| Hotline: 0983.970.780

Công nghiệp hóa nông nghiệp còn xa vời

Thứ Sáu 29/11/2013 , 09:38 (GMT+7)

Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp có 4 giai đoạn, Việt Nam hiện ở đoạn đầu của giai đoạn hai, mới chế tạo được một ít máy móc đơn giản. Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, còn rất yếu về kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo.

* Tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL tương đương 20 triệu tấn, mỗi năm mất 13.700 tỷ đồng

Như Báo NNVN thông tin, sáng 27/11, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ KH-CN và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” cho biết, cơ khí nông nghiệp nhiều năm nay mai một nên mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp còn xa vời.

Đầu tư thấp

Cơ khí nông nghiệp có nhiệm vụ sản xuất ra máy móc thiết bị để cơ giới hóa trong canh tác và hiện đại hóa trong công nghiệp chế biến nông sản. TS Phạm Văn Tấn, PGĐ Phân viện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch tại TP.HCM, cho rằng: “So với thế giới thì trình độ cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng còn thấp, chỉ mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển”.

Theo đó, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp có 4 giai đoạn, Việt Nam hiện ở đoạn đầu của giai đoạn hai, mới chế tạo được một ít máy móc đơn giản.

Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, còn rất yếu về kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo. Do đó, các chi tiết máy chưa được tiêu chuẩn hóa và có chất lượng thấp. Hệ quả là làm tăng chi phí bảo trì, sửa chữa và làm giảm khả năng cạnh tranh của máy móc thiết bị Việt Nam trên thị trường.


Lúa ở ĐBSCL sau khi thu hoạch được chở bằng xe tự chế của nông dân, bị tổn thất lớn

Chỉ xem xét trong sản xuất lúa đã thấy, ở tất cả các khâu từ lúc thu hoạch cho đến khi hoàn thành công đoạn chế biến đều thiếu công nghệ và thiết bị hợp lý, gây ra tổn thất lớn.

Theo TS Tấn, nhiều khâu còn bị đảo lộn trật tự công nghệ trong chuỗi cung ứng sau thu hoạch. Ví dụ, xát ra gạo lứt, đem tồn trữ và vận chuyển mất 1-7 ngày (tùy vụ) đến nơi xát từ gạo lứt ra gạo trắng, đánh bóng, phân loại rồi mới sấy ra gạo trắng. Tình trạng ấy, có lý do ở sự thiếu khả năng quản lý công nghệ, kỹ năng vận hành thiết bị.

Nguyên nhân là khâu đào tạo mà theo PGS.TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, thì Khoa cơ khí nông nghiệp trong hầu hết các trường ĐH đã bị “dẹp tiệm”, vì ít người theo học. TS Viên chua chát: “Bây giờ muốn tìm sự lạc hậu về cơ khí nông nghiệp thì đến các trường ĐH”.

TS Dương Thái Công băn khoăn, với thực trạng hiện nay, nông nghiệp khó công nghiệp hóa vào năm 2020, vậy làm sao nước ta có thể thành nước công nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu đặt ra?

TS Dương Thái Công ở Trường ĐH Công nghệ - Kỹ thuật Cần Thơ, cũng than thở, cơ khí nông nghiệp đang mai một trong các trường ĐH. “Máy móc nông nghiệp chủ yếu nhập ngoại. Ngành cơ khí nông nghiệp thực sự cần nhưng không có người học nên bây giờ không chỉ thiếu nghiên cứu mà còn thiếu cả nhân lực cho cơ giới hóa nông nghiệp”, TS Công nói.

Nhưng nguyên nhân sâu xa, theo TS Phạm Văn Tấn, do đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp quá thấp. Năm 2010, đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 6,9% tổng đầu tư từ ngân sách, tương đương 11% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong khi nông nghiệp đóng góp 21% cho GDP thì đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp chỉ chiếm 2,9% GDP.

Đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp chỉ tương đương 1,4% GDP, tính theo tỷ lệ bằng khoảng 1/10 các nước khác trong khu vực. Bên cạnh, sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún cũng không khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng máy móc nông nghiệp.

Tổn thất lớn

TS Phạm Văn Tấn phân tích chuỗi cung ứng lúa gạo ở ĐBSCL, cho biết, vì thiếu cơ khí hóa hợp lý nên hàng năm đang bị tổn thất rất lớn. Có hai “nút thắt” trong chuỗi cung ứng lúa gạo là khâu sấy khô và tồn trữ.

Mỗi năm ĐBSCL sản xuất 23 triệu tấn lúa, nhưng mới chỉ có 38,7% được sấy khô đạt yêu cầu và hệ thống kho tồn trữ cũng mới chứa được khoảng 3,5 triệu tấn, hơn 15% tổng sản lượng. Hệ thống kho lại chủ yếu chứa gạo dạng bao với các nhà kho hai mái (kho hở), còn các bin thép (kho kín) để có thể bảo quản gạo từ 6 đến 12 tháng chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng kho, nên tổn thất trong tồn trữ khá lớn.

Đây là hai khâu then chốt trong chuỗi cung ứng lúa gạo, không đảm bảo kỹ thuật còn gây ra tổn thất lớn cả về số lượng lẫn chất lượng gạo ở các khâu khác.

Về sản lượng, ở khâu sấy khô đang gây ra tổn thất 4,2%, tồn trữ tổn thất 2,6%; còn về chất lượng, lúa gạo ẩm mốc, mối mọt, ố vàng, hư hỏng gây tổn thất cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Tính toán của TS Tấn, chỉ riêng về sản lượng, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL là 13,7%, nếu giá lúa 5.000 đ/kg, và chỉ tính với 20 triệu tấn, một năm mất 13.700 tỷ đồng. Tương đương 652 triệu USD. Còn tổn thất về chất lượng, giá trị hạt gạo thì chưa tính được.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất