| Hotline: 0983.970.780

Còn nhiều thân phận Đoàn Văn Vươn

Thứ Năm 21/06/2012 , 22:18 (GMT+7)

Tròn 5 năm làm báo NNVN, qua những chuyến đi thực tế tôi nhận thấy rằng, người dân ngày càng mất niềm tin vào chính quyền cơ sở. Những lá đơn, những đoàn người chân đất, nón lá kéo nhau đi khiếu kiện vượt cấp, kéo đến các tòa soạn báo để đòi công lý đã nói lên điều đó.

Tròn 5 năm làm báo NNVN, qua những chuyến đi thực tế tôi nhận thấy rằng, người dân ngày càng mất niềm tin vào chính quyền cơ sở. Những lá đơn, những đoàn người chân đất, nón lá kéo nhau đi khiếu kiện vượt cấp, kéo đến các tòa soạn báo để đòi công lý đã nói lên điều đó.

Với quan điểm của BBT là luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân, là cầu nối để tiếng nói, nguyện vọng của người dân được giải quyết thỏa đáng, bản thân tôi cũng như nhiều phóng viên khác sẵn sàng xách ba lô lên đường mỗi khi có thông tin nông dân chỗ này, chỗ nọ đang bức xúc. Tất cả đều vì mục đích: Kéo lại chút niềm tin cho những người nông dân đang chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí là bị chèn ép.

Tòa soạn báo NNVN từng tiếp một đoàn những nông dân chân lấm tay bùn ở xã Dương Nội (quận Hà Đông, TP Hà Nội) tầm 360 người kéo đến tố cáo chính quyền địa phương. Từng tiếp những nông dân ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) cầm những lá đơn mà từ ngữ dành cho công bộc của mình hết sức nặng nề. Chắc chắn một điều, họ phải bức xúc lắm mới khiếu kiện vượt cấp nhiều như vậy.

Chứng kiến những chuyện ấy tôi chợt nhớ có lần nhà văn Đình Kính từng tâm sự rằng: "Khi các cấp chính quyền ở cơ sở làm mất lòng tin của người dân thì việc khiếu kiện vượt cấp là tất yếu. Nếu chính quyền cấp cơ sở công minh, chính trực, dân chủ, công tâm, và công khai, giải quyết mọi việc ở địa phương mình quản lý như tuyên ngôn: của dân, do dân và vì dân thì sẽ không còn tình trạng ấy. Việc khiếu kiện vượt cấp ngày càng nhiều, chứng tỏ lòng dân đang ngao ngán và giảm đến mức báo động lòng tin của người dân vào chính quyền cấp cơ sở. Nếu gọi chính quyền là ngân hàng niềm tin thì để ngân hàng không phá sản, rất cần nhiều niềm tin gửi vào đó".

Những ngày đầu năm 2012, khi nổ ra vụ nông dân Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), song song với việc theo dõi, phản ánh trực tiếp vụ việc, BBT báo NNVN đã chỉ đạo chúng tôi thực hiện loạt bài: Ký sự đời biển bạc, viết về những số phận nông dân có hoàn cảnh tương tự. Đi mới biết, suốt chiều dài ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa còn nhiều thân phận Đoàn Văn Vươn quá. Còn nhiều nông dân mà nguyện vọng duy nhất của họ là một lần được đối thoại, được bàn bạc với chính quyền. Tiếc thay nguyện vọng ấy quá khó để trở thành hiện thực.


Nhà báo Hoàng Anh trong một lần đi tác nghiệp

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi có cảm giác, dường như bất cứ nơi nào, lúc nào cũng có thể gặp nông dân bức xúc, lên án chính quyền địa phương. Chẳng hạn như khi đến xóm 9, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Tưởng chỉ vào quán nước nghỉ chân nhưng không ngờ chủ quán là ông Trần Văn Ân, một nông dân đang bức xúc vì hàng trăm hộ dân ở địa phương này bị chính quyền thu hồi đất vô lý mà chẳng biết kêu ai. Hay trường hợp nhóm nông dân nuôi ngao ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), bị chính quyền địa phương hạch sách giá thuê đầm nhưng phải cắn răng chấp nhận vì đơn thư cứ gửi lên huyện, lên tỉnh lại bị trả về… Gặp chúng tôi, những người nông dân vốn nổi tiếng chân chất cũng tỏ ra nghi hoặc. Họ đã nản, họ hồ nghi ngay cả với nhà báo như việc mất niềm tin với cán bộ, chính quyền. Chỉ đến lúc báo NNVN đăng tải loạt bài: Ký sự đời biển bạc, chính quyền địa phương ở một số nơi kiểm tra vấn đề báo nêu và âm thầm sửa đổi những vấn đề bức xúc của người dân thì họ mới cảm thấy mình còn được an ủi.

Qua những chuyến thực tế viết bài, tiếp xúc với người dân, chúng tôi đủ tự tin để nói rằng, hơn ai hết, những phóng viên báo NNVN là những người hiểu nông dân đang cần gì, suy nghĩ gì, nguyện vọng của họ ra sao. Đơn cử tiếp theo là vụ cưỡng chế đất nông nghiệp ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Khi nhận được thông tin có vụ cưỡng chế, chúng tôi lập tức về tìm hiểu. Trái với sự rầm rộ, quyết liệt của chính quyền, người nông dân ở đây lại rất bình thản. Ông Lê Văn Dũng, một nông dân ở xã Xuân Quan nói với tôi: Sao chính quyền địa phương lại coi chúng tôi như giặc vậy. Cần gì súng ống, cần gì lực lượng cưỡng chế đông đảo, chỉ cần bất cứ một cán bộ địa phương, cấp nào cũng được đứng ra phân tích hợp tình hợp lý chuyện thu hồi đất thì người dân sẵn sàng chấp hành ngay.

Chung suy nghĩ ấy, nông dân ở những địa phương nóng bỏng về đất đai như Duy Tiên, Kim Bảng (Hà Nam), Tiền Hải (Thái Bình)… khi gặp nhà báo, câu đầu tiên họ nói là: Chúng tôi không còn tin chính quyền địa phương nữa. Nghe mà giật mình, nhưng đó là thực tế. Họ sẵn sàng hiến đất làm đường, các công trình phúc lợi… nhưng nếu chính quyền thu hồi đất không thỏa đáng thì lại khiếu kiện đến cùng.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng đã tâm sự trên báo NNVN rằng: Về với dân, đừng mang súng. Xử lý người ta cứ kiểu ngồi cửa quyền là không được mà phải dùng điều hay, lẽ phải thuyết phục. Buồn thay, những lời tâm sự ấy, nguyện vọng ấy, chính quyền địa phương không thấu.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất