| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ tưới nhỏ giọt nâng cao năng suất mía

Thứ Năm 20/11/2014 , 09:50 (GMT+7)

Bài báo này trình bày công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía, một trong những giải pháp giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây mía đường.

Là một cây trồng quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng cây mía đường trồng ở nước ta có năng suất và hàm lượng đường thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, dẫn tới sản phẩm của ngành mía đường không cạnh tranh được với đường nhập ngoại.

Để giải quyết những vấn đề trên, việc áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến cho canh tác cây mía là một yêu cầu bức thiết đối với ngành mía đường Việt Nam.

Bài báo này trình bày công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía, một trong những giải pháp giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây mía đường.

imge003154837359

Tình hình SX mía trên thế giới và nước ta

Trên thế giới, mía hiện nay là cây trồng khá phổ biến với diện tích khoảng trên 25 triệu ha. Cây mía được trồng tại hơn 110 quốc gia, chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tổng cộng sản lượng trung bình của cây mía khoảng 1,83 tỷ tấn mỗi vụ thu hoạch.

Cây mía không chỉ cung cấp nguyên liệu SX cho hơn 80% lượng đường trên thế giới mà còn là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành công nghiệp chế biến khác.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2013 diện tích cây mía trồng trên phạm vi cả nước là 283.222 ha, cung cấp nguyên liệu cho trên 40 nhà máy đường.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã xác định Chương trình mía đường là chương trình khởi đầu để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhằm mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp.

Ngày 15/02/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến 2020, với các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010 là: Diện tích trồng mía đạt 300.000 ha, năng suất mía bình quân 65 tấn/ha, sản lượng mía 19,5 triệu tấn và sản lượng đường 1,5 triệu tấn (trong đó đường công nghiệp 1,4 triệu tấn).

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2010, diện tích mía cả nước chỉ đạt 266.300 ha, sản lượng mía đạt 15,9 triệu tấn, sản lượng đường ước đạt trên 1,0 triệu tấn.

Trên thực tế, mặc dù có một điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khá phù hợp và được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước,nhưng trong những năm qua, ngành mía đường ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo thu nhập từ trồng mía không cao, ảnh hưởng đến đời sống của người trồng mía.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như hiệu quả chế biến đường từ cây mía không cao, cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và người dân chưa tốt... nhưng có một nguyên nhân quan trọng là quy trình canh tác mía còn lạc hậu, năng suất cây trồng và hàm lượng đường trong cây mía thấp.

Từ thành công của một số nước trên thế giới và doanh nghiệp trong nước, đã khẳng định việc áp dụng KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây mía là hướng đi cần thiết, hiệu quả, phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài Nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu quy trình công nghệ và thiết bị tưới phù hợp với cây mía tại các vùng nguyên liệu tập trung” đã chứng minh việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có thể đưa năng suất cây mía đường lên trên 120 tấn/ha, hàm lượng đường trong cây mía tăng 15 - 20%, lợi nhuận của nông dân trồng mía có thể tăng thêm đến 200%.

Các giải pháp tưới mía đang áp dụng tại Việt Nam

Trong gần 300.000 ha mía được trồng tại Việt Nam hiện nay, chỉ có khoảng 10.000 ha được tưới đủ lượng nước theo nhu cầu, còn lại chủ yếu không được tưới đủ nước hoặc chỉ nhờ vào nước mưa. Các hình thức tưới cho cây mía đang được áp dụng hiện nay gồm:

+ Tưới rãnh: Được áp dụng rộng rãi nhất trong canh tác mía ở khu vực nguồn nước tương đối thuận lợi. Nước từ nguồn được đưa vào các rãnh ở giữa các hàng mía qua hệ thống kênh dẫn, ống dẫn hoặc vòi lưu động và thấm dần sang các hàng mía ở hai bên.

+ Tưới phun mưa: Đây là hình thức tưới mới được sử dụng tại Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện nay, có nhiều nơi áp dụng phương pháp tưới phun, đặc biệt là ở các khu nguyên liệu mía của các Cty mía đường lớn trong nước, như của Cty Cổ phần đường Ninh Hòa, Cy Cổ phần Mía đường nhiệt điện Gia Lai...

Ở hình thức tưới này, nước từ nguồn được máy bơm đẩy lên hệ thống ống dẫn và qua các vòi phun được bố trí tại mặt ruộng theo dạng các giọt mưa.

+ Tưới nhỏ giọt: Công nghệ tưới nhỏ giọt sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ ở Việt Nam. Nguyên lý cơ bản của công nghệ tưới nhỏ giọt là đưa nước đến từng gốc cây ở dạng các giọt nước thông qua các vòi tưới nhỏ giọt.

Lượng nước qua các vòi tưới được điều chỉnh bằnghệ thống điều khiển lượng nước nên cung cấp cho các gốc cây cùng liều lượng, không phụ thuộc vòi tưới ở gần hay xa nguồn nước.

Công nghệ này những ưu điểm nổi trội như: (i) Tiết kiệm nước; (ii) Tiết kiệm phân bón và nhân công; (iii) Quản lý tốt dinh dưỡng của cây trồng; (iv) Giúp tăng năng suất, tăng chất lượng cây trồng; (v) Giảm nấm bệnh; (vi) Giảm ô nhiễm môi trường đất và nước.

Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và thay đổi nhận thức của người dân, việc đầu tư công nghệ tưới cho cây mía được quan tâm, cùng với việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến vào SX sẽ góp phần thúc đẩy cho ngành công nghiệp mía đường phát triển mạnh mẽ.

Theo kết quả khảo nghiệm thực tế ở mô hình tưới mía ở Bình Dương và Quảng Ngãi cho thấy:

- Về sinh trưởng: Tốc độ sinh trưởng của cây mía được tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt luôn có chiều cao và đường kính thân cây lớn hơn cây mía được tưới bằng phương pháp tưới rãnh từ 10 - 20%.

- Về năng suất: Năng suất cây mía bằng 145 - 150% năng suất cây mía canh tác theo phương pháp truyền thông không được tưới đủ nước.

- Về hiệu quả kinh tế: Theo tính toán cụ thể các chi phí và doanh thu tại cùng thời gian, với cây mía được tưới nhỏ giọt, lợi nhuận tăng thêm 221 - 282%.

Kết quả thực tế thí điểm ở nước ta đã khẳng định hiệu quả rõ rệt của việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong việc giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía đường. Với chi phí đầu tư khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha thì lợi nhuận gia tăng do công nghệ mang lại sau 2 vụ mía có thể vượt qua mức hoàn vốn, các vụ sau sẽ mang lại lợi nhuận cao cho người trồng mía.

Cung cấp đầy đủ nước tưới là giải pháp tăng năng suất và chất lượng cho cây mía. Trong những biện pháp tưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có thể mang lại hiệu quả cao.

Đầu tư công nghệ tưới cho cây mía không những giúp người trồng mía nâng cao thu nhập mà còn nâng cao sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

Để giải pháp này có thể nhân rộng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập huấn cho người dân tiếp cận và làm chủ công nghệ. Nhà nước cần ban hành chính sách tài chính vi mô nhằm hỗ trợ ban đầu khuyên khích cho người dân áp dụng công nghệ.

(Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc, Viện Nước, tưới, tiêu & môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi VN)

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất