| Hotline: 0983.970.780

Công an Bắc Kạn bó tay với tín dụng đen?

Thứ Ba 19/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Bị cuốn vào hoạt động cho vay nặng lãi, nhiều người dân ở thị xã Bắc Kạn lâm vào cảnh nợ nần, cầm cố nhà cửa dẫn tới phá sản./ Tín dụng đen tàn phá thị xã Bắc Kạn

Mặc dù đơn tố cáo đã được gửi tới cơ quan CA tỉnh, đối tượng vay nợ gây thiệt hại lớn cho các gia đình cũng đã rõ.

Vậy nhưng ông Hoàng Văn Vượt – Phó GĐ Công an tỉnh Bắc Kạn vẫn cho rằng không thể khởi tố vụ án vì chưa có dấu hiệu của tội phạm hình sự....

Dân bị lừa, công an tỉnh thờ ơ

Như Báo NNVN ngày 6/2/2015 đã phản ánh về đường dây tín dụng đen đã âm thầm hoạt động từ nhiều năm qua tại thị xã Bắc Kạn và đang đến giai đoạn đổ bể khiến nhiều hộ dân đứng trên bờ vực phá sản.

Hàng loạt nạn nhân của đường dây này như Nguyễn Thị Tuyết, Vũ Thị Diệu, Triệu Thị Thanh... mỗi người ít cũng mất đi dăm bảy tỉ đồng, người mất nhiều có khi lên tới vài chục tỉ.

Hệ lụy kéo theo không chỉ anh em trong gia đình, họ hàng, người thân của các nạn nhân nói trên đã cho vay tiền, cho mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng ném vào đường dây tín dụng mà ngay cả các ngân hàng cũng mắc thêm nợ xấu.

Tính đến ngày 22/9/2011, tổng số tiền bà Nguyễn Thị Tuyết bỏ vào đường dây tín dụng đen này thông qua Vũ Thị Ánh Tuệ đã lên tới 6,3 tỉ đồng, ngôi nhà mặt phố ở trung tâm thị xã Bắc Kạn mà gia đình bà Tuyết đang ở cũng đã thế chấp cho ngân hàng từ lâu. Bà Vũ Thị Thu cho Tuệ vay 1,3 tỉ đồng, ông Đồng Phú Nam cho Tuệ vay 350 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Diệu ở tổ 11 A, phường Đức Xuân cũng cho Vũ Thị Ánh Tuệ vay 1,2 tỉ đồng và cho bà Triệu Thị Thanh ở phường Đồng Xuân vay 12 tỉ đồng. Rồi thì chính Tuệ trước khi đi vay của người khác cũng từng có thời gian ngắn được làm chủ nợ vì cho Triệu Thị Thanh vay 5,9 tỉ đồng...

Chưa thể nắm hết số lượng nạn nhân bị cuốn vào vòng quay của đường dây tín dụng đen này, tuy nhiên mới chỉ nhẩm tính thiệt hại của vài người nêu trên, số tiền đã lên tới vài chục tỉ.

Theo tìm hiểu của PV, đường dây tín dụng đen này đã hoạt động từ năm 2008 nên có thể còn rất nhiều nạn nhân nữa mà chúng tôi chưa có điều kiện gặp gỡ.

Để làm rõ có bao nhiêu nạn nhân bị lừa mất tài sản và quy mô của đường dây tín dụng đen này lớn đến đâu cần phải có sự vào cuộc của CA tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, mặc cho tín dụng đen hoành hành, người dân mất nhà, mất tài sản, an sinh xã hội bị đe dọa, mặc cho công dân thị xã gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra, mặc cho dư luận lên tiếng phản ánh, CA tỉnh Bắc Kạn vẫn giữ thái độ “thờ ơ” như không có chuyện gì xảy ra.

Bó tay với tội phạm?

Lý giải cho sự “thờ ơ” của CA tỉnh Bắc Kạn, ông Hoàng Văn Vượt – PGĐ CA tỉnh cho rằng, chưa thể xác định được có đường đây hay một tổ chức tín dụng đen ở thị xã Bắc Kạn, vì vậy cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án.

Nhưng ông Vượt cũng phải thừa nhận có việc vay lãi để cho vay lãi và cơ quan điều tra đã nhận được đơn của bà Tuyết và bà Diện.

Duy chỉ có điều, không phải cứ nhận được đơn thư của công dân là phải giải quyết mà cơ quan điều tra chỉ làm khi có dấu hiệu của tội phạm hình sự.

Không đồng tình với quan điểm của ông Vượt về việc chưa thể xác định có một đường dây tín dụng đen tại TX Bắc Kạn, tác giả bài này cho rằng, khi đưa ra quan điểm trên ông Vượt đã hoàn toàn phủ nhận hiện thực khách quan đang diễn ra trước mắt.

Bởi lẽ, hoạt động vay lãi để cho vay lãi là có thực và rất dễ để nhận ra rằng tất cả những nạn nhân dính đến hoạt động tín dụng này đều có liên quan tới nhau thông qua một mắt xích quan trọng là Vũ Thị Ánh Tuệ.

Trong đơn tố cáo của các nạn nhân Tuyết và Diệu thì Tuệ vay tiền của họ là để đầu tư khai thác khoáng sản nhưng trên thực tế thì Tuệ chỉ dùng một phần tiền để đầu tư vào khoáng sản, một phần tiền để trả nợ, còn phần lớn số tiền Tuệ vay được lại chuyển cho một đối tượng khác.

Trong trường hợp này, hành vi của Tuệ là lạm dụng tín nhiệm và đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ Tuệ chủ mưu vay nợ để chiếm đoạt hay cũng chỉ là một nạn nhân của một đường dây tín dụng đen.

Các nạn nhân trong đường dây tín dụng đen cho biết, mặc dù đã lừa vay hàng chục tỉ của nhiều người cùng lúc nhưng chính Tuệ cũng đang lâm vào hoàn cảnh bi đát, mất khả năng chi trả. Tài sản của Tuệ từ xe máy, ti vi, tủ lạnh ... đều đã cầm cố.

Vì vậy, cơ quan điều tra cần làm rõ Tuệ đã vay tiền của bao nhiêu người, số lượng tiền bao nhiêu, lãi suất cho vay như thế nào và quan trọng nhất là Tuệ đã sử dụng số tiền vay như thế nào?, có cho ai vay lại để lấy lãi suất cao hơn hay không? Những câu hỏi này cần phải được giải đáp nhưng không hiểu vì lý do gì mà CA tỉnh Bắc Kạn làm ngơ?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất