| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 14/01/2014 , 10:08 (GMT+7)

10:08 - 14/01/2014

Con người, phải được đối xử như con người

Ngày 10/1/2014, TAND huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) tiếp tục đưa vụ “kỳ án trộm dê” ra xét xử.

Ngày 10/1/2014, TAND huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) tiếp tục đưa vụ “kỳ án trộm dê” ra xét xử. Đây là phiên tòa hình sự sơ thẩm lần thứ 14 được mở, chỉ để xét xử một vụ trộm đã kéo dài gần 9 năm. Bị cáo bị VKSND huyện Bắc Bình truy tố là Trần Thị Kim Nguyệt. Bị cáo được tại ngoại.


Bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt tại phiên tòa

Theo cáo trạng, thì đêm khuya ngày 28/5/2005, Trần Thị Kim Nguyệt (43 tuổi, trú tại xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình) cùng một số thanh niên đến chuồng dê của bà Lê Thị Kim Y và ông Lê Văn Thái ở xã Song Bình cùng huyện lùa đi 52 con dê, trị giá trên 117 triệu đồng. Ngày 29/5/2005, công an thu hồi được 24 con dê, trị giá gần 48 triệu đồng, số dê còn lại là 28 con, trị giá 70 triệu đồng.

Tại các phiên tòa trước, bà Nguyệt đều khai: Đàn dê là do bà đầu tư, còn chuồng dê là của bà mua lại của bà Nguyễn Thị Lâm. Sau này do mâu thuẫn gia đình nên bà mới bắt dê của mình về chứ không phải bắt trộm như cáo trạng đã nêu. Nhưng vấn đề này vẫn chưa được làm rõ, do hồ sơ thửa đất có trại nuôi dê và các giấy tờ khác đã bị bà Lê Thị Kim Y… làm mất hết.

Chưa vội nói đến việc vi phạm tố tụng trong quá trình tố tụng của vụ án này: Đã gần 9 năm, qua cả chục lần xét xử mà không chứng minh được bị cáo có tội thì Tòa phải tuyên bị cáo vô tội chứ không thể kéo dài vụ án một cách vô thời hạn.

Hơn thế nữa khi chưa xác định được ai là chủ đích thực của đàn dê mà đã xác định bà Nguyệt là bị cáo là chưa đúng. Điều khiến dư luận vô cùng bức xúc là cách hành xử mà TAND huyện Bắc Bình dành cho bà Nguyệt tại phiên tòa ngày 10/1/2014 vừa qua.

9 giờ sáng ngày 10/1/2014, không thấy bà Nguyệt đến tòa, HĐXX tìm hiểu thì biết bà Nguyệt bị ốm nặng đang phải truyền dịch tại trạm y tế xã Lương Sơn (cách trụ sở TAND huyện Bắc Bình 15 km). Lập tức HĐXX đã thành lập 1 tổ công tác nhanh gồm đại diên Tòa án, đại diện VKSND, đại diện Công an, bác sỹ của bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận… đến trạm y tế Lương Sơn kiểm tra.

Theo vị bác sỹ này thì: “Khi đến trạm y tế Lương Sơn, các nhân viên của trạm nói với tôi rằng chị Nguyệt bị hạ đường huyết, phải truyền nước. Chiều nay tôi khám lại thì thấy chị ấy có khá hơn”.

 Và xe chuyên dụng của Công an đã được điều đến xã Lương Sơn theo lệnh của Tòa để áp giải bà Nguyệt đến, cho nằm trên một cái giường vải trước vành móng ngựa để xét hỏi. Lúc đó, bà Nguyệt đã hoàn toàn bất động, không trả lời được câu hỏi nào của HĐXX.

Tại tòa, LS Nguyễn Toàn Thiện, chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyệt, đề nghị được hỏi bà Nguyệt và được HĐXX đồng ý. Khi LS Thiện đến bên bà Nguyệt lay tay chân, thì bà Nguyệt vẫn nằm im bất động. Lập tức LS Thiện đề nghị dừng phiên tòa ngay.

Nhưng thay vì dừng phiên tòa, sau khi hội ý, chủ tọa HĐXX là Thẩm phán Võ Tấn Sinh đã đọc biên bản và… đọc lệnh bắt giam bà Nguyệt ngay tại tòa. Lệnh bắt có hiệu lực từ 17 giờ 30 ngày 10/1/2014.

Theo quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và theo quy định tại Bộ luật TTHS, thì “Không một ai bị coi là có tội khi chưa có một bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó có tội”.

Bà Nguyệt dẫu là bị cáo, nhưng chưa bị bất cứ một bản án có hiệu lực pháp luật tuyên phạm tội, thì bà vẫn chưa phải là tội phạm, và phải được đối xử như một công dân bình thường, nhất là trong lúc ốm đau như vậy.

Trong hoạt động tố tụng, việc bắt tạm giam bị cáo chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng bị cáo có dấu hiệu chuẩn bị bỏ trốn, gây cản trở cho công tác xét xử. Tội trộm cắp tài sản mà VKSND huyện Bắc Bình truy tố bà Nguyệt cũng không phải là tội nghiêm trọng.

Suốt 9 năm, qua cả chục phiên tòa, bà Nguyệt không hề trốn tránh hay chống lại các quyết định của Tòa. Thì nay, trong tình trạng ốm đau như vậy, bà có thể trốn được không? Thế thì vì sao lại bắt? Bắt để làm gì?