| Hotline: 0983.970.780

Cty vàng đầm đìa trong nợ

Thứ Hai 30/12/2013 , 10:25 (GMT+7)

Mấy ngày qua hàng trăm người dân tại thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) kéo đến Cty TNHH Vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra) dựng lều lán, mang theo dao, búa, chặn xe ra vào nhà máy để đòi nợ.

Mấy ngày qua hàng trăm người dân tại thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) kéo đến Cty TNHH Vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra) dựng lều lán, mang theo dao, búa, chặn xe ra vào nhà máy để đòi nợ.

NỢ TỪ BÀ BÁN RAU, BÁN BÚN

Theo phản ánh của người dân tại thị trấn Khâm Đức, Cty TNHH Vàng Phước Sơn (Cty Vàng Phước Sơn) mua rau, bún, mì sợi… nhiều tháng nay nhưng chưa chịu thanh toán. Người bán hàng đã vào tận nhà máy của Cty đòi nhiều lần nhưng đành ra về tay trắng. Do đó, sáng ngày 26/12, mặc dù trời lạnh buốt nhưng họ kéo lên nhà máy dựng lều lán, mang theo dao, búa, chặn xe ra vào để đòi nợ.

Bà Bùi Thị Liễu (72 tuổi) làm nghề bán rau ở chợ Khâm Đức bị Cty Vàng Phước Sơn nợ 25 triệu đồng. Do đó từ sáng sớm ngày 26/12, bà cùng đoàn người kéo đến trước cổng nhà máy để đòi tiền. 

Cùng chung cảnh ngộ là bà Lê Thị Bạch Tuyết (43 tuổi) bán bún, mì tại chợ thị trấn Khâm Đức. Bà Tuyết cho hay, bà thường xuyên cung cấp bún, mì cho Cty Vàng Phước Sơn. Trước đây, sau mỗi tháng Cty thanh toán bằng cách chuyển qua tài khoản, thế nhưng từ tháng 7/2013 đến nay, Cty không chịu chuyển tiền, tính đến thời điểm đầu tháng 12/2013, số tiền nợ lên đến 53 triệu đồng.

“Tôi đích thân vào đòi nhưng phía Cty bảo làm ăn thua lỗ nên sẽ chuyển từ từ. Lần nào Cty cũng bảo vậy. Còn tôi thì bị người khác đòi nợ vì mua gạo, nguyên liệu để SX bún, mì. Tiền Cty không chịu trả, tôi cũng không có để trả cho người khác nên hết vốn để quay vòng, SX bún mì bị tê liệt”, bà Tuyết buồn bã nói.


Người dân vây nhà máy để đòi nợ

Bà Dương Thị Hoa (62 tuổi) bán rau tại chợ thị trấn Khâm Đức bị Cty Vàng Phước Sơn nợ với số tiền lên đến 220 triệu đồng. “Để có rau cung cấp cho Cty Vàng Phước Sơn, tôi thu mua từ 6 - 7 đầu mối ở TP. Đà Nẵng và một số vùng lận cận. Trước đây, Cty trả tiền đúng hẹn và tôi có tiền trả cho họ. Vậy mà mấy tháng nay Cty nợ, tôi lại đi nợ nhưng mấy tháng không có trả nên các chủ đầu mối tính lãi suất 2%”, bà Hoa buồn rầu.

NỢ 190 TỶ ĐỒNG THUẾ

Ngoài việc nợ những người buôn bán thường xuyên cung cấp lương thực, thực phẩm, Cty Vàng Phước Sơn còn nợ nhiều DN khác tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Đơn cử như Cty CP Thương mại và Dịch vụ Phước Sơn bị Cty Vàng Phước Sơn nợ 4 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN vận tải, nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Khâm Đức bị Cty Vàng Phước Sơn nợ khoảng 4,5 tỷ đồng…

Chị Lê Thị Độ, chủ Nhà khách Trung Đô, tại thị trấn Khâm Đức bị Cty Vàng Phước Sơn thiếu tiền lưu trú hơn 420 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa đòi được đồng nào. Chị Độ còn góp cổ phần với một Cty xây dựng 4,6 tỷ đồng để xây dựng một số hạng mục tại Cty Vàng Phước Sơn, tuy nhiên đến nay cũng chưa được thanh toán. Số tiền này chị vay mượn nhiều nơi, nay bị các chủ nợ, ngân hàng xiết nợ.

Tương tự chị Độ, chị Hồ Thị Thọ cũng trú tại thị trấn Khâm Đức góp cổ phần 4 tỷ đồng vào một Cty xây dựng thi công tại một nhà máy thuộc Cty Vàng Phước Sơn. Số tiền này, chị Thọ phải vay mượn đến hạn trả nhưng không có, để trả bớt được phần nào, gia đình chị phải bán sạch tài sản, cầm cố nhà, không thì xã hội đen quấy nhiễu.

Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: Huyện được Cục thuế Quảng Nam thông báo, hiện nay Cty Vàng Phước Sơn đang thiếu nợ tiền thuế 190 tỷ đồng. Còn trên bàn huyện, Cty nợ các DN hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cty Vàng Phước Sơn còn thất hứa với người dân về việc hỗ trợ địa phương 4 tỷ đồng làm đường nhưng không thấy thực hiện.

“Sự việc xảy ra, đại diện của Cty Vàng Phước Sơn đã làm việc với huyện và trong tuần này lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam sẽ trực tiếp làm việc với Tổng Giám đốc Cty Vàng Phước Sơn để tháo gỡ vụ việc”, ông Quyền cho biết thêm.

CHỦ TỊCH THỊ TRẤN XIN TỪ CHỨC ĐI ĐÒI NỢ

Cty Khai thác vật liệu và Xây dựng công trình Quảng An (Cty Quảng An) có trụ sở tại thị trấn Khâm Đức bị Cty vàng Phước Sơn nợ hơn 24 tỷ đồng. Cty này do bà Nguyễn Thị Hải Đường là vợ của ông Đỗ Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức, làm giám đốc.

Trước việc Cty Vàng Phước Sơn chưa chịu trả tiền cho Cty của vợ mình, ông Thắng đã viết đơn xin từ chức để đi đòi nợ cho vợ. Ông Thắng cho biết, chính ông đã viết đơn xin từ chức, nếu Cty Vàng Phước Sơn tiếp tục chây ỳ không chịu trả, vợ chồng ông phải đi kiện. Như vậy là vi phạm điều lệ Đảng, ảnh hưởng đến chính quyền địa phương nên ông phải xin nghỉ trước.

“Gia đình tôi đã bị đẩy vào thế đường cùng nên buộc tôi phải từ chức để đi đòi nợ cùng vợ và người dân. Họ dồn mình vào thế bí quá thì phải đi kiện. Kiện không nổi thì chỉ có chết. Lấy tiền đâu để tôi trả lại cho các nhà thầu khác?”, ông Thắng chia sẻ.

Cty TNHH Vàng Phước Sơn được cấp phép thăm dò năm 1999 và chính thức khai thác vào tháng 6/2011 với tổng vốn đầu tư 73,4 triệu USD, trong đó vốn nước ngoài chiếm 80%. Mỏ vàng Phước Sơn có công suất 1.000 tấn quặng/ngày, tỉ lệ thu hồi vàng là 92-95%.

Nói về việc nhân viên Cty Quảng An kéo lên Cty Vàng Phước Sơn đòi nợ, ông Thắng cho hay: “Cty Vàng Phước Sơn đã bội ước với Cty Quảng An và người dân khi lần lượt hứa hẹn trả nợ nhưng không thanh toán. Chúng lên để chặn xe nhà thầu để phản đối, giữ đường không cho chở quặng đi. Người dân bị thiếu nợ nên cũng kéo lên, không hề có chuyện kích động hay lôi kéo người dân”.

Sau khi người dân vây nhà máy đòi nợ, Cty Vàng Phước Sơn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, các cấp địa phương tuyên bố tạm thời đóng cửa hoạt động SX vào lúc 15 giờ 30 ngày 26/12 và đề nghị lực lượng chức năng hỗ trợ giải quyết.

Tuy nhiên, trong ngày 27/12, chính quyền huyện Phước Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cty Vàng Phước Sơn và Cty Quảng An. Tại cuộc làm việc, giữa các bên đã đạt được một số thỏa thuận về việc trả nợ. Do đó, trong ngày 28/12 người dân đã rút khỏi nhà máy của Cty Vàng Phước Sơn và nhà máy cũng đã hoạt động trở lại.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất