| Hotline: 0983.970.780

Công ty CP Lebio làm thương hiệu trên nỗi đau người nuôi lợn?

Thứ Ba 09/05/2017 , 07:20 (GMT+7)

Những ngày gần đây, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của người nuôi lợn tố cáo Công ty CP Lebio cam kết tiêu thụ 40.000 con lợn cho người dân với giá 35.000 đồng/kg, song gọi điện liên hệ thì bặt vô âm tín.

Giữa cơn bão giá lợn hơi giảm sâu nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi những năm gần đây, ngày 3/5 thương hiệu Công ty CP Lebio xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo đó Cty này cam kết tiêu thụ 40.000 con lợn cho người chăn nuôi với giá trung bình 35.000 đồng/kg.

15-46-48_nh1-lebio-cong-vn
Công văn cam kết giải cứu 40.000 con lợn của Công ty CP Lebio ký ngày 30/4 không nói gì đến việc phải sử dụng cám của doanh nghiệp

Nhưng đến ngày 8/5, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phàn nàn, phản ánh của các chủ trại lợn nghi doanh nghiệp này lợi dụng khủng hoảng giá lợn để PR cho doanh nghiệp mình.

Thực tế, nhiều hộ nuôi lợn khi thấy thông tin Công ty Lebio công bố như “chết đuối vớ được cọc”, vậy mà khi liên hệ với số điện thoại Công ty Lebio cung cấp trên báo chí luôn trong tình trạng không liên lạc được hoặc nhận được lời hứa sẽ gọi lại, nhưng đa phần bặt vô âm tín.

Chủ một trại lợn ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội cho biết, sau mấy ngày đợi không thấy nhân viên Công ty Lebio gọi lại, vừa qua anh đành phải bán lợn hơi với giá 21.000 đồng/kg. Trước đó, ngày 3/5 khi liên hệ với Công ty Lebio, anh nhận được lời hứa "chắc như cua gạch" là sẽ gọi lại, nhưng đến hôm qua đã ngày 8/5 vẫn bặt vô âm tín.

Còn một chủ trang trại lớn tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội bức xúc cho biết, Công ty Lebio thực sự có tấm lòng giúp đỡ người chăn nuôi lúc hoạn nạn khó khăn là điều vô cùng đáng quý. Nhưng nếu lợi dụng nỗi đau, cơn khủng hoảng của người nuôi lợn để tranh thủ PR, đánh bóng thương hiệu của doanh nghiệp mình là việc làm không thể chấp nhận được.

Bản thân chủ trang trại ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai năm lần bẩy lượt gọi điện đến số đường dây nóng của Công ty Lebio, lúc nhận được thông tin đã mua đủ rồi, lúc lại lặp lại "bài ca muôn thuở" sẽ gọi lại, nhưng đến nay Lebio mới chỉ dừng lại ở lời hứa.

Một người chăn nuôi tên Thế Anh ở huyện Ứng Hòa, vì quá bức xúc đã lên mạng tố cáo đích danh Công ty CP Lebio thông báo mua giải cứu 40.000 con lợn giá 35.000 đồng/kg thực tế chỉ là hành động “nổ cho sướng mồm”. Anh Thế Anh cho biết, trong 2 ngày liền có điện cho 1 người tên Hoàng và 1 người tên Tú (ông Nhữ Đình Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Lebio) để xem thông tin mua bán lợn kiểu gì.

15-46-48_nh-2-lebio-thu-mu-lon
Công ty CP Lebio thua mua 330 con lợn tại Vĩnh Phúc giá 35.000 đồng/kg hiện đang sử dụng cám của Lebio

Theo đó, anh Thế Anh cho biết, người tên Hoàng nói hoành tráng rằng để cho nhân viên điện lại làm việc với anh rồi mất hút. Hôm sau anh gọi cho người tên Tú được yêu cầu trang trại phải có giấy chứng nhận về môi trường, an toàn dịch bệnh,... anh Thế Anh đều cung cấp đầy đủ, sau đó anh Tú bảo sẽ cho thương lái liên hệ với anh Thế Anh. Sau anh Thế Anh tìm hiểu mới biết là chỉ trang trại nào sử dụng thức ăn chăn nuôi của Lebio thì may ra doanh nghiệp này mới mua lợn cho.

Quả thực, qua tìm hiểu 330 lợn Công ty CP Lebio công bố trên báo chí là lô thu mua đầu tiên cho hộ trang trại của ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Hoà Bình, xã Đô Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc thì trang trại này đúng là đã sử dụng cám của Lebio từ 6 tháng nay.

Thực tế, việc Công ty CP Lebio mua lợn cho những hộ sử dụng thức ăn chăn nuôi của họ là chuyện hoàn toàn bình thường và đương nhiên. Song, việc công ty này không biết vì vô tình hay cố ý thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cam kết tiêu thụ 40.000 con lợn cho người chăn nuôi với giá 35.000 đồng/kg mà không nói rõ điều kiện phải sử dụng cám của Lebio khiến ý nghĩa của việc làm này không còn.

Tuy nhiên, hôm nay mới là ngày 9/5, tức là mới chỉ 9 ngày sau ngày 30/4, Công ty Lebio phát đi văn bản thông báo cam kết tiêu thụ 40.000 con lợn cho người dân với giá 35.000 đồng/kg. Chúng ta hãy cũng chờ xem Công ty CP Lebio có thực hiện đúng lời hứa hay không?

Nếu trong trường hợp Lebio chỉ thu mua lợn của những hộ sử dụng cám của doanh nghiệp cũng nên nói rõ ràng ngay từ đầu để người chăn nuôi không bị hụt hẫng. Chứ việc làm hiện nay của Lebio đang bị người nuôi lợn cho rằng là kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, PR, đánh bóng tên tuổi, thương hiệu trên nỗi đau của người nuôi lợn, một hành vi không phải là đức tính của tinh thần tương thân tương ái vốn là truyền thống của người Việt Nam.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm