| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ sinh học "dậm chân tại chỗ"

Thứ Ba 23/10/2012 , 10:46 (GMT+7)

Trong phát triển công nghệ sinh học, trở ngại nhất hiện nay là chưa có chính sách đặc thù.

TS Dương Hoa Xô
Trong phát triển công nghệ sinh học, trở ngại nhất hiện nay là chưa có chính sách đặc thù. Trao đổi với NNVN, TS Dương Hoa Xô, GĐ Trung tâm CNSH TP.HCM bức xúc: “Mình muốn đưa CNSH đi lên nhưng quả thật không thể làm được. Chính sách đầy ra đấy, nhưng không thực hiện được. Kêu thì người ta bảo vướng, mà chẳng biết vướng ở đâu?”.

Sở dĩ TS Xô nói vậy bởi thời gian đã gấp lắm rồi, nhân lực cho khoa học CNSH liên tục “chảy máu”, vừa thiếu lại vừa yếu. Ngay từ năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định (số 11/2006) về “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực NN-PTNT đến năm 2020”, nêu rõ: Mục tiêu giai đoạn 2011-2015 đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào SX (bông, ngô, đậu nành). Tầm nhìn đến năm 2020 diện tích trồng cây biến đổi gen chiếm 30-50%.

Vậy nhưng, để hoàn thành mục tiêu này quả rất khó khăn khi ngành khoa học CNSH không được ưu tiên phát triển (dù chỉ trong giai đoạn đầu) để làm động lực kéo ngành nông nghiệp VN đi lên.

Ông đã nhiều lần nói rằng, muốn phát triển CNSH thì yếu tố quan trọng nhất là con người. Vậy nhưng, ngay tại Trung tâm CNSH TPHCM (đầu tàu của cả nước) lại đang “đau đầu” về vấn đề này?

Dù được tiếng là trung tâm CNSH đầu ngành ở phía Nam, nhưng những cán bộ ở đây không có chế độ gì đặc biệt, được xem như những viên chức bình thường, hưởng lương vài ba triệu đồng như bao người khác. Cái này thì nhà nước biết, biết lâu lắm rồi, nhưng đến giờ cũng không thấy có chuyển biến gì. Chủ yếu quan tâm bằng lời hứa, nhưng nói xong rồi cũng để đó.

So sánh đơn cử như nước láng giềng Trung Quốc, họ có chế độ đãi ngộ rất cao để mời chào các nhà khoa học Hoa kiều đang làm việc tại các nước phát triển về, đảm bảo lương và chế độ phụ cấp tương đương, thậm chí hơn cả châu Âu, Mỹ. Họ còn cấp sẵn phòng thí nghiệm và mọi điều kiện vật chất cần thiết để các nhà khoa học phát huy khả năng cống hiến. Tôi biết lương 1 vị tiến sĩ lĩnh vực CNSH bên Mỹ hay châu Âu là 6.000 - 10.000 USD/tháng; còn tiến sĩ CNSH ở VN làm lâu năm rồi cũng chỉ được 200 - 300 USD/tháng thôi, cơ sở làm việc thì vô cùng hạn chế.

Vì thế, chủ quan của mình muốn đưa khoa học CNSH lên nhưng quả thật điều kiện bây giờ không thể làm được. Chính sách của ta giờ đầy ra đấy, nhưng chẳng có gì cụ thể và không thể thực hiện. Chúng tôi kêu lên thì người ta bảo vướng. Mà chẳng biết vướng ở đâu? Ông này thì đổ ông kia. Ngay Bộ KH-CN, đơn vị chủ trì, nhưng cứ ngồi nói vướng mà chẳng biết vướng thế nào cả? Mọi quy chế đều do con người tạo ra, do các Bộ tạo ra. Nếu các Bộ không tham mưu trình Chính phủ để giải quyết cái “vướng” thì hỏi ai làm nữa?

TP HCM có nguồn lực tài chính mạnh, sao trung tâm không đề xuất thành phố cho cơ chế riêng để thúc đẩy CNSH toàn vùng phía Nam?

Thực ra chúng tôi làm rồi. Tại rất nhiều cuộc hội thảo về CNSH, chúng tôi đưa ra rất nhiều đề xuất, thành phố cũng nói đang xây dựng chính sách cho các cán bộ khoa học, nhưng theo tôi nhận thấy thì dường như không tìm được lối thoát, vẫn trong vòng luẩn quẩn. Luẩn quẩn ở chỗ, có quan điểm cho rằng, tất cả cán bộ khoa học có trình độ thì tập trung lo hết cho họ, nhưng nếu như thế thì bao nhiêu cho vừa? Tiền đâu lo hết?

Vì thế, có ý kiến khác đề xuất, trong điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện nguồn ngân sách có hạn thì nên tập trung cho một số lĩnh vực mũi nhọn, không nên dàn trải. Ví dụ: Những người làm trong lĩnh vực CNSH hay nông nghiệp công nghệ cao thì nên có chế độ phụ cấp xứng đáng để họ yên tâm làm việc, cống hiến cho lĩnh vực khoa học tiên phong. Quan điểm này cũng cho rằng, trong một giai đoạn nhất định, Nhà nước cần khoanh vùng một số lĩnh vực ưu tiên phát triển, có chế độ phụ cấp cho những nhà khoa học để họ không đồng loạt bỏ đi.

Nghe nói trước đây Trung tâm CNSH TP HCM đã thu hút được nhiều nhà khoa học giỏi, lý do là sao, thưa ông?

Hồi đầu thành phố cũng có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho một số ngành khoa học mũi nhọn, trong đó có Trung tâm CNSH. Các cán bộ làm tại đây được phụ cấp thêm 2 lần lương nên trung tâm nhận được nhiều người giỏi, ai cũng mong muốn được vào làm. Nhưng sau khi đưa qua Sở KH-CN, không hiểu sở này tham mưu làm sao, cuối cùng phụ cấp được 2 năm (2005, 2006), thì bắt đầu từ năm 2007 cắt luôn đến giờ, cán bộ cứ thế lần lượt ra đi.

Sau đó lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Nội vụ và Sở KH-CN xây dựng chính sách, nhưng xây xong rồi lại cũng bỏ đó, tôi chán nên cũng chẳng buồn nói tới. Thi thoảng họp bàn, tôi cũng lôi chuyện đó ra nói: “Các anh bày ra xây dựng chính sách làm gì, vì có thấy làm đâu?! Các anh đừng hỏi hay họp bàn nữa, họp hoài mà chẳng đi đến đâu!”.

Vậy có nghĩa, mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là VN mong muốn đẩy mạnh phát triển CNSH, nhưng lại chưa có chính sách xứng tầm cho nó, đặc biệt là nguồn lực con người?

Đúng vậy, cái tôi lo nhất là yếu tố nhân lực. Nói đơn giản thế này: Trong lĩnh vực CNSH rất rộng, có chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản... Rồi trong từng lĩnh vực lại chia nhỏ hơn, như trồng trọt thì có lĩnh lai tạo giống hay biện pháp canh tác. Vì thế, khi triển khai trong từng lĩnh vực chuyên môn sâu thì phải có một người đầu đàn, nhưng nói thật chúng tôi không có. Ngay bản thân tôi là tiến sĩ thì chuyên ngành cũng khá hẹp, không thể ôm hết hay đi hướng dẫn tất cả các lĩnh vực được.

Cho nên, trung tâm cũng đang lúng túng, giờ muốn mở ra một số hướng nghiên cứu nhưng rõ ràng không có con người thì đành chịu! Nói thật, đầu tư cho máy móc thì dễ, có tiền thì chỉ vài ngày là mua được; nhưng đầu tư cho con người khó hơn nhiều, không có kế hoạch bài bản kéo dài 5 - 10 năm thì không xong rồi.

Cách đây 10 - 15 năm, chúng ta không quan tâm bồi dưỡng một thế hệ làm khoa học nối tiếp, vì thế tạo ra một lỗ hổng rất lớn trong khoa học. Dạo gần đây có đỡ hơn, trung tâm dù được thành phố ưu tiên cử người đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng chúng tôi đang rất lo số anh em đi về mà cơ sở vật chất nghèo nàn, tiền lương ba cọc ba đồng thì tất yếu họ sẽ bỏ đi hết thôi!

Vậy còn Trung tâm CNSH đang xậy dựng tại quận 12 với diện tích 23 ha, giá trị 100 triệu USD thì sao, có trục trặc gì không, thưa ông?

Hồi đầu tôi ước lượng năm 2012 trung tâm mới sẽ xây xong. Vậy nhưng sau nhiều năm, đến giờ này mới chuẩn bị… khởi công! Mà cứ tình hình khủng hoảng tài chính, kinh tế khó khăn thế này thì không biết bao giờ mới xong. Nói chung, người ta nói vướng đủ thứ nhưng cuối cùng không thấy ai giải quyết cả!

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm