| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 27/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 27/04/2015

Cử nhân và… dưa hấu

"Sinh viên ra trường thất nghiệp cũng giống cảnh dưa hấu được mùa rớt giá”. Đó là nhận xét của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng).

Ông Trường đưa ra nhận xét này vào ngày 24/4/2015, tại buổi giải trình của Chính phủ “về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp” trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Tại buổi giải trình này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, từ năm 2011-2014, trung bình mỗi năm có trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Số có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động thất nghiệp thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm. Trong đó số thất nghiệp năm 2014 so với số năm 2010 tăng gần gấp đôi.

Thật là một con số đáng báo động.

Cách đây vài năm, số cử nhân thất nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH công bố là 72.000, nay theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thì con số đó chí ít cũng trên 100 ngàn người.

Để có việc làm, rất nhiều cử nhân đã phải đi học thêm nghề khác để xin vào làm công nhân trong các khu công nghiệp, giấu biệt thân phận đã tốt nghiệp đại học của mình.

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu ra là: Do kinh tế suy thoái, việc làm mới không có; nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa chủ động đầu tư, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành theo tiêu chuẩn mà xã hội cần.

Chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học - công nghệ; bên cạnh đó, học phí thấp dẫn đến suất đầu tư trên mỗi sinh viên thấp khiến cho các trường không đủ nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong 3 nguyên nhân trên, thì nguyên nhân giữa là cốt yếu nhất, đúng với tình hình và thực trạng nền giáo dục đại học hiện tại của nước ta nhất.

Không chịu tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để chủ động đổi mới, đào tạo những ngành theo tiêu chuẩn mà xã hội cần. Các trường đại học vẫn chỉ biết giữ nguyên những gì mà mình có, vẫn đào tạo với số lượng lớn, đào tạo ồ ạt.

Từ đó dẫn đến nhu cầu của xã hội một khác, còn những “sản phẩm”, tức những cử nhân do mình đào tạo ra, hoàn toàn xa lạ với những gì mà xã hội cần.

Kết quả là hàng trăm ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp, bởi vừa thiếu kỹ năng vừa thiếu kiến thức. Trên 100 ngàn cử nhân thất nghiệp kia, nếu bình quân mỗi cử nhân mất đi 4 năm ngồi trên ghế nhà trường trong độ tuổi đẹp nhất của một đời người, thì sự lãng phí về thời gian, lớn đến chừng nào?

Và nếu mỗi tháng học, mỗi người mất đi trung bình 5 triệu vừa học phí, vừa thuê nhà ở, vừa ăn uống… thì sự lãng phí về vật chất lớn đến chừng nào?

Đó là chưa kể sự lãng phí về suất đầu tư của nhà nước cho chừng ấy sinh viên, trong chừng ấy thời gian.

Lạ một điều nữa là từ Bộ GD-ĐT đến các trường đại học, khoảng cách là bao xa? Đã biết như vậy, tại sao Bộ GD-ĐT không chủ động chỉ đạo các trường khắc phục?

Dưa hấu ế, thì toàn dân còn “ăn hộ” được. Còn những cử nhân thất nghiệp kia, xã hội làm sao giải quyết được, khi mà yêu cầu công việc một khác, trong khi các cử nhân đó lại chỉ có thứ khác?

Bình luận mới nhất