| Hotline: 0983.970.780

Cty Cao su Lộc Ninh hướng tới đơn vị Anh hùng

Thứ Ba 27/11/2012 , 09:59 (GMT+7)

Sự trù phú của Lộc Ninh hôm nay đã thay dần dấu tích hoang tàn của miền đất một thời lửa đạn...

Chúng tôi có dịp về thăm lại vùng cao su Lộc Ninh, xe chạy băng qua các nông trường trồng cao su xanh bát ngát, trập trùng, đồi tiếp nối đồi. Sự trù phú của Lộc Ninh hôm nay đã thay dần dấu tích hoang tàn của miền đất một thời lửa đạn...

Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) xưa là căn cứ cách mạng, là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt, bị bom đạn trong chiến tranh tàn phá nặng nề. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, công nhân đồn điền cao su Lộc Ninh đã đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng. Có những đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng hoạt động tại đây, được công nhân cao su đùm bọc, che chở.

Đặc biệt trong 2 năm (1973-1974), cán bộ công nhân cao su Lộc Ninh đã làm ra 4.562 tấn mủ quy khô, trong đó đã chuyển ra miền Bắc 2.000 tấn mủ mang nhãn hiệu “Cao su Lộc Ninh” phục vụ cho hậu phương lớn miền Bắc. Sau giải phóng, công nhân công ty bắt tay xây dựng lại vườn cây, nhà cửa, hệ thống giao thông, trạm xá, trường học... từ đống hoang tàn đổ nát đầy bom, mìn.

Từ chỗ chỉ có hơn 1.000 ha cao su còn khai thác được cùng một diện tích đất hoang hóa chôn giấu bom mìn, bằng sự phấn đấu không ngừng trong khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, nay công ty đã có 10.332 ha cao su (chưa kể ở Campuchia) trải rộng trên địa bàn của 24 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Công ty có tổng số 4.600 cán bộ, công nhân viên, được tổ chức thành 8 nông trường, 2 xí nghiệp, 2 nhà máy chế biến, 1 trung tâm y tế và 8 phòng nghiệp vụ.

Những năm qua, Cty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh luôn phấn đấu nỗ lực vượt qua khó khăn và giành được những thành quả to lớn, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước, bảo tồn và phát triển nguồn vốn Nhà nước.

Cụ thể, năng suất vườn cây năm 2002 là 1,47 tấn/ha, năm 2011 là 2,04 tấn/ha, tăng 1,4 lần; tổng doanh thu năm 2011 đạt 1.115 tỷ đồng, tăng gấp 6,91 lần so với năm 2002; lợi nhuận năm 2011 là 400 tỷ đồng, tăng gấp 11,17 lần; vốn bình quân Nhà nước giao đến năm 2011 là 280 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần.

Ngoài ra, số tiền nộp ngân sách của công ty liên tục tăng. Năm 2002, nộp 8 tỷ đồng; năm 2011 nộp 164 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần. Dự kiến năm 2012 kết thúc, thu nhập lương công nhân đạt từ 7,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng. Công ty phấn đấu năng suất vườn cây trên 2 tấn/ha với tổng lợi nhuận trên 300 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 150 tỷ đồng.

Để người lao động gắn kết với hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty xem việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên và người lao động là mục tiêu hàng đầu. Từ nhiều năm qua, công ty áp dụng trả lương theo hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động. Hình thức này tạo đòn bẩy kinh tế kích thích người lao động hăng hái sản xuất, gìn giữ vườn cây, bảo vệ sản phẩm.

 Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên đáng kể, thu nhập tiền lương năm sau cao hơn năm trước. Nếu thu nhập bình quân năm 2002 là gần 1,1 triệu đồng/người/tháng thì năm 2011 đã lên 8 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 7,3 lần so với năm 2002.

Công ty còn xây dựng quỹ phúc lợi cho công nhân vay hơn 2 tỷ đồng không tính lãi và đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế” cho công nhân vay với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Nhờ đó, đã góp phần xóa bỏ hoàn toàn nhà ở bằng tranh tre của công nhân; tỷ lệ hộ giàu, khá giả, trung bình hiện đạt 100% số hộ CBCNV.

Từ năm 1990, công ty đã có chủ trương tuyển đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân. Hiện tại, có gần 300 công nhân của công ty là người đồng bào dân tộc thiểu số. Công ty hỗ trợ trồng 100 ha cao su cho đồng bào dân tộc tại xã Lộc An, mỗi hộ 1 ha cao su đã đưa vào khai thác tạo thu nhập ổn định, nhiều gia đình ngày càng khá giả.

Anh Điểu Kim (42 tuổi, người Stiêng), đội phó Đội 1 Nông trường 3 hồ hởi cho biết, cuộc sống gia đình anh đã đổi thay kể từ khi vào làm tại Cty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Trước đây cuộc sống bấp bênh, chủ yếu làm rẫy, thuê mướn. Nay lương bình quân của anh đạt 6,2 triệu/tháng. Ngoài lương, anh còn 1,5 ha đất vườn trồng tiêu, điều. Tổng cộng thu nhập lương, thưởng của anh từ 120-130 triệu/năm. Sự vươn lên của gia đình anh Điểu Kim không phải là trường hợp cá biệt ở vùng cao su Lộc Ninh.

Ông Nguyễn Đức Tín, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh: “Thời gian tới, công ty tiếp tục phấn đấu duy trì trong nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu toàn ngành về năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; duy trì mức thu nhập cao cho người lao động; xây dựng đơn vị vừa đạt hiệu quả cao về kinh tế, vừa góp phần giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới".

Đóng góp nổi bật của Cty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh cho địa phương là trong 10 năm (2002-2012), công ty đã chi hơn 40 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng trường học, bệnh viện, hệ thống điện, nước phục vụ cho công nhân cao su và nhân dân trong 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Ngoài ra, công ty cũng chi hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: Chăm lo gia đình thương binh liệt sỹ, mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ đồng bào nghèo, đồng bào bị thiên tai; xây dựng Quỹ “Khuyến học - Khuyến tài” khen thưởng con em công nhân học giỏi.

Đánh giá đóng góp của Cty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đối với địa phương, ông Nguyễn Tấn Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước cho biết: “Công ty là đơn vị chủ lực của huyện Lộc Ninh và Bù Đốp trong nhiều năm qua về sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tại địa phương, nhất là vấn đề tạo lợi nhuận, nộp ngân sách, công tác xóa đói giảm nghèo…”.

 Ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, phụ trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết thêm: “Cty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh 10 năm trở lại đây vươn lên là một đơn vị dẫn đầu về năng suất vườn cây, hiệu quả sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động… Công ty rất xứng đáng được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động".

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.