| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 15/12/2010 , 09:37 (GMT+7)

09:37 - 15/12/2010

Công bằng

 Đang rộ lên cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về việc TP Đà Nẵng chỉ đạo không tiếp nhận mới các sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc.

Thực tế có nhiều người sử dụng lao động chia sẻ với mong muốn chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng đầu vào bộ máy của Đà Nẵng thông qua việc loại bớt những ứng viên vốn được xem là kém chất lượng (hệ tại chức). Do vậy chỉ đạo nói trên có thể coi là một giải pháp kỹ thuật nhằm tới mục tiêu này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác (như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc) lại cho rằng, nếu đơn vị tuyển dụng không nhận sinh viên tại chức, hoặc tiến tới không đào tạo hệ này nữa trong tương lai là cực đoan và có lỗi với người dân. Bởi lẽ nhân dân có quyền được tham gia học tập suốt đời và tại chức là loại hình phù hợp. Có nhiều cách để “phân luồng” đầu vào và cơ quan nhà nước nên học tư nhân cách thức tuyển dụng khi chỉ nhìn vào kết quả công việc mà không quá đề cao bằng cấp. Hơn thế, với tư cách là một thứ kết quả hợp pháp của phúc lợi XHCN là giáo dục (cử nhân tại chức) không tổ chức, cá nhân nào được quyền phân biệt đối xử, dù mục đích có tốt đẹp bao nhiêu.

Nhìn rộng ra ở tất cả các loại hình đào tạo khác cũng có hàng trăm loại phẩm cấp và không phải cơ sở giáo dục đào tạo nào cũng kém. Hơn nữa khác các loại hình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện tại cũng đang tổ chức theo phương thức tại chức - một biểu hiện sinh động hưởng ứng chủ trương nâng cao dân trí, xã hội học tập như lãnh đạo cấp cao kêu gọi, lẽ nào lại phân biệt đối xử?

Mặt khác, theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN là “cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Theo nguyên tắc này thì dù mục tiêu có chính đáng nhưng cách ra văn bản “cấm cửa” cử nhân tại chức là chưa hợp pháp. Không cơ quan hành pháp nào được phép tạo ra “đặc quyền, đặc lợi” cho nhóm người này và hạn chế quyền của nhóm người khác khi họ không vi phạm. Trái lại nhà nước còn luôn phải đảm bảo sự công bằng, khách quan, không phân biệt cho mọi cá nhân trong xã hội. Vấn đề còn ở chỗ cả Luật Giáo dục, Luật Cán bộ, Công chức đều không có sự phân biệt các loại cử nhân với cử nhân tại chức, chính quyền Đà Nẵng không thể ra luật riêng!

Công bằng trong cơ hội học tập, tiếp cận tri thức và cơ hội việc làm của mọi người dân mang tính nguyên tắc của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, không phải tự nhiên mà có tâm lý kỳ thị cử nhân tại chức. Bởi vì ở nhiều trường đại học, sinh viên hệ chính quy chỉ có khoảng 3.000 nhưng sinh viên hệ đào tạo tại chức lên tới hơn 10.000, chủ yếu để “hợp thức hoá” cho những người đang làm việc còn “nợ” bằng. Năm 2010, các trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT giao tổng chỉ tiêu đào tạo tại chức, văn bằng 2, liên thông với hơn 322.000 chỉ tiêu, tương đương tới 62,9% so với tổng chỉ tiêu đào tạo của hệ chính quy. Trong đó, hệ vừa học vừa làm (tại chức) có nơi vượt qua tỉ lệ 50% so với hệ chính quy.

Với số lượng như thế, dư luận nghi ngại về chất lượng quả cũng không oan! Qua cách thi tuyển đầu vào, quan sát việc dạy và học ở lớp tại chức, câu trả lời về chất lượng sinh viên ở các lớp học này cũng không phải là quá khó.

Vậy đâu là công bằng khi những cử nhân tại chức, đầu vào chất lượng không cao, đầu ra chất lượng còn thấp lại có cơ hội ngang bằng trong tiếp cận việc làm, thậm chí còn "đánh bật" những cử nhân chính quy chất lượng hơn hẳn?

Câu hỏi này sẽ không thể giải đáp. Nói khác hơn sẽ không bao giờ có công bằng một khi hệ đào tạo tại chức vẫn còn tràn lan, thiếu kiểm soát và đặc biệt là cơ chế tuyển dụng mang tính hình thức, trắng đen lẫn lộn.

Bình luận mới nhất