| Hotline: 0983.970.780

"Công nghệ" vỗ béo bò quái dị!

Thứ Tư 11/01/2012 , 10:50 (GMT+7)

Không chỉ dùng vòi bơm nước trực tiếp vào dạ dày của trâu bò, tại các lò mổ, nước còn được bơm vào các động mạch, bắp thịt...

"Công nghệ" bơm nước vào thịt trâu bò
Không chỉ dùng vòi bơm nước trực tiếp vào dạ dày của trâu bò, tại các lò mổ, nước còn được bơm vào các động mạch, bắp thịt nhằm tăng trọng lượng để thu nhập bất chính. PV NNVN đã có cuộc xâm nhập lò mổ làm rõ vấn đề này.

“Vỗ béo” bằng bơm nước

Chợ Ú (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) được coi là chợ trâu bò lớn nhất khu vực miền Trung. Nói là chợ trâu bò, thực ra chỉ là một bãi đất trống rộng vài trăm m2. Chợ được mở theo phiên, một tháng họp 6 phiên vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26. Theo một lái buôn thì trâu bò ở đây chủ yếu do cánh lái buôn gom ở khu vực cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn đưa xuống.

Từ lúc tờ mờ sáng phiên chợ ngày 21/12, có đến cả trăm chiếc xe tải lớn nhỏ đậu dọc hai ven đường kéo dài vào tận sâu trong chợ. Mỗi xe chở hàng chục con trâu bò, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ số trâu bò trong chợ đã bán sạch bách. Ông Nguyễn Khánh Hùng, người dân gần khu vực chợ Ú cho biết, trước đây ông cũng là người hay đứng ra gom trâu bò cho cánh lái buôn từ xuôi lên. Nay ông đã giải nghệ nên chẳng hề giấu giếm chúng tôi công nghệ “vỗ béo” mà cánh lái buôn thường làm.

Đó là sau khi cánh lái buôn gom được hàng thì bắt đầu đưa vào một khu nào đó khuất lấp dùng vòi nước bơm trực tiếp vào miệng từng con trâu bò cho đến khi bụng căng phồng mới thôi. Một chủ cửa hàng rửa xe gần khu vực chợ cũng cho biết, nhà anh không làm công việc này thường xuyên. Nhưng vào các phiên chợ thì cũng có nhiều xe ô tô chở trâu bò đến nhờ vòi bơm nước vào bụng để tăng trọng lượng.

 Để bơm được nước vào bụng trâu bò không phải đơn giản, ít nhất có 3 người, hai người giữ miệng, một người giữ vòi nước để cho khỏi bị bật ra. Mỗi lượt bơm như vậy chủ nậu trả cho nhà rửa xe 100 ngàn đồng. Theo anh T, một người rửa xe, mỗi con trâu bò được bơm vào bụng khoảng 15- 20 lít nước. “Nhiều hôm chủ nậu bơm quá tay khiến bò no nước rồi lăn ra chết”, anh T nói.

Mỗi phiên chợ có đến cả trăm chiếc xe chở bò, hầu hết khi bán qua tay đều được các chủ nậu “vỗ béo” bằng cách bơm nước. Phiên chợ có rất nhiều “cò”, họ đứng ra gom bò lại sau đó dùng biện pháp bơm nước rồi bán sang tay cho cánh lái từ xuôi lên. Bơm nước không chỉ làm tăng trọng lượng con trâu bò mà người mua cũng thấy thích thú khi nhìn con nào cũng... căng tròn. 

Lò mổ kinh hoàng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Đô Lương có tới gần hai chục lò mổ trâu bò tập trung, đó là chưa kể đến rất nhiều lò mổ chui của các hộ dân gần khu vực chợ Ú. Theo phản ánh của những người dân gần khu vực lò mổ, ngoài việc gây ô nhiễm môi trường thì các lò mổ đang dùng một loại công nghệ bơm nước vào thịt để kiếm lợi bất chính.

Trong vai người mới vào nghề buôn bán thịt bò chúng tôi tìm đến lò mổ S đặt mua lòng, thịt dài hạn. Ở đây ban ngày tỏ ra yên bình như những hộ dân bình thường, thỉnh thoảng có một vài xe máy kéo chở theo 2, 3 con trâu bò đến để mổ. Đêm đến, bắt đầu từ 21 giờ lò mổ S đã kín cửa cao tường, ở trong lò mổ có gần hai chục người “hoạt động” rầm rộ, người chuẩn bị búa tạ, người mài dao, rửa thớt… chờ đến khoảng 0-1 giờ sáng bắt đầu mổ.

Đúng 0 giờ, con bò đầu tiên được trói chân kỹ càng, một người đàn ông to khỏe mặc chiếc quần soóc, cởi trần mồ hôi nhễ nhại nâng chiếc búa tạ lên cao dáng một cái thật mạnh vào chính giữa đầu con bò, con bò giãy giụa lăn ra chết. Tiếp theo đó 4, 5 người xúm lại cùng nhau làm thịt. Khoảng 15 phút sau con bò đã trở thành đống thịt đỏ hỏn. Thịt bò quẳng la liệt trên nền bê tông, lòng phân hòa lẫn với thịt bốc lên một mùi tanh nồng rất khó chịu.

Theo quy định, trâu bò trước khi giết mổ phải qua các khâu kiểm tra, đeo thẻ tai, mã số để biết nguồn gốc xuất xứ. Nhưng ghi nhận của chúng tôi, tất cả trâu bò ở đây không hề được đeo thẻ, gắn mã số đã kiểm dịch, chứng nhận của thú y.

Khâu cuối cùng của một công đoạn trong lò mổ có thể nói là kinh hoàng nhất, ở bên mỗi đống thịt là 2 đến 3 người phụ nữ dùng nhiều ống nhựa to như đầu ngón tay, một đầu gắn kim tiêm loại lớn, một đầu gắn với thùng nước to ở phía trên sau đó cắm kim tiêm trực tiếp vào động mạch, thớ thịt của từng mảng thịt bơm trực tiếp vào đó cho thớ thịt căng phồng.

Thấy chúng tôi là người lạ nhưng chị T vẫn hồn nhiên bơm nước như không có chuyện gì xảy ra. Chị T cho biết, trung bình mỗi tối lò mổ hơn chục con, thời điểm giáp Tết có đêm phải đến hai chục con. Mỗi con bò sau khi mổ phải bơm được khoảng 20 lít nước vào các động mạch, mỗi lần bơm nước như vậy cũng phải mất cả tiếng đồng hồ.

Ngoài việc bơm nước để thu lợi thì theo chị T, bơm nước vào thịt sẽ làm cho các miếng thịt căng phồng. Chị cũng chẳng hề giấu giếm khi nói chuyện với tôi, trung bình bơm 20- 30 lít nước sẽ "dôi" khoảng 20kg thịt. “Ở đây ai làm nghề mổ trâu bò này cũng phải làm cái “chiêu” bơm nước hết”, chị nói.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.