| Hotline: 0983.970.780

Cử nhân bám làng

Thứ Ba 31/01/2012 , 09:25 (GMT+7)

Chính sách thu hút người có trình độ đại học về xã của UBND tỉnh Trà Vinh được cho là một bước đột phá trong quá trình xây dựng NTM.

Kỹ sư Trần Trung Trực (áo trắng): Mình là dân địa phương, học xong về quê phục vụ là đúng

Chính sách thu hút người có trình độ đại học về xã của UBND tỉnh Trà Vinh được cho là một bước đột phá. Đây là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình xây dựng NTM.

Tin và... liều

Trà Vinh là tỉnh có hơn 30% đồng bào dân tộc Khmer. Sau 5 năm thu hút trí thức trẻ về xã đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn của tỉnh.

Ông Cao Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Trà Cú, rất vui khi kể chuyện đưa cử nhân về xã. Ông rất hài lòng với 4 cử nhân mà ông đã đặt bút ký nhận lúc còn giữ chức Chủ tịch UBND xã Ngãi Xuyên.

Ông Phương tâm sự: "Lúc mới triển khai quyết định này trong lòng tôi rất băn khoăn không biết có giữ được chân các bạn trẻ bám làng, bám đất hay không vì chế độ đãi ngộ thu hút chất xám chưa xứng. Người có trình độ đại học về cơ sở chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng ban đầu, ngoài ra hưởng lương theo quy định công chức Nhà nước và phải gắn bó ít nhất 5 năm tại nơi công tác mới được chuyển đi nơi khác. Nỗi lo lớn hơn là sợ các bạn trẻ làm không được việc vì mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Nghĩ vậy, nhưng khi có chủ trương là tôi thực hiện ngay vì Ngãi Xuyên là vùng đất nông nghiệp, có hơn 90% nông dân sống bằng nghề nông. Với trình độ và nhiệt huyết tôi tin chắc chắn các bạn trẻ sẽ giúp được nhiều việc cho địa phương. Nhưng thực ra lúc quyết định nhận các cử nhân trẻ về xã làm việc, Bí thư Đảng ủy xã đã có ý kiến chỉ nhận 1 người thôi. Khi đó tổ chức phải họp lại và tôi xin cho nhận cả 4, có gì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm".

Vào năm 2004, Ngãi Xuyên bắt đầu nhận hai kỹ sư về công tác tại xã và 4 năm sau mới nhận thêm hai cử nhân nữa. Không phủ nhận thành quả của những lớp người đi trước để lại, nhưng hiệu qủa của việc đưa trí thức về làng ngày càng được minh chứng. Cụ thể nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp mà các kỹ sư trẻ này đã dần dần góp phần đem lại. Nếu như trước đây, bà con nông dân địa phương chỉ quen làm lúa theo tập quán cũ thì từ khi các kỹ sư trẻ về xã tâm huyết triển khai áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất lúa như dùng bẫy đèn để diệt rầy nâu, áp dụng chương trình "3 giảm 3 tăng" mà năng suất lúa đã tăng thêm hơn 1 tấn/ha (từ 4,2 tấn/ha tăng lên hơn 5,2 tấn/ha). Có lẽ từ nền tảng cơ bản đó mà bây giờ xã Ngãi Xuyên trở thành một trong những vùng sản xuất lúa giống trọng điểm của huyện Trà Cú.

Không chỉ đối với cây lúa, thành công lớn mà lực lượng kỹ sư trẻ này đột phá cho xã Ngãi Xuyên là mô hình trồng chuối già xuất khẩu. Kỹ sư trẻ Trần Trung Trực, sinh năm 1978, học ngành nông - Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: "Khởi điểm chỉ trồng 2 ha chuối tại ấp Xoài Thum, đến nay đã phát triển lên gần 40 ha. Lúc mới được giao thực hiện mô hình trồng chuối già mình chưa vững tin lắm, nhưng được chủ tịch Phương động viên “cứ làm có gì anh chịu” thế là mình mạnh dạn làm".

Ông Cao Hoàng Phương kể thêm: "Lúc đó tôi đã thấy được năng lực của các bạn trẻ nên mới mạnh dạn đề xuất với anh Trọng Thủy, một chủ doanh nghiệp ở huyện Trà Cú, làm đối tác tiêu thụ chuối già qua Philippin và Hàn Quốc. Khi đó anh Trọng Thủy nói địa phương cứ trồng đi, anh bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chuối giống nhập về đưa hết cho địa phương thực hiện mô hình. Trên quỹ đất giồng cát pha rất phù họp với cây chuối già, thế là địa phương bắt tay trồng chuối già trên 2 ha, kết quả sau đúng 1 năm, chuối ra hoa kết trái".

 Hiệu quả ngoài giá trị kinh tế thì mô hình chuối già đã giải quyết được nhiều lao động có nguồn thu nhập ổn định trên 2 triệu đồng/tháng cho địa phương. Từ thành công của mô hình, anh Trọng Thủy đã thuê toàn bộ diện tích đất giồng cát địa phương đang quản lý mở rộng mô hình trồng chuối già xuất khẩu lên gần 40 ha.

Làm gì để giữ trí thức trẻ?

Sau 5 năm tỉnh Trà Vinh tăng cường cán bộ tốt nghiệp đại học về làng, bộ mặt của nhiều xã, phường đã thay đổi hẳn. Có thể nói từ thành công này mà từ cuối năm 2008, UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT thực hiện Đề án tăng cường đội ngũ viên chức ngành nông nghiệp về công tác trên địa bàn xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Anh Lâm Hữu Tùng, sinh năm 1975, là một trong 164 trí thức trẻ về làng của tỉnh Trà Vinh, nay là Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, chia sẻ: Tôi chính thức về công tác ở xã từ tháng 4/2004, lúc đó phụ cấp chỉ có 600.000 đồng/tháng, trong lòng rất buồn nhưng nghĩ bản thân là người nhà quê nên cố gắng ở lại. Năm 2009, mới bắt đầu được hưởng lương bậc 1 công chức Nhà nước. Trong suốt thời gian làm cán bộ nông nghiệp xã, tôi đã phối hợp thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp như trồng màu trên đất giồng cát, cải tạo vườn cây có múi và bây giờ được giao trọng trách xây dựng NTM.

Anh Trần Trung Trực, kỹ sư nông học, nhớ lại thời gian mới về xã Ngãi Xuyên công tác: “Là sinh viên nghèo, mới ra trường có nơi nhận làm việc và được hỗ trợ 5 triệu đồng là mừng lắm rồi. Hơn nữa, mình là dân địa phương, học xong về quê phục vụ là đúng. Thao thức của mình là làm sao được bố trí đúng ngành học”.

Nhưng thực tế không phải đơn giản như vậy, chỉ một thời gian ngắn từ một kỹ sư nông nghiệp anh Trực chuyển sang làm Phó Bí thư xã Đoàn, lương từ 600.000 đồng/tháng, giảm xuống còn 500.000 đồng/tháng. Đến năm 2009, lãnh đạo địa phương có quyết định đưa anh về làm trưởng ấp. Thời điểm đó có Quyết định 1815 của UBND tỉnh ra đời và Sở NN-PTNT tiếp nhận quản lý, trả lương. Theo Quyết định 1815/QĐ-UBND của UBND tỉnh, mỗi xã phải bố trí 2 cán bộ, công chức thuộc các ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, thuỷ sản, nông học công tác tại địa phương.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh, sau 5 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, đã có hơn 260 người có trình độ cử nhân, kỹ sư nông nghiệp, kinh tế, nuôi thuỷ sản ngoài tỉnh về công tác tại 82 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Một số cán bộ trong số đó có năng lực vượt trội, nhiệt tình, năng nổ đã được xem xét đề bạt vào các vị trí cán bộ chuyên trách tại địa phương. Hiện Trà Vinh còn thiếu khoảng 195 người có trình độ đại học để bổ sung cho các xã, phường.

Làm sao để giữ được chân kỹ sư trẻ, bằng kinh nghiệm của mình, ông Phương chia sẻ: Để giữ chân được đại học về làng thì chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, nâng mức trợ cấp. Các địa phương phải mạnh dạn bổ sung nguồn cán bộ có trình độ đại học, trên đại học về cơ sở để tăng cường nguồn nhân lực. Khi đã nhận nguồn nhân lực mới có trình độ thì cần bố trí đúng ngành, đúng nghề. Ngoài việc lực lượng trẻ này phát huy năng lực thì lãnh đạo cấp cơ sở phải tạo điều kiện tốt nhất cho các em phát huy, lãnh đạo cơ sở phải biết lắng nghe những đề xuất của lực lượng này trong quá trình tham mưu mang tính đột phá.

Còn anh Lâm Hữu Tùng Tùng cho hay: Để giữ chân trí thức trẻ phải tạo điều kiện thuận lợi để anh em hứng thú công tác. Đời sống và chính sách là động lực quan trọng để giữ chân anh em gắn bó cơ sở lâu lài.

Có thể nói đến thời điểm này, nguồn trí thức trẻ tỉnh Trà Vinh thu hút về xã đang là nguồn nhân lực góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của địa phương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.