| Hotline: 0983.970.780

Công an Hà Nội: Khiển trách cảnh sát ‘gạt tay trúng má nhà báo’

Thứ Sáu 30/09/2016 , 07:21 (GMT+7)

Trước hình ảnh phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ) bị đánh khi đang tác nghiệp, Công an Hà Nội giải thích là do một cảnh sát đã gạt tay trúng vào má, đá nhưng không trúng.

Ngày 29/9, trả lời báo giới, đại tá Nguyễn Duy Ngọc (Phó giám đốc Công an Hà Nội, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra) thừa nhận đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát hình sự huyện Đông Anh và phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ) tác nghiệp tại hiện trường vụ tài xế taxi tử vong ở cầu Nhật Tân.

Cho rằng việc điều tra là "khách quan, chính xác", Công an Hà Nội xác định phóng viên đã không xuất trình được thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cần thiết theo yêu cầu của những người bảo vệ hiện trường. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cảnh sát tên Hưng "có dùng tay gạt nhà báo Quang Thế trúng vào má, có giơ chân đá, mặc dù không trúng". Một cảnh sát tên Thuyên "đưa tay gạt vào một máy quay”.

Theo lãnh đạo Công an Hà Nội, anh Quang Thế "không có thương tích" và cũng từ chối yêu cầu trưng cầu giám định sức khỏe.

cong-an-ha-noi-khien-trach-canh-sat-gat-tay-trung-ma-nha-bao
Công an Hà Nội cho rằng cảnh sát hình sự Đông Anh đã "gạt tay". Ảnh: MC.


Căn cứ quy tắc ứng xử của lực lượng công an nhân dân, Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh đã kỷ luật hình thức khiển trách cảnh sát Hưng. Còn cảnh sát Thuyên chưa có hành động cụ thể gây ra tác hại cụ thể nên chỉ bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Về nội dung kết luận trên, trả lời VnExpress, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban kiểm tra Hội nhà báo Việt Nam, cho biết Hội chưa nhận được hồi đáp từ phía công an dù cơ quan này lên tiếng vào tuần trước. "Khi có văn bản trả lời chính thức, chúng tôi sẽ có ý kiến”, ông Minh nói.

14445330-625577400937104-8324280-n_14751
Theo kết luận của Công an Hà Nội, cảnh sát Hưng có đá nhưng không trúng.


Báo Tuổi trẻ đưa tin, chiều tối ngày 29/9, Công an quận Tây Hồ đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính với anh Quang Thế, mức tiền gần 14,5 triệu đồng. Theo đó, Quang Thế đã phạm các lỗi: vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.

Quang Thế cho hay không đồng ý với nhiều nội dung trong quyết định xử phạt của Công an Hà Nội, chỉ đồng ý lỗi vi phạm để xe trên cầu. Thời điểm xảy ra sự việc, anh hoạt động nghiệp vụ theo Luật Báo chí và theo pháp luật Việt Nam.

Khu vực xảy ra sự việc không có biển báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng không căng dây bảo vệ hiện trường.

Trả lời VnExpress luật sư Vũ Tiến Vinh cho hay chỉ khu vực có biển báo cấm hoặc có yêu cầu (hợp pháp) của người có thẩm quyền, công dân mới không được phép quay phim, chụp ảnh. 

Trong hoạt động điều tra, căng dây (thường là dải băng chuyên dụng, có chữ cảnh báo trên bề mặt để mọi người dễ nhận biết) là để cấm người không có chức năng, nhiệm vụ đi vào chứ không đồng nghĩa với việc cấm quay phim, chụp ảnh. 

Sáng 23/9, phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ) tác nghiệp tìm hiểu vụ việc tài xế taxi tử vong dưới chân cầu Nhật Tân (Đông Anh, Hà Nội) thì bị một người mặc trang phục cảnh sát ngăn cản.

Anh Thế khi đi xa khoảng 30 m tiếp tục chụp ảnh thì bị một nhóm người cản trở. Một cảnh sát hình sự huyện Đông Anh mặc thường phục có mặt ở đây đã hành hung anh Thế. "Tôi bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu", anh Thế nói và cho hay chiếc camera đang cầm đã bị giật không cho tác nghiệp.

Chiều 23/9, thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh đã đến Văn phòng đại diện của báo tại Hà Nội xin lỗi anh Quang Thế, thừa nhận "thái độ không đúng" của chiến sĩ dưới quyền.

Ông Thắng giải thích đây là các chiến sĩ trẻ, có thể do "bị áp lực" bảo vệ hiện trường đông người nên "hành xử không đúng".

Sáng 24/9, Hội Nhà báo Việt Nam gửi văn bản tới Công an Hà Nội đề nghị khẩn trương làm rõ để việc này không trở thành "tiền lệ xấu". Trao đổi với VnExpress, ông Phan Hữu Minh cho rằng đây là: "Hành vi xâm phạm thân thể nhà báo, phóng viên; cản trở, gây khó dễ cho việc tác nghiệp là trái với Luật Báo chí cũng như quyền hành nghề của nhà báo trên lãnh thổ Việt Nam".

Ngày 25/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có văn bản giao Công an Hà Nội xác minh vụ việc, báo cáo trước ngày 27/9.

 

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm