| Hotline: 0983.970.780

Con trai ngày càng hư hỏng

Thứ Tư 21/03/2012 , 10:11 (GMT+7)

Em định giao con cho bác cả nhà chồng chăm sóc. Anh ấy không lập gia đình, lại ở gần với nhà em. Nhưng em sợ bà con nội tộc và dân phố chê cười...

Ảnh minh họa
Chị Dạ Hương kính mến!

Em là người phụ nữ sớm bất hạnh dù trong mắt nhiều người, em rất đầy đủ viên mãn. Vợ chồng em có cuộc sống thuận lợi ở trên mảnh đất cao nguyên này. Nhà mặt tiền vừa ở vừa làm ăn được và những thửa đất tiện cho việc trồng trọt hoặc cho người ta làm rẽ. Chúng em có với nhau ba mặt con, chỉ tội là đứa út cách chị và anh nó quá xa, khiến em đã ngoài năm mươi mà con còn học phổ thông.

Không ai ngờ cuộc sống của mình có những sự cố gì. Đang khỏe mạnh, chồng em bỗng đổ bệnh thận cấp phải đi lọc thận mỗi tuần. Biết bao nhiêu tiền bạc đã ra đi. Được vài năm thì tiền mất mà người cũng không còn. Em góa từ đó đến nay, đã bảy năm. Lúc chồng em mất, đứa con trai nhỏ mới vào lớp ba, chị và anh nó đứa đang đại học ở Sài Gòn, đứa sắp tốt nghiệp trung học phổ thông, tốn kém mọi bề, tương lai rất nặng gánh.

Nhờ có nhà nội ở gần và giúp sức nên mẹ con đã vượt qua. Con gái đầu và con trai thứ của em hiện đều có việc trên Sài Gòn, thu nhập khá. Con gái em có đã chồng và có con, nhờ vào bên chồng, con trai giữa đang yêu, năm nay thì cưới, ở nhà thuê. Em đang kêu bán đất để lấy tiền cưới vợ cho con. Nỗi lo của em bây giờ là đứa con trai đang học lớp mười đây.

Chị ạ, em đã dành phần lớn nhà cho thuê để mẹ con không phải làm gì, mẹ lo cho con và con chỉ việc học. Cả năm lớp 9 em bở hơi tai vì con, đưa đón học thêm suốt ngày, sợ con ham chơi rồi không lên được lớp 10. Cuối cùng nó đậu, không điểm tốt, nhưng cũng qua. Đến năm nay thì em cho nó tự đi xe đạp đến trường, nhưng qua bảng điểm và qua cách nó chán học em biết nó sa sút lắm. Bảo đi học thêm, có nghĩa là trốn học để chơi điện tử. Thỉnh thoảng em biết nó có ăn cắp tiền để đi chơi. Em giấu tiền miết rồi có hôm không lấy được tiền đi chợ vì nhét chỗ này rồi nhét chỗ kia. Thằng út nó chỉ sợ anh trai nhưng đưa con lên Sài Gòn thì không đủ tiền để vào những chỗ bán trú tốn kém.

Em định giao con cho bác cả nhà chồng chăm sóc. Anh ấy không lập gia đình, lại ở gần với nhà em. Nhưng em sợ bà con nội tộc và dân phố chê cười, một mẹ một con mà không chăm được. Mong chị cho em một hướng đi đúng đắn.

Xin chị đừng in email lên báo

Em thân mến!

Đã nhiều lần chị tâm sự với các bậc phụ huynh có con em đang tuổi vị thành niên rằng, điện tử đáng sợ sau ma túy, vì nó rất dễ nhiễm, dễ lây và khó cai. Thời buổi bây giờ, thầy cô ít thương trò, nhiều môn trong giáo khoa thư rất nặng và cứng, trẻ nó chán học. Thế là điểm thấp, rồi cả nhóm thấp ấy chơi với nhau, mà đã vậy thì không ai níu ai, điểm càng thấp. Một vòng lẩn quẩn tệ hại một khi học không vào, bị lọt vào top trung hay top liệt, từ đó ham chơi. Tuổi chúng nó mình có nói về tương lai sự nghiệp cũng bằng không, chúng nó không nghe ra, khi nào chúng ra đời, chúng bị đời chê đời hành, chúng nó mới tỉnh. Thường là đã muộn.

Mê game, dẫn tới ăn cắp tiền để thỏa mãn nghiện game, là đã nghiêm trọng rồi đó em ơi. Đúng, con thiếu cha như nhà thiếu nóc, nếu ba nó còn sống thì sẽ có thêm người để mắt đến con và dạy bảo được con. Tâm lý con trai là hay coi thường mẹ, thương những sẽ coi thường, đó là quy luật của phụ hệ, của máu gia trưởng, của thói xem trọng con trai. Đến lúc nào đó em sẽ không vào phòng nó dễ dàng, kêu nó ngồi lại để nói chuyện cũng khó và nó nghe em rất là miễn cưỡng.

May mắn của nó và của em là còn có bác cả ở gần. Cứ để cho bác rèn nó em ơi. Ai chê mình kém, kệ, miễn sao con mình có người chăn dắt. Nếu bác nó xứng đáng là thần tượng của nó thì em càng khỏe. Tuổi của nó còn uốn được. Còn hai năm nữa mới tốt nghiệp PTTH, em hãy xác định với con là sẽ nhích dần, lên mức khá là được. Làm sao nó giỏi được, không đâu, làm học sinh khá đã là tốt. Tự biết sức con mình, cũng như tự biết mình, sẽ có mục tiêu khiêm tốn, vừa sức, vậy là an tâm.

Rất cần mẹ con ngồi ăn cùng, vui những niềm vui cùng như nghe nhạc, xem phim cùng, làm vườn cùng, nhà em có đất mà. Thậm chí làm việc nhà cùng, lau nhà, chăm sóc nhà, làm bếp… Em kéo con vào lòng mình bằng công việc, khen nó khi nó hay và tỏ ra tin cậy nó. Rồi nó tự thấy mình là người lớn, có trách nhiệm và nó sẽ trưởng thành từ những trách nhiệm nhỏ ấy. Gửi bác chăm sóc tinh thần nhưng nên vẫn ăn với mẹ để mẹ con gắn bó.

Mong em thành công.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.