| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/09/2014 , 09:09 (GMT+7)

09:09 - 09/09/2014

Cứ bí là... cấm

Thiết nghĩ, Bộ GT-VT nên lựa chọn một phương án khác khiến TNGT ở xe giường nằm giảm đến mức thấp nhất hoặc loại trừ hẳn tai nạn, thay vì lệnh cấm./ Xe khách giường nằm lao xuống vực: Ít nhất 12 người tử nạn, bị thương 41 người

Sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra tối 1/9/2014 tại địa phận thôn Kỳ Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cho rằng, nên cấm xe giường nằm chạy trên những cung đường đèo dốc quanh co.

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Cả nước bàng hoàng, không ai không thương xót các nạn nhân của vụ TNGT. Không ai không chia sẻ nỗi bức xúc của Bộ trưởng Đinh La Thăng trước vụ tai nạn thảm khốc đó.

Nhưng, khi số phận của hàng chục ngàn chiếc xe giường nằm được quyết định, thì lại làm dấy lên nhiều băn khoăn và lo lắng.

Do tạo được sự thoải mái, bảo đảm sức khỏe cho hành khách, vì có không gian riêng trên những hành trình dài, xe giường nằm có ưu điểm vượt trội hẳn so với các loại xe khách khác, và nhanh chóng được hành khách lựa chọn.

Tại một số tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang…, xe giường nằm thường chiếm từ 60 đến 70% thị phần vận tải hành khách (như phát ngôn của một số lãnh đạo ngành GT-VT các tỉnh đó nhân vụ TNGT trên). Vì vậy, số lượng xe giường nằm nhanh chóng tăng lên.

Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng số xe giường nằm tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, hiện tại đã lên tới nhiều chục ngàn chiếc.

Với những chặng đường trên dưới 100 km, hành khách hầu như không lên xe giường nằm. Chỉ trên những chặng đường từ vài ba trăm km trở lên, loại phương tiện giao thông này mới được họ lựa chọn.

Nếu lấy các thành phố hay thị xã dọc dải đất hình chữ S này làm trung tâm, thì ra khỏi các trung tâm đó trên chặng đường vài ba trăm km, không mấy xe là không phải chạy trên những cung đường có đèo dốc, thậm chí nhiều đèo dốc quanh co.

Ví như từ Hà Nội lên Điện Biên chẳng hạn, chỉ 500 km. Nhưng rời Thủ đô chỉ hơn trăm km, là xe đã phải qua rất nhiều con đèo quanh co nổi tiếng như Dốc Cun, Thung Khe, Pha Đin… Đó là chưa kể những đèo dốc không tên khác.

Mỗi TNGT đều có một nguyên nhân cụ thể, không nguyên nhân nào giống nguyên nhân nào: Mất phanh, mất lái, va chạm với các phương tiện giao thông khác cùng chiều hoặc ngược chiều, nổ lốp, cháy...

Đến nay, chưa ghi nhận một vụ TNGT nào đối với xe giường nằm có nguyên nhân là tải trọng lớn, chiều dài, chiều rộng và chiều cao quá khổ mà xe tự đổ hay tự đâm trên những cung đường đèo dốc quanh co cả.

Vậy thì lỗi gây ra các vụ TNGT không hẳn do bản thân phương tiện.

Nếu cấm xe giường nằm lưu thông trên những cung đường có đèo dốc quanh co, sẽ gây nên hậu quả trực tiếp là hàng chục ngàn phương tiện loại này phải xếp xó. Nhiều doanh nghiệp vận tải có loại phương tiện này hoặc chuyên phục vụ bằng loại phương tiện này lâm cảnh nợ nần, thậm chí phá sản (xe giường nằm có giá rất đắt). Ngành vận tải hành khách sẽ thiếu hụt một số lượng phương tiện rất lớn, gây khó khăn cho hành khách trong lưu thông.

Thiết nghĩ, Bộ GT-VT nên lựa chọn một phương án khác khiến TNGT ở loại phương tiện này giảm đến mức thấp nhất hoặc loại trừ hẳn tai nạn, thay vì lệnh cấm.

Bình luận mới nhất