| Hotline: 0983.970.780

Cú hích cho rau VietGAP

Thứ Tư 22/08/2012 , 10:39 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu Rau quả vừa tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả dự án “Tăng cường năng lực VSATTP và kiểm dịch động, thực vật...".

Hôm qua (21/8), Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả dự án “Tăng cường năng lực VSATTP và kiểm dịch động, thực vật (SPS) cho thương mại, cải thiện chất lượng và an toàn trên sản phẩm rau tươi thông qua tiếp cận chuỗi giá trị ở VN”.


Thay đổi được tư duy nông dân, tạo nên diện mạo mới của SX là ý nghĩa to lớn nhất của dự án

Đầu tư SX 4 sản phẩm chủ lực

Với mục tiêu tổng thể nhằm tăng cường năng lực SPS cũng như nâng cao khả năng nắm bắt và tiếp cận các cơ hội thị trường trong và ngoài nước cho ngành rau quả VN, dự án có tổng số vốn trên 640 nghìn USD, trong đó vốn tài trợ của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) là hơn 533 nghìn USD, vốn do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ là 48.900 USD, vốn đối ứng của Chính phủ VN là 58.800 USD.

Được tổ chức thành 4 hợp phần, trong đó có ba hợp phần chính gồm: Đánh giá điều tra hoạt động SX và thị trường; xây dựng năng lực hoạt động SX và cải thiện khả năng tìm kiếm thị trường và tìm kiếm thị trường, dự án đặt mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện năng lực kiểm soát chất lượng và ATVSTP của sản phẩm rau tươi tại các vùng triển khai dự án, xác định các mặt hàng rau có tiềm năng cho XK dựa trên các phân tích thị trường của các quốc gia NK lớn. Dự án cũng cung cấp trực tiếp các thiết bị đào tạo và chuyên môn kỹ thuật cho các nhà SX và các bên liên quan tham gia.

Ở hợp phần đánh thị trường, dự án đã thực hiện việc điều tra thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau tươi tại hai thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM và tại các tỉnh thực hiện dự án là Lâm Đồng, Sơn La, Hưng Yên. Việc điều tra thị trường nhằm thu nhập dữ liệu, phân tích và xác định các loại sản phẩm rau tươi chính đảm bảo an toàn chất lượng mà thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu tiêu thụ.

Qua đó, dự án đã xác định và lựa chọn được 4 sản phẩm chính phù hợp với thế mạnh ở 3 tỉnh thực hiện dự án gồm: Dưa chuột bao tử và cà chua bi tại Hưng Yên; su su và cà chua trái vụ tại Sơn La; bắp cải và cà chua tại Lâm Đồng. Ở ba địa phương trên, dự án cũng đã lựa chọn được ba đối tác SX và tiêu thụ sản phẩm gồm: Cty CP Chế biến thực phẩm Hải Hưng (HAVECO) hợp tác tiêu thụ cho đơn vị SX là HTX Hiệp Cường (Hưng Yên); HTX dịch vụ 19/5 tại Mộc Châu, Sơn La và Cty TNHH Ngọc Yên Minh Rau tươi, hợp tác bao tiêu cho HTX Thạnh Nghĩa (Đơn Dương, Lâm Đồng).

Tại 3 tỉnh triển khai dự án là Hưng Yên, Lâm Đồng và Sơn La, dự án đã chọn ra 3 xã để tiến hành việc đào tạo thông qua các lớp tập huấn cho nông dân. Theo đó, mỗi tỉnh được tổ chức 7 lớp học, mỗi lớp học 20 người được tập huấn trong 4 ngày. Các học viên tham gia các lớp tập huấn sẽ được trang bị 3 bộ tài liệu học tập, gồm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo VietGAP, tài liệu kinh doanh nông trại, quản lí chất lượng và an toàn trên rau quả và tài liệu dành cho học viên kinh doanh nông trại.

Liên kết chặt chẽ

Kết quả, từ cuối năm 2011 đến giữa năm 2012, dự án đã tập huấn cho tổng cộng 420 học viên gồm: HTX Hiệp Cường 140 người; HTX 19/5 là 140 người và HTX Thạch Nghĩa 140 người. Các học viên tham gia tập huấn rất đa dạng, từ nông dân, chủ trang trại, lãnh đạo HTX, chủ cơ sở chế biến, chủ cơ sở kinh doanh buôn bán hàng rau quả…

Song song với việc tập huấn cho nông dân, dự án cũng đã tổ chức được 2 lớp đào tạo giảng viên về VietGAP và thương mại, trong đó các lớp học lấy cán bộ của Viện Nghiên cứu rau quả làm hạt nhân, còn mỗi tỉnh tham gia dự án được cử 5 người tham gia lớp học (gồm cán bộ khuyến nông, BVTV, Chủ nhiệm HTX...).

Từ tháng 2 đến tháng 3/2012, dự án cũng đã tạo cơ hội cho nông dân tham gia dự án cũng như nông dân vùng lân cận có cơ hội mở rộng thông tin về thị trường, tiếp cận với mối liên kết “4 nhà” thông qua các hội nghị đầu bờ, hội nghị phổ biến thông tin về thị trường rau tươi trong nước và quốc tế, tổ chức cho nhiều đoàn tham quan tìm hiểu nhu cầu và yêu cầu về sản phẩm rau tại Trung Quốc… Qua đó, nhiều liên kết hợp tác giữa SX và tiêu thụ vững chắc đã được thiết lập.

Ý nghĩa quan trọng hơn, đó là nông dân tại các vùng tham gia dự án cũng như các vùng lân cận đã cơ bản thay đổi được cách nghĩ trong SX, làm thay đổi diện mạo của SX nông nghiệp theo tập quán cũ… Đây sẽ là những hạt nhân có tác dụng nhân rộng ra những vùng khác trên cả nước.

Một nội dung hết sức quan trọng của dự án này, đó là song song với việc tập huấn kiến thức về VietGAP, nông dân đã được thực hành trực tiếp thông qua các mô hình SX rau theo VietGAP ngay tại địa phương. Tại 4 xã thực hiện các mô hình SX rau theo VietGAP (trong đó Sơn La có 2 xã), kết quả các mô hình đã thành công lớn. Dự án đã hỗ trợ trực tiếp xây dựng được một số cơ sở vật chất phục vụ SX rau như nhà sơ chế đóng gói, bể chứa phân bón và bao bì thuốc BVTV, khu vệ sinh….

Nhờ được tập huấn song song về quy trình thực hiện VietGAP nên trong SX, nông dân đã cơ bản nắm được cách thức tiến hành SX rau, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc. Thành công cụ thể nhất đó là sản phẩm sau khi SX ra đã có mẫu mã, chất lượng đạt yêu cầu tiêu thụ cho các siêu thị trong nước, bước đầu đã hình thành được mối liên kết trực tiếp từ nông dân đến người tiêu dùng.

Hiện tại, hệ thống siêu thị Metro đã chấp nhận ký hợp đồng thu mua cà chua và su su cho 2 mô hình mà dự án thực hiện tại Mộc Châu với sản lượng từ 5-10 tấn/tháng. Nhà máy Chế biến thực phẩm HAVECO (Hưng Yên) đã chấp nhận nhập và bao tiêu các sản phẩm SX tại các mô hình của dự án để XK sang Nga, Pháp…

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.