| Hotline: 0983.970.780

CPH nông, lâm trường và vấn đề đất đai

Thứ Năm 01/11/2012 , 12:07 (GMT+7)

Tuy còn có sự khác nhau về thời điểm triển khai, ngành nghề sản xuất kinh doanh nhưng kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương thí điểm CPH vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với CPH cơ sở chế biến, để tổng kết rút ra bài học và nhân rộng là đúng đắn.

Triển khai chủ trương thí điểm cổ phần hoá (CPH) vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với CPH cơ sở chế biến theo Nghị quyết số 28/NQ-TW, Ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị, Nghị định số: 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 và Nghị định số: 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về xắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh quốc doanh, đến nay trên phạm vi cả nước có 26 nông lâm trường (công ty) thực hiện CPH vườn cây, rừng trồng gắn với CPH cơ sở chế biến, nếu tính cả các công ty đã CPH trước đó thì cả nước có 32 đơn vị (công ty nông, lâm nghiệp hoặc nông, lâm trường quốc doanh), thuộc các ngành nghề khác nhau của Trung ương và địa phương.

Trong đó, phân theo ngành nghề sản xuất kinh doanh có: 12 đơn vị trồng và chế biến chè; 4 đơn vị trồng, chế biến cao su; 7 đơn vị chăn nuôi; 6 đơn vị trồng, chế rau quả và cây hàng năm; 2 đơn vị trồng rừng và chế biến lâm sản; 1 đơn vị giống nông, lâm nghiệp và 1 đơn vị nuôi trồng thuỷ sản và theo phân cấp quản lý có 9 đơn vị thuộc địa phương quản lý và 23 đơn vị thuộc Trung ương quản lý.

Từ kết quả đạt được

Theo kết quả khảo sát và báo cáo của 32 đơn vị đã thực hiện CPH, tuy còn có sự khác nhau về thời điểm triển khai, ngành nghề sản xuất kinh doanh nhưng kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương thí điểm CPH vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với CPH cơ sở chế biến, để tổng kết rút ra bài học và nhân rộng là đúng đắn, thể hiện bước đi thận trọng, phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của công ty nông, lâm nghiệp (NLTQD) là CPH nông lâm trường quốc doanh phải gắn liền với việc quản lý sử dụng đất. Kết quả đạt được từ các nông lâm trường đã thực hiện CPH là duy trì sản xuất và phát triển, năng suất cây trồng, vật nuôi đều tăng qua các năm, vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển; hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng, quản trị doanh nghiệp từng bước thay đổi, lao động việc làm và thu nhập tăng.

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh so với trước khi CPH, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi tăng, đơn vị thua lỗ giảm. Nay có 24 đơn vị có lãi (trước CPH có 16 đơn vị), một số đơn vị khắc phục được lỗ trước đó, thậm trí có đơn vị đã chuyển từ đơn vị phải phá sản thành kinh doanh có lãi như Cty CP chè Chiềng Ve (Sơn La).

Doanh thu của các đơn vị năm sau cao hơn năm trước, có nhiều đơn vị tăng gấp 2 - 3 lần, trong đó có 6 doanh nghiệp doanh thu tăng từ 3 - 5 lần (Cty Cao su Đồng Phú, Hoà Bình; Chè Than Uyên; Chè Hà Tĩnh; Chè Lâm Đồng; XNK Đồng Giao...) và có 7 doanh nghiệp doanh thu tăng từ 2 - 3 lần (Cty Cao su Phước Hoà, Tây Ninh, Cty CP Chiềng Sung, Bò sữa Mộc Châu, Chè Quân Chu, Chè Nghĩa Lộ, XNK Bắc Giang…).

Về việc làm và thu nhập bình quân người lao động, nhiều đơn vị thu nhập của người lao động tăng gấp 2 - 3 lần so với trước khi CPH, như nhiều Cty Cao su trước 4,8 triệu/người /tháng, sau CPH là 10,4 triệu/người /tháng. Chè Lâm Đồng trước 1,6 triệu đông/người/tháng thì năm 2011 thu nhập bình quân là 3,57 triệu đồng người/tháng. Người lao động được bố trí việc làm phù hợp hơn, ngành nghề được mở rộng, bảo đảm thu nhập ngày càng tăng, đời sống được quan tâm hơn, nhiều đơn vị đã tổ chức đào tạo lại tay nghề cho người lao động để phù hợp với công việc mới.

Nhiều đơn vị đã duy trì phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tăng thêm nguồn vốn và vốn điều lệ để đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển. Cty Cao su Tây Ninh, Đồng Phú, Phước Hòa (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) thông qua CPH đã thu được hơn 3.000 tỷ đồng từ bán bớt phần vốn nhà nước và thặng dư bán cổ phần. Có 6 Cty (3 Cty cao su, 2 Cty chè, 1 Cty bò sữa) vẫn nắm giữ phần vốn nhà nước trên 51%, các đơn vị còn lại đã thực hiện thoái dần vốn nhà nước, một số công ty đã thoái hết phần vốn nhà nước theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phân loại danh mục DNNN.

Đến việc quản lý sử dụng đất

Tại thời điểm CPH, do nhiều lần đổi mới, sắp xếp, chuyển đổi và sau khi tiến hành rà soát lại quỹ đất đã được giao trước đây, đơn vị chỉ giữ lại diện tích cần cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng có hiệu quả, nên bình quân một đơn vị quản lý 2.668 ha (giảm so với khi thành lập gàn 1.000 ha, chủ yếu bàn giao về cho địa phương) đơn vị có diện tích lớn nhất là 23.760 ha, đơn vị có diện tích nhỏ nhất là 209 ha. Diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khoảng 58,65% so với tổng số; diện tích đã ký hợp đồng thuê đất với địa phuơng khoảng 13% so với tổng số.

Cũng tại thời điểm này việc quản lý sử dụng đất đang tồn tại các hình thức như giao khoán đất ổn định lâu dài cho người lao động theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ, đơn vị quản lý đất đai, quy trình kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ vật tư, kỹ thuật cho người nhận khoán, người nhận giao khoán tự chủ sản xuất bán sản phẩm và thanh toán các khoản dịch vụ, quản lý phí cho đơn vị, toàn bộ sản phẩm vượt khoán được hưởng. Tổng diện tích đang áp dụng hình thức này khoảng 23.762 ha. Cũng thực hiện giao khoán đất cho người lao động nhưng đơn vị không quản lý được đất đai, quy trình kỹ thuật, sản phẩm dẫn đến tình trạng khoán trắng (thực chất là phát canh thu tô) đối với 15.538,5 ha.

Sau khi CPH, các đơn vị tiếp tục rà soát lại đất đai, đẩy nhanh tiến độ cắm mốc, cấp giấy CNQSD đất và chuyển sang thuê đất. Đến cuối năm 2011, diện tích bình quân một Cty còn quản lý sử dụng là 2.276,36 ha, (giảm gần 400 ha so với thời điểm bắt đầu CPH, chủ yếu tiếp tục bàn giao về cho địa phương). Diện tích được cấp giấy CNQSD đất đạt 65,5%, diện tích ký hợp đồng thuê đất với các địa phương đạt 65,2%.

Đồng thời với việc CPH, nhiều đơn vị đã tích cực và có nhiều giải pháp để quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai được xác định giữ lại. Nhưng do tồn tại và hiện trạng quản lý sử dụng đất, nhất là hình thức giao khoán đất cho người lao động của các đơn vị trong thời kỳ trước đó, nên việc quản lý, sử dụng đất ở các đơn vị vẫn đang hình thành các hình thức quản lý, sử dụng sau: Có quản lý, sử dụng, đất đai gắn với quản lý vườn cây đồng cỏ đang tiến hành đo đạc xin cấp giấy CNQSD đất, để chuyển sang thuê đất, đồng thời rà soát lại các hợp đồng giao khoán đối với diện tích nhận khoán theo Nghị định 01/CP để điều chỉnh hợp đồng khoán theo Nghị định 135/NĐ-CP (có 16 đơn vị đơn vị thuộc nhóm này); chỉ quản lý một phần nhỏ diện tích đất đai sau CPH phần đất dự kiến hoặc đã bàn giao lại cho địa phương là diện tích đất đã giao khoán cho người lao động, không quản lý được (có 3 đơn vị thuộc nhóm này); không quản lý đất đai, vườn cây, rừng trồng.

Một số đề suất

Với cách làm thận trọng, bước đi phù hợp và kết quả đạt được nêu trên đã khẳng định chủ trương thí điểm CPH vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với CPH cơ sở chế biến là hoàn toàn đúng cần tổng kết cho mở rộng. Tuy nhiên đất đai trong các Cty nông, lâm nghiệp (nông lâm trường) là tài sản đặc biệt và quan trọng, gắn liền với tài sản trên đất (vườn cây, rừng trồng) quy hoạch phát triển ngành, kinh tế xã hội của địa phương, nên nhà nước phải thống nhất quản lý cho Cty cổ phần thuê để quản lý sử dụng theo quy hoạch kế hoạch của địa phương, của ngành và Cty được cấp giấy CNQSD đất.

Cty cổ phần có trách nhiệm tổ chức sản xuất, giao khoán đất cho người lao động bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đối với diện tích đất của công ty đang có tranh chấp, lấn chiếm phải phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm theo hướng tiếp nhận thành công nhân của Cty hoặc thực hiện giao khoán đất, vườn cây với Cty để giải quyết việc làm thu nhập.

Các công ty phải khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc, xác định ranh giới ngoài thực địa, cấp giấy CNQSD đất và ký hợp đồng thê đất. Rà soát, bổ sung hoàn thiện việc giao khoán đất, vườn cây, rừng trồng tại các công ty nông, lâm nghiệp. Đối với diện tích đất khi Cty thực hiện CPH, không gắn CPH vườn cây, rừng trồng với CPH cơ sở chế biến đã giao khoán cho người nhận khoán nhưng không quản lý điều hành được thì chuyển giao về cho địa phương quán lý theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật về đất đai. Nếu người nhận giao khoán đất là nông dân trên địa bàn của Cty thì được xem xét để giao đất (trong hạn mức) và cấp giấy CNQSD đất; đối với người nhận giao khoán đất không phải là nông dân thì chuyển sang thuê đất và cấp giấy CNQSD đất.

Đối với diện tích đất Cty giao khoán đất theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 nhưng chỉ thu phí quản lý, khấu hao vườn cây (khoán trắng) thì phải làm thu tục chuyển giao đất về cho chính quyền địa phương quản lý sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương. Người nhận khoán nếu là nông dân sống trên địa bàn thì được giao đất, cấp giấy CNQSD đất; đối tượng còn lại phải chuyển sang thuê đất.

(*): Tác giả hiện là Phó trưởng ban Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.