà máy lớn có vùng nguyên liệu riêng là Sông Lô, Tân Trào, Mỹ Lâm thì những công ty khác đều phụ thuộc vào lượng chè trong dân. Năm nay, chè bẩn hoành hành và xuất đi Trung Quốc nên các Cty lâm vào hoàn cảnh đói nguyên liệu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở NN-PTNN tỉnh Tuyên Quang, sản lượng của 3 đại gia chè này chỉ có khoảng 5.000 tấn/năm, trong khi sản lượng chè trong dân cư lên tới 12.433 tấn/năm. Điều đó khẳng định lượng chè trôi nổi lớn chừng nào thì số DN “chết theo chè bẩn” nhiều chừng ấy. Cả tỉnh có từ 15-17 DN trông vào lượng chè trôi nổi này nhưng một mặt không đủ vốn để phá giá các tư thương, mặt khác họ cũng không đủ sự liều lĩnh để lao theo chè bẩn vì nguy cơ “bẩn thương hiệu”.

 “Thương lái cho người đến tận đồi cắt hộ cho dân, đến tận nhà thu gom “tiền tươi thóc thật”, các chỉ tiêu kỹ thuật không đòi hỏi phải đảm bảo, giá thu mua lại cao nên các Cty không thể cạnh tranh nổi”- ông Thắng ngán ngẩm.

Đơn cử như gia đình trưởng thôn Lũng Khê (xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên). Từ đầu năm đến nay hầu như chả có gia đình nào chịu bán chè cho các công ty chế biến. Như lời giải thích của ông trưởng thôn lâm Tiến Dũng thì: “Mọi năm làm chè ra bán cho Cty phải đạt chỉ tiêu này nọ. Năm nay chúng tôi tự sản xuất, chế biến và tiêu thụ luôn. Chẳng cần phải phụ thuộc ai cả. Với giá cả chênh lệch như hiện tại thì dại gì mà dân không “cạch mặt” nhà máy để theo tư thương”. Theo cách lý giải của dân làm chè bẩn ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), lý do chính không phải giá thu mua chè nguyên liệu của các công ty trên địa bàn quá thấp mà là vì muốn bán chè tươi cho Cty phải đảm bảo đạt tiên chuẩn về tuổi của chè, kích thước… Trong khi làm chè bẩn “thoáng” hơn rất nhiều. Chỉ cần cho vào cối chế biến khó ai biết được chè tốt hay chè xấu.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.