| Hotline: 0983.970.780

Công phu nuôi chim gáy

Thứ Sáu 01/03/2013 , 10:19 (GMT+7)

Nuôi gáy sinh sản đã là công phu, song để tập cho gáy hót, gù, gáy còn công phu hơn.

Dân chơi chim bỗng dưng chuộng cu gáy khiến giá loại chim cảnh này có lúc lên tới vài chục triệu đồng/con. Anh Diêm Đăng Cương ở thôn Trong, xã Tân Trung (Tân Yên, Bắc Giang) đã mày mò và thành công trong việc nuôi chim cu gáy sinh sản.

CAO THỦ 

Vừa đi đến đầu ngõ nhà anh Cương, chúng tôi đã nghe thấy một bản “hòa ca” với đủ tiết tấu của các loài chim cu gáy. Thì ra, anh Cương đang dạy hót cho một chú chim cu gáy có giọng “thổ đồng” tiềm năng, nên cả đàn chim trong chuồng lẫn trong lồng đều đồng thanh “cất giọng” hưởng ứng theo vị "nhạc trưởng".

Cương chia sẻ, việc anh nuôi sinh sản thành công chim cu gáy cũng từ cái duyên với thú chơi chim mà ra. Thực ra nghề chính của anh Cương trước đây là mở lò ấp gà thủ công, rồi chuyển sang làm đại lý gà giống cho một công ty tại Bắc Ninh. Chính vì có thời gian rảnh rỗi ở nhà, nên anh bắt đầu biết chơi chim từ những năm 1990. Lúc đầu được ông chú tặng một đôi chim cu gáy, sau càng chơi càng thích nên anh muốn có thêm vài đôi nữa. Nhưng ngày đó chỉ có cách duy nhất là vào rừng bắt hoặc đặt thợ săn chim bẫy chứ chưa có ai nuôi sinh sản chim gáy cả.

Một thời gian dài đắm đuối với loài cu gáy, anh Cương mới giật mình nhận thấy, cứ với đà này chẳng mấy chốc chim cu gáy trong tự nhiên sẽ cạn kiệt do nạn săn bắt, vậy là anh bắt tay vào việc nuôi chim gáy đẻ. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh Cương thất bại liên tục khiến không ít chim bị chết do đánh nhau.

Theo chia sẻ của anh, nuôi chim cu gáy khó nhất là việc ghép đôi, không như chim bồ câu ghép đôi nào được đôi đó, chim gáy nếu ghép đôi không hợp chúng sẽ đánh nhau đến chết mới thôi. Thậm chí, có đôi cu gáy ghép với nhau được 1 - 2 năm hòa thuận, nhưng sang đến năm thứ 3 lại xảy ra chuyện “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Lúc đó, anh Cương cho chúng "ly dị" nhau và tìm "bạn đời" khác phù hợp hơn. Giờ với kỹ thuật và khả năng quan sát, anh khẳng định có thể ghép đôi chim gáy thành công trên 90%.


Anh Diêm Đăng Cương dạy chim cu gáy hót

Anh Cương bật mí, ngoài việc chú trọng đến ghép đôi, thì công đoạn xây dựng chuồng trại cũng khá quan trọng. Đầu tiên chuồng phải có lưới sắt kín để chim không bay được ra ngoài cũng như chuột mèo không vào bắt chim. Bên cạnh đó, phải tạo cảnh quan xung quanh chuồng sao cho thật giống với ngoài tự nhiên có cỏ, cây, hoa lá. Quả thực, lúc này quan sát tôi nhận thấy chuồng nuôi chim gáy của anh Cương vô cùng thoáng mát song không gian lại rất yên tĩnh.

LÀM CHƠI, ĂN THẬT

Nuôi chim gáy sinh sản thành công hơn 20 năm qua, anh Cương đúc kết ra một quy trình chăn nuôi khá bài bản. Theo đó, một đôi chim gáy nhốt cùng nhau nếu chăm sóc tốt một năm có thể đẻ tới 10 lứa (bình thường 6 - 7 lứa), mỗi lứa từ 1 - 2 quả trứng, cách 1 ngày chim gáy mái lại đẻ một quả. Thời gian để ấp 1 quả trứng từ lúc mới đẻ đến khi nở tổng cộng 16 ngày.

Ở chim cu gáy, điều đặc biệt là cả chim mái và chim trống thay phiên nhau ấp trứng, chim trống thậm chí ấp còn khéo hơn chim mái rất nhiều. Nếu đang trong lúc ấp mà đôi chim gáy nào bỏ trứng, người nuôi phải khéo léo chuyển trứng sang cho chim gáy khác ấp vào buổi tối, nếu không nhìn thấy chúng sẽ bỏ tiếp thì vô cùng lãng phí.

Khi trứng nở được khoảng 10 ngày, chim non mọc đủ lông, đủ cánh, trong thời gian này thức ăn chính của chim non là sữa được tiết ra từ diều của chim bố mẹ. Sau 10 ngày, có thể tách chim non ra nuôi bộ để chim mái đẻ lứa tiếp theo. Thức ăn của chim cu gáy rất đơn giản gồm thóc, đỗ, vừng, lạc, kê… trộn lại với nhau. Lưu ý, với thóc cần cho vào bao tải dày qua dày lại cho chuột lớp gai vỏ trấu bên ngoài để chim ăn không bị hóc.

Anh Cương chia sẻ, nuôi gáy sinh sản đã là công phu, song để tập cho gáy hót, gù, gáy còn công phu hơn. Chim cú gáy thông thường có ba giọng chính là thổ đồng, giọng kim và thổ pha, trong đó con chim nào sở hữu giọng thổ đồng thì giá trị nhất. Bởi chim gáy sở hữu giọng thổ đồng thường có thể gáy được mọi loại “bản nhạc” là gáy dỗ, gáy mồi, gáy gọi…”.

Về tuổi thọ của chim gáy, anh Cương cho hay: “Chim gáy bình thường ngoài tự nhiên chỉ sống được 6 - 7 năm nhưng khi nuôi nhốt chúng có thể sống được tới 40 năm. Bằng chứng là đôi chim gáy của ông chú tôi nuôi đã ngoài 40 năm vẫn sống khỏe mạnh. Mấy đôi chim gáy của tôi nuôi hơn 20 năm giờ vẫn sống và hót hay như thường”.

Mặc dù chơi chim chỉ là thú vui và là nghề tay trái, nhưng mỗi năm anh Cương thu về ngót trăm triệu đồng từ bán chim cảnh. Rất nhiều con chim gáy trống có giọng hót xuất sắc được anh Cương bán cho khách với giá 10 - 15 triệu đồng. Bình thường, anh bán một đôi chim cu gáy giá từ 1 - 5 triệu đồng tùy từng độ tuổi và từng con. Vào lúc đỉnh điểm, trong nhà anh nuôi hàng chục đôi sinh sản và ngót 10 đôi chim non.

Hiện, anh Cương giữ lại trên dưới 10 đôi gáy sinh sản chất lượng tốt nhất. Chỉ với ngần ấy đôi, mỗi năm anh cũng cho ra đời hàng chục đôi gáy non, vừa làm vừa chơi kiếm năm dăm bảy chục triệu là chuyện bình thường.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.