| Hotline: 0983.970.780

Cty cổ phần Dầu khí MêKông: Lỗ nặng vẫn xài sang

Thứ Tư 15/07/2015 , 09:51 (GMT+7)

Việc cấp thiết chưa có tiền làm nhưng Petromekong xây trụ sở rồi bỏ hoang, đi thuê mỗi tháng tốn 100-120 triệu đồng. 

Công ty CP Dầu khí MêKông (Petromekong) thuộc TCty Dầu Việt Nam, thành lập năm 2007 ở TP Cần Thơ, với những lợi thế kho và mạng lưới kinh doanh bậc nhất ĐBSCL. Thế nhưng, chỉ vài năm đầu kinh doanh hiệu quả rồi nhanh chóng rơi vào lỗ triền miên.

Giám đốc Trương Thị Nga giới thiệu, Petromekong có tổng kho xăng dầu sức chứa 72.000 m3 với hệ thống cảng tiếp nhận tàu 15.000 tấn ở Cần Thơ. Bên cạnh, hệ thống kho trung chuyển rải khắp 7 tỉnh trong vùng, mỗi kho có sức chứa 555 - 4.600 m3.

12-46-29_0607151
Trụ sở Petromekong bỏ hoang ở số 174 Trần Hưng Đạo, TP Cần Thơ

Mạng lưới kinh doanh có 3 tổng đại lý, 197 đại lý tiêu thụ, 77 khách hàng công nghiệp, và 345 điểm bán lẻ.

Liên tục lỗ

Cơ sở vật chất lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả. Giám đốc Nga thừa nhận: “Số vòng quay kho thấp làm chi phí khấu hao cao”, “sản lượng kinh doanh liên tục sụt giảm trong một thời gian dài”.

Mới đây, Ban giám đốc Petromekong có báo cáo cho biết, năm 2014 lỗ hơn 83 tỷ đồng, tất cả các hoạt động đều lỗ. Cùng với số lỗ của các năm trước, tổng lỗ chuyển sang năm 2015 là hơn 122 tỷ đồng.

Đầu năm 2015, kinh doanh vẫn chiều hướng sụt giảm với doanh thu quí 1 chỉ đạt 18% chỉ tiêu cả năm.

Việc kinh doanh xăng dầu hàng năm, để lại nợ phải thu rất lớn, trong đó nhiều khoản nợ khó đòi.

Báo cáo kiểm toán của Cty TNHH Kiểm toán An Phú có trụ sở ở Hà Nội, cho biết các khoản phải thu cuối năm 2013 là hơn 115 tỷ đồng, cuối 2014 gần 40 tỷ đồng (nợ khó đòi khoảng 25 tỷ đồng).

Trong nợ khó đòi, có gần 10 tỷ đồng do hai nhân viên ở Chi nhánh tỉnh Kiên Giang tham ô, họ đã bị tòa án xử tù từ năm 2013, còn tiền vẫn treo nợ sổ sách.

Petromekong đầu tư vào nhiều khu đất ở khắp ĐBSCL, hầu hết không hiệu quả. Đầu tư tài chính vào hai doanh nghiệp, mấy năm qua đã mất hơn 49 tỷ đồng.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Petromekong có vốn điều lệ hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, TCty Dầu Việt Nam chiếm 92,19%, Cty TNHH MTV Nhà nước Xổ số kiến thiết Cần Thơ 6,33%, còn lại là các cổ đông khác.
Những năm 2012, 2013, báo chí đã phản ánh những bất ổn về tổ chức và quản lý tài chính của Petromekong.

Theo kiểm toán, góp 52 tỷ đồng vào Cty CP Dầu khí Phương Đông để xây dựng nhà máy chế biến xăng dầu ở Cần Thơ; góp 25 tỷ đồng vào Cty CP Vận tải Dầu khí Mê Kông để mua 2 tàu chở xăng dầu; đều đang lỗ lớn.

Xài sang

Tổng kho xăng dầu 72.000 m3 của Petromekong ở Cần Thơ, được xây dựng sớm nhất vùng ĐBSCL, khánh thành năm 2001. Nhưng đến nay, chưa bảo dưỡng, thay đường ống nước phòng cháy chữa cháy.

Báo cáo của Petromekong cho biết “bề mặt lớp sơn bồn đã bong tróc cục bộ nhiều nơi”, việc sơn bảo dưỡng và thay đường ống nước là rất cần thiết để “đảm bảo an toàn trong vận hành và tiết kiệm hao hụt trong việc tồn trữ hàng hóa”. Việc này cần khoảng 3,3 tỷ đồng.

Việc cấp thiết chưa có tiền làm nhưng Petromekong xây trụ sở rồi bỏ hoang, đi thuê mỗi tháng tốn 100-120 triệu đồng. Năm 2007, thành phố Cần Thơ cấp hơn 530 m2 đất ở số 174 Trần Hưng Đạo (Ninh Kiều, Cần Thơ) và Petromekong xây lên tòa nhà 5 tầng, tổng diện tích sàn hơn 1.419 m2 để làm trụ sở.

Chỉ được ít lâu, đầu năm 2012, lãnh đạo Petromekong lúc đó rước thầy địa lý về cho rằng đối diện ngôi chùa bên kia đường “khó làm ăn” nên bỏ nhà, đi thuê.

Ban đầu, thuê mấy tầng của tòa nhà Eximbank bên đường Phan Đình Phùng; gần đây, chuyển sang thuê mấy tầng của tòa nhà Techcombank bên đường 30/4 (Ninh Kiều, Cần Thơ).

12-46-29_0607152
Văn phòng Petromekong đang thuê 3 tầng trong tòa nhà của Techcombank 

Hướng tới, Giám đốc Nga cho biết, tòa nhà 5 tầng, số 174 Trần Hưng Đạo sẽ “xem xét cho thuê dài hạn” để “tránh lãng phí”. Còn trụ sở Petromekong, cũng theo bà Nga, tìm khu đất thuê dài hạn để xây dựng, nhằm “giảm chi phí thuê văn phòng”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm