| Hotline: 0983.970.780

Còn những nguyên nhân khác?

Thứ Tư 30/05/2012 , 10:27 (GMT+7)

Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ.

Trước những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của tình trạng tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL, ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ. Và ngay ngày hôm sau (29/5), tại TP HCM, Ban Chỉ đạo này đã tổ chức buổi họp đầu tiên về dịch bệnh tôm.

>> Cypermethrin - Sát thủ diệt tôm!
>> Tôm chết quá nhanh
>> Tôm chết hàng loạt tại nhiều địa phương
>> Tôm gặp tai họa kép!

Miền Bắc, miền Trung cũng chết

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ (BCĐ), không chỉ các tỉnh ĐBSCL mà tình trạng tôm chết hàng loạt bởi hoại tử gan tụy cũng đã xuất hiện tại một số tỉnh TP phía Bắc và Duyên hải miền Trung như Hải Phòng, Nghệ An và Phú Yên.

Riêng ở nhiều tỉnh ĐBSCL, đến thời điểm này, tình trạng tôm chết vẫn đang ở mức nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến bệnh hoại tử gan tụy. Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho biết, đã có trên 4.000 ha tôm, tương đương với trên 20% diện tích tôm đã thả nuôi, bị chết bị bệnh. Sóc Trăng đã 3-4 lần ra quyết định tạm ngưng thả tôm trong 1 thời gian, nhưng khi thải lại, tình trạng tôm chết vẫn tiếp tục diễn ra. Ở tỉnh Trà Vinh, đã có 8.997 ha tôm thiệt hại do bệnh, tương ứng với 38% diện tích đã thả giống. Những vùng nuôi thâm canh ở Trà Vinh có tỷ lệ thiệt hại lên tới 80-90%, với khoảng 930 triệu con giống (chiếm khoảng 50% lượng giống đã thả nuôi) đã bị chết…

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết trước khi BCĐ họp, đã có một buổi hội thảo giữa Tổng cục Thủy sản với các nhà khoa học trong và ngoài ngành về những tác nhân gây ra dịch bệnh trên tôm. Thông tin từ buổi hội thảo này cho thấy, hầu hết các ao nuôi ở ĐBSCL đều có sự hiện diện của Cypermethrin. Chỉ cần ở với hàm lượng 0,001 ppb, chất này đã đủ để làm cho tôm bị chết. Do đó, Cypermethrin rõ ràng là 1 tác nhân gây hoại tử gan tụy khiến tôm chết hàng loạt. Nhưng đây không phải là tác nhân duy nhất mà còn nhiều tác nhân khác. Bởi ở Thái Lan, nơi Cypermethrin đã bị cấm sử dụng từ lâu, tôm cũng đang chết hàng loạt bởi bệnh hoại tử gan tụy. Ngay ở ĐBSCL, vẫn có nhiều khu vực nông dân sử dụng Cypermethrin, nhưng tôm lại không bị bệnh hoại tử gan tụy.

Kết quả nghiên cứu của một số nhóm khoa học nước ngoài cũng cho thấy có những nguyên nhân khác gây ra chứng hoại tử gan tụy trên tôm. Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu của Mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản ở châu Á-Thái Bình Dương (NACA) đưa ra khuyến cáo rằng bệnh gan tụy trên tôm có các khả năng như độc tố, vi khuẩn, virus… Còn ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 nghi ngờ Alphaproteobacteria là một loại vi khuẩn cũng đang gây ra bệnh này. Bởi chúng ta còn thiếu số liệu về tích tụ độc tố ở gan tụy tôm, trong môi trường nuôi tôm ở ĐBSCL đã có sự hiện diện của loại vi khuẩn gây bệnh gan tụy, số mẫu bệnh được lấy để phân tích còn ít và chưa đa dạng, các tác nhân hữu sinh như tảo độc, vi khuẩn trong ao bệnh và ao không bệnh chưa rõ ràng, việc gây nhiễm bệnh nhân tạo không có kết quả.

Mặt khác, cũng theo ông Phạm Anh Tuấn nhiều khâu từ sản xuất giống, ương giống đến nuôi thương phẩm cũng chưa được nghiên cứu xem có xuất hiện tác nhân gây bệnh gan tụy hay không. Như về con giống hiện nay, chúng ta mới chỉ nhận định chung chung rằng phần lớn con giống có chất lượng không tốt, mà chưa có đánh giá xem hội chứng hoại tử gan tụy có xuất hiện từ giai đoạn giống hay chưa, hóa chất, thức ăn sử dụng trong quá trình giống có tác động gì không? Hay trong quá trình nuôi thương phẩm, những yếu tố như mật độ nuôi dày, thiếu khoáng chất, tình trạng lạm dụng các chế phẩm sinh học…, có góp phần gây chứng hoại tử gan tụy ở tôm hay không? Bên cạnh đó, sự xuất hiện chứng hoại tử gan tụy ở những vùng tôm chết tại phía Bắc và Duyên hải miền Trung cũng chưa được nghiên cứu xem là do nguyên nhân nào… Chính vì thế, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng cần phải nghiên cứu toàn bộ những vấn đề có thể gây ra chứng hoại tử gan tụy trên tôm, qua đó chúng ta mới biết được tác nhân chính xác gây ra căn bệnh này.

Sớm có giải pháp kịp thời

Như vậy, có thể thấy, việc xác định nguyên nhân chính xác gây ra chứng hoại tử gan tụy trên tôm, vẫn cần thêm nhiều thời gian nữa, nhưng nông dân thì không thể chờ đợi đến khi có được kết quả ấy. Bởi thế, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, việc Bộ ra quyết định thành lập BCĐ phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ là nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay. BCĐ sẽ phải tập hợp được tối đa các nhà khoa học trong nước, tranh thủ được kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học nước ngoài. Đồng thời cũng phải tìm hiểu tham khảo những kinh nghiệm hay của các địa phương, của những nông dân. Qua đó, vừa sớm tìm ra tác nhân gây bệnh trên tôm, vừa có những giải pháp chỉ đạo sản xuất hợp lý, kịp thời.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, một trong những vấn đề cần sớm được làm ngay là định nghĩa được bệnh hoại tử gan tụy để các địa phương có cơ sở công bố dịch bệnh, hỗ trợ cho người nuôi tôm. TS Nguyễn Văn Hảo cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng cần phải sớm tổ chức tập huấn cho cán bộ thủy sản ở các địa phương để họ sớm nhận biết được căn bệnh này, qua đó có thể phòng chống kịp thời. Cũng theo TS Nguyễn Văn Hảo, cách nuôi tôm hiện nay rất cần phải được xem xét, chấn chỉnh lại vì đa số người nuôi vẫn chỉ nhìn vào hiệu quả kinh tế nên cứ nhăm nhăm làm sao giảm giá thành xuống thấp nhất, do đó đã không thèm sử dụng ao lắng như trước đây, hay đổ trực tiếp các loại hóa chất, vi sinh… xuống ao nuôi, khiến cho việc xác định tác nhân gây bệnh rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Khởi cũng đưa ra đề xuất cần phải quy hoạch lại nghề tôm vì cứ nuôi nhỏ lẻ như hiện nay, xử lý dịch bệnh và khôi phục, vực dậy sản xuất là rất khó.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).