| Hotline: 0983.970.780

Con lợn, con tôm nơi "chảo lửa túi mưa"

Thứ Tư 01/02/2012 , 10:34 (GMT+7)

Trong khí thế ra quân đầu xuân năm mới, chúng tôi được chia sẻ về những kinh nghiệm nuôi tôm, nuôi lợn, hướng tới mục tiêu cùng nông dân xây dựng NTM nơi vùng đất "chảo lửa túi mưa".

Trong khí thế ra quân đầu xuân năm mới, chúng tôi được ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Hà Tĩnh và ông Dương Tất Thắng, Tổng giám đốc TCty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh chia sẻ về những kinh nghiệm nuôi tôm, nuôi lợn, hướng tới mục tiêu cùng nông dân xây dựng NTM nơi vùng đất "chảo lửa túi mưa".

DN làm "bà đỡ" của nông dân

Trong cái rét buốt tận xương tủy, mới mùng 4 Tết nhưng Tổng giám đốc Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại (TCty KS&TM) Hà Tĩnh Dương Tất Thắng đã mời chúng tôi cùng anh vòng quanh tỉnh để vừa du xuân, vừa tận mắt chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn mô hình nuôi lợn nái, lợn thương phẩm trong các hộ dân ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Nghi Xuân làm vệ tinh cho Cty.

Ngồi trên chiếc xe bán tải lắc lư do vì đường sá ở Hà Tĩnh đa số đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhất là đường lên Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, mặc dù trong tiếng ồn ào gầm rú của động cơ xe nhưng những lời tâm sự đầu năm của TGĐ Thắng chúng tôi vẫn nghe rõ mồn một.

TCty KS&TM Hà Tĩnh chủ yếu khai thác, chế biến các loại tài nguyên về mỏ như titan, mangan, than, vàng, quặng sắt, thiếc, đá vôi…Tuy nhiên khoáng sản sẽ ngày càng thu hẹp lại, vì thế TCty đã tìm kiếm và đổi mới, phát triển đa dạng hóa ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm, trong đó quan tâm đến lĩnh vực phát triển ngành chăn nuôi lợn siêu nạc và xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với công suất 120 ngàn tấn/năm.

Xây dựng khu trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc theo công nghệ sạch của Thái Lan tại các xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà), xã Phú Lộc (Can Lộc) cùng vệ tinh cho hàng trăm hộ chăn nuôi lợn gia công với tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng. Với quy mô 459 con lợn giống cấp ông bà, bố mẹ và 12 con đực giống được nhập từ Thái Lan về năm 2007 thì đến hết 2011 tổng đàn nái của Cty tăng lên 1.900 con, lợn thương phẩm 40 ngàn con; cung cấp ra thị trường làm vệ tinh cho nông dân trên toàn tỉnh 3.492 tấn lợn hơi và gần 15 ngàn tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm; doanh thu đạt 182 tỷ đồng.

Ông Thắng nói: "Sau khi tỉnh Hà Tĩnh phát động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao đơn vị chúng tôi xây dựng đề án phát triển chăn nuôi lợn giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020 trên địa bàn Hà Tĩnh, đây là mũi nhọn đột phá mở ra hướng làm ăn mới nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Chúng tôi đã hoàn thiện các đề án, đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu từ nay đến 2015 đưa tổng đàn nái đạt 6.500 con; lợn thương phẩm 100-120 ngàn con; đồng thời, đầu tư xây dựng chuồng trại, đào tạo con người, kỹ thuật nuôi; cung ứng đủ giống, thức ăn, phòng dịch, bao tiêu sản phẩm cho các hộ vệ tinh với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng".

Cũng theo ông Thắng, định hướng của Tổng Cty sẽ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, trang trại liên doanh, liên kết cùng nông dân với quy trình chăn nuôi chặt chẽ. Ngoài đầu tư sản xuất, chăn nuôi, TCty sẽ xây dựng Nhà máy chế biến súc sản (chế biến thịt lợn xuất khẩu) và Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chuồng trại nuôi lợn.

Đến huyện Kỳ Anh, vào thăm trang trại ông Nguyễn Văn Đoài ở xã Kỳ Bắc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cả một khu chăn nuôi khép kín, hiện đại. Ông Đoài cho biết: “Ngoài nguồn đầu tư 10 tỷ đồng của TCty KS&TM Hà Tĩnh, gia đình tôi bỏ vào trên 6 tỷ đồng nữa nuôi cho bằng được 350 con lợn nái, bình quân mỗi năm cung cấp 6-7 ngàn con giống, lợi nhuận thu về trên 10 tỷ đồng/năm; trừ chi phí gia đình tôi còn lãi ròng vài ba tỷ đồng”.

Chuyện nuôi tôm trên cát

Đầu năm này, chúng tôi cũng được ông Nguyễn Công Hoàng (“trùm nuôi tôm trên cát", cái danh được nông dân trong vùng phong tặng cho ông bởi mặc dù là một Chi cục trưởng Chi cục NTTS, ngoài thực hiện chức năng quản lý ra, ông còn là một hộ nuôi tôm điển hình trong toàn tỉnh) mời đi du xuân.

Ông Hoàng cho biết, sau thất bại của Dự án nuôi tôm Việt Mỹ, các nhà quản lý và người dân địa phương gần như không dám đầu tư vào nuôi tôm nữa, nhưng sau một vài mô hình mạo hiểm cho hiệu quả cao, phong trào nuôi tôm bắt đầu phát triển trở lại. Hàng chục mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mới được người dân đầu tư theo hướng công nghiệp hàng hóa bằng các hình thức nuôi tôm trên cát; nuôi trong ao đất lót bạt cho năng suất bình quân đạt 20-30 tấn/ha/năm, doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 30-40 lần so với các đối tượng NTTS khác; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt hơn 70 triệu đồng/ha/năm.

Đến thăm mô hình nuôi tôm hộ anh Dũng ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, anh Dũng khoe: "Sau một thời gian học tập kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm, tôi thấy đối tượng nuôi này khó nhưng không hẳn là quá khó bởi nếu biết cách tư duy sản xuất theo hướng hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật; đồng thời có sự tâm huyết thì chắc chắn sẽ thành công. Riêng với gia đình tôi, nhờ nuôi tôm mà nay trở thành gia đình khá giả trong xã, con cái được học hành tới nơi tới chốn”. Năm 2011, gia đình anh Dũng sản xuất 2 ha tôm thẻ chân trắng, bình quân sản lượng đạt từ 50 tấn/ha/năm, tổng doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng.

Ngoài hộ anh Dũng, hàng chục hộ dân như chị Hạnh, anh Trình (TP Hà Tĩnh), anh Mại (Lộc Hà), ông Phong (Nghi Xuân), anh Vang (Cẩm Xuyên)... trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm, nhiều năm liền được tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen điển hình làm kinh tế giỏi.

Được biết, năm 2012 và những năm tiếp theo Hà Tĩnh quy hoạch mở rộng toàn bộ diện tích nuôi tôm trên cát; tập trung nâng cấp hình thức nuôi, chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh năng suất cao; đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất giống, trong đó đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng.

Vừa là người đại diện đơn vị quản lý ngành NTTS trên địa bàn, vừa là một hộ dân đi đầu trong lĩnh vực nuôi tôm, đầu xuân năm mới, ông Nguyễn Công Hoàng vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về những kinh nghiệm nuôi tôm trên cát: "Trước hết đứng trên cương vị là nhà quản lý có thể khẳng định mô hình nuôi tôm đã phát huy tối đa hiệu quả trên đơn vị diện tích, mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho người dân, góp phần rất lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM của tỉnh. Nhưng nếu muốn thành công trong lĩnh vực nuôi tôm, các hộ dân phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu quy hoạch cho đến khi thu hoạch. Không quy hoạch vùng nuôi quá lớn, cần có vùng đệm giữa các vùng nuôi tránh lây lan dịch bệnh; quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; đặc biệt là phải giữ được rừng phòng hộ ven biển nhằm chắn gió, cát bảo vệ hồ nuôi từ bên trong. Ngoài ra, cần làm nhà bạt vào mùa đông để tránh các vật chủ trung gian gây bệnh, tăng nhiệt độ cho tôm phát triển...".

Hà Tĩnh là tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên để đối phó với vấn đề trên, ngoài sản xuất nông nghiệp, Hà Tĩnh đã mở ra hướng phát triển chăn nuôi lợn và nuôi tôm trên cát nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn. Đây là bước đột phá góp phần thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân trong công cuộc xây dựng NTM.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất