| Hotline: 0983.970.780

Công bố kết quả kiểm toán Nhà nước của năm 2010

Thứ Tư 31/08/2011 , 09:19 (GMT+7)

Báo cáo 2010, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 17.095 tỷ đồng, tăng thu 4.904,4 tỷ đồng; giảm chi 2.462,7 tỷ đồng.

Ngày 30/8 tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố công khai báo cáo kiểm toán năm 2010 về niên độ ngân sách 2009 và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2009 của Kiểm toán Nhà nước. 

Kiến nghị tăng thu thuế nội địa hơn 1.862 tỷ đồng 

Năm 2010, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 16 bộ, cơ quan trung ương; 32 tỉnh, thành phố; 28 dự án đầu tư; 4 chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; 4 chuyên đề; 28 tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức tài chính ngân hàng; 17 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng-an ninh; tỉnh ủy 10 tỉnh; Ban Cơ yếu Chính phủ; kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Theo ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, thu từ doanh nghiệp nhà nước tuy vượt dự toán liên tục trong 2 năm, song kết quả kiểm toán cho thấy tình trạng áp sai thuế suất thuế giá trị gia tăng khi kê khai, nộp thuế; hạch toán thiếu doanh thu, đưa vào chi phí một số khoản không hợp lý, hợp lệ, không đúng định mức; áp dụng sai đơn giá, tính sai diện tích khi xác định tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán. 

Kết quả kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của 78 doanh nghiệp nhà nước và kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của 601 đối tượng nộp thuế tại 32 địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm gần 1.152 tỷ đồng; tại 28 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và tổ chức tài chính, số thuế, phí và các khoản khác phải nộp tăng thêm sau kiểm toán là hơn 1.170 tỷ đồng. 

Công tác quản lý thu đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn hạn chế như còn bỏ sót một số sai phạm của doanh nghiệp trong kê khai doanh thu, chi phí, thuế giá trị gia tăng đầu vào, áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định; áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng; số miễn, giảm thuế và tiền sử dụng đất sai quy định tại 5/32 địa phương được kiểm toán là 36 tỷ đồng...

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu về đất 607 tỷ đồng và các khoản thuế nội địa 1.862,9 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực chi ngân sách, việc điều hành kế hoạch vốn còn điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; kinh phí không giao hết ngay từ đầu năm; bố trí vốn cho các dự án còn dàn trải, chưa phù hợp với thời gian, tiến độ, một số tỉnh điều chuyển vốn chương trình mục tiêu quốc gia không đúng mục tiêu, đối tượng (tỉnh Hải Dương 2,4 tỷ đồng, Ninh Bình 35,2 tỷ đồng)...; bố trí vốn cho các dự án ngoài kế hoạch không được hội đồng nhân dân phê duyệt (tỉnh Trà Vinh bố trí 15,76 tỷ đồng cho 15 dự án). 

Với hoạt động chi thường xuyên, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện 12/32 địa phương được kiểm toán không giao hết số kinh phí ngay từ đầu năm; 2/32 địa phương bố trí vốn cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo thấp hơn mức trung ương giao; một số địa phương phân bổ dự toán cho một số nội dung không có định mức, nhiệm vụ chi cụ thể. 

Tăng thu hơn 4.904 tỷ đồng, giảm chi gần 2.463 tỷ đồng 

Theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán tại 25/27 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho thấy đều có lãi, bảo toàn và phát triển vốn. Tổng lợi nhuận trước thuế 48.461 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu, thu nhập bình quân đạt 15,98%, trên vốn đầu tư chủ sở hữu bình quân đạt 25,13%. 

Trong đó, kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty tiếp tục tăng trưởng so với năm 2008, giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Lợi nhuận trước thuế 34.314 tỷ đồng, tăng 4,18%;), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (768,7 tỷ đồng, tăng 78,5%), Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (428,7 tỷ đồng, tăng 28,79 %) ... 

Tuy nhiên, tại một số tập đoàn, tổng công ty mặc dù tình hình tài chính tại công ty mẹ tốt song các đơn vị thành viên chưa đồng đều, có đơn vị hiệu quả kinh doanh cao, có đơn vị thua lỗ lớn như tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội..... 

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý chi phí, giá thành còn nhiều hạn chế, hệ số huy động vốn cao, còn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro... nên chưa phát huy tốt vai trò chủ đạo, đầu tàu của nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của nhà nước, “đe dọa” đến việc bảo toàn vốn (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam lỗ 103 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng lỗ 20,641 tỷ đồng và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng...); một số đơn vị chưa nộp kịp thời các khoản thuế vào ngân sách nhà nước. 

Thông qua việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho thấy ở một số ngân hàng do tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng nên tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chỉ đạt 4,69-6,21%, thấp hơn mức quy định 8% của Ngân hàng Nhà nước; không đảm bảo khả năng chi trả, phải xin tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước và vay các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, phát hành trái phiếu để bù đắp thiếu hụt thanh khoản; hiệu quả kinh doanh thấp; chất lượng tín dụng sụt giảm so với năm 2008. 

Từ những báo cáo kiểm toán đã thực hiện, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 17.095 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu là 4.904,4 tỷ đồng; giảm chi 2.462,7 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm là 697,7 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước là 7.962,2 tỷ đồng; xử lý khác 1.068 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm tra kết quả thực hiện xử lý kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2009 về niên độ ngân sách 2008 của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2010, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc về thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về chấn chỉnh công tác quản lý tài chính. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện xử lý tài chính vẫn chưa cao, chỉ đạt 69,1% tổng số kiến nghị, trong đó địa phương thực hiện đạt bằng 59%; các bộ, ngành trung ương thực hiện được 58,1%; các cuộc kiểm toán chuyên đề thực hiện đạt bằng 91,7%; các doanh nghiệp đạt 98,4%; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đạt 76,6%; khối quốc phòng, an ninh và cơ quan thực hiện được 66,9%.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.