| Hotline: 0983.970.780

Công nhận cho sản xuất thử 2 giống mía mới: Giống mía KK3

Thứ Hai 27/03/2017 , 14:05 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa có quyết định về việc công nhận cho sản xuất thử 2 giống mía mới do Viện Nghiên cứu Mía đường (Viện Khoa học nông nghiệp VN) nghiên cứu, tuyển chọn

Bộ NN-PTNT vừa có quyết định về việc công nhận cho sản xuất thử 2 giống mía mới do Viện Nghiên cứu Mía đường (Viện Khoa học nông nghiệp VN) nghiên cứu, tuyển chọn, gồm giống mía KK3 cho các vùng Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ và giống mía LK92-11 cho vùng Tây Nam bộ.

Giống mía KK3 (tên khác là Khonkaen 3) có nguồn gốc từ Thái Lan, bố mẹ là 85-2-352 x K84-200. Hiện nay, giống mía KK3 đang chiếm gần 60% tổng diện tích trồng mía và đứng đầu trong số các giống trồng phổ biến nhất ở Thái Lan. Giống mía KK3 được Viện Nghiên cứu Mía đường nhập nội chính thức vào Việt Nam năm 2010, tiến hành khảo nghiệm VCU từ năm 2011 - 2016 tại các vùng trồng mía Bắc Trung bộ (Nghệ An), Nam Trung bộ (Khánh Hòa), Đông Nam bộ (Tây Ninh, Đồng Nai), Tây Nam bộ (Long An, Bến Tre, Hậu Giang).

08-58-34_giong-mi-kk3-ti-nghe-n-1
Giống mía KK3 tại Nghệ An
 

Theo kết quả điều tra của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, tính đến vụ mía 2014 - 2015, cả nước đã có gần 5.000ha trồng giống mía KK3, tập trung chủ yếu ở các vùng mía phía Nam và đang có xu hướng phát triển mở rộng ở các vùng Bắc Trung bộ và Tây Nguyên.

Về đặc điểm hình thái: Đây là giống mía có hình thái đẹp. Dáng bụi xòe. Thân trung bình - to, đều cây, chắc, không bị xốp, không bị bấc ruột. Lóng hình trụ, nối hơi zigzag. Thân màu xanh ẩn vàng, dãi nắng có màu vàng, có sáp che phủ. Không có vết nứt sinh trưởng. Mắt mầm to, hình tròn, nằm sát sẹo lá, đỉnh mầm không có chùm lông; cánh mầm hẹp đóng ở nửa trên của mầm. Rãnh mầm sâu, rộng, dài. Bẹ lá màu xanh, dày, không bị nứt, có nhiều sáp che phủ, không có lông. Lá không tự bong nhưng dễ bóc lá. Cổ lá màu xanh, hình lưỡi dài, non có màu hồng. Có 2 tai lá một dài, một ngắn hình tam giác. Phiến lá trung bình, dày, mềm, mép lá sắc, màu xanh. Chiều cao cây cao nhưng không bị đổ ngã hoặc chỉ đổ ngã ở mức nhẹ. Chống chịu tốt với sâu đục ngọn, sâu đục thân. Không bị nhiễm bệnh than, bệnh thối ngọn. Khi ở môi trường có bệnh trắng lá nhiều chỉ bị nhiễm ở mức độ nhẹ.

Về đặc điểm nông, công nghiệp: KK3 có khả năng mọc mầm khỏe, tuy nhiên, khi gặp điều kiện không thuận lợi, nó mọc mầm hơi chậm. Cây mầm to khỏe. Sức đẻ nhánh mạnh. Mật độ cây hữu hiệu cao. Sức tái sinh tốt, không bị mất khoảng. Khả năng thích ứng rộng. Chịu thâm canh cao. Chịu úng tốt, chịu điều kiện đất nhiễm phèn và nhiễm mặn nhẹ tốt, chống chịu gió bão khá tốt, chịu hạn tốt. KK3 là giống mía chín trung bình sớm (10 - 11 tháng tuổi), không trổ cờ hoặc ít trổ cờ, cho tiềm năng năng suất và chữ đường cao, thích hợp cho chế biến đầu vụ ép. Nhược điểm chính của giống mía KK3 là sinh trưởng chậm trong giai đoạn mọc mầm và tái sinh, do đó cần chăm sóc tốt giai đoạn đầu.

Kết quả khảo nghiệm của Viện Nghiên cứu Mía đường cho thấy: Tại vùng Bắc Trung bộ, năng suất mía bình quân chu kỳ đạt 95,37 – 109,41 tấn/ha, vượt 19,85 – 46,49% so với đối chứng My55-14; chữ đường đạt 11,71 – 14,00 CCS, vượt đối chứng My55-14 từ 0,71 - 1,53 CCS.

Tại vùng Nam Trung bộ, năng suất mía bình quân chu kỳ đạt 83,92 – 85,62 tấn/ha, vượt 19,69 – 31,68% so với đối chứng K84-200; chữ đường đạt 12,32 – 14,18 CCS, vượt đối chứng K84-200 từ 0,55 - 0,98 CCS.

Tại vùng Đông Nam bộ, năng suất mía bình quân chu kỳ đạt 104,74 – 120,93 tấn/ha, vượt 14,81 – 50,28% so với đối chứng VN84-4137, chữ đường đạt 11,16 – 12,77 CCS, thấp hơn không đáng kể so với giống đối chứng VN84-4137.

Còn tại vùng Tây Nam bộ, năng suất mía bình quân chu kỳ đạt 120,41 – 164,66 tấn/ha, vượt 12,10 – 54,13% so với đối chứng K84-200, chữ đường đạt 11,76 – 12,94 CCS, vượt 0,28 – 0,95 CCS so với đối chứng K84-200.

Viện Nghiên cứu Mía đường khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích trồng KK3 để góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả sản xuất và ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.