| Hotline: 0983.970.780

Cua biển Năm Căn sắp có thương hiệu

Thứ Hai 25/06/2012 , 11:15 (GMT+7)

Vào những ngày này, hàng trăm hộ dân sống chết với nghề nuôi cua biển lại có thêm niềm vui khi có thông tin con của biển Năm Căn sắp “lên ngôi”.

Thời gian gần đây, người nuôi cua biển ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau phấn khởi trước thông tin chính quyền địa phương đang hoàn tất thủ tục cần thiết để xây dựng nhãn hiệu tập thể cua biển Năm Căn – Cà Mau.

Vào những ngày này, hàng trăm hộ dân sống chết với nghề nuôi cua biển lại có thêm niềm vui  khi có thông tin con của biển Năm Căn sắp “lên ngôi”.

Vượt hơn 40km đường bộ từ trung tâm TP Cà Mau đến huyện Năm Căn, chúng tôi tìm đến Phòng NNPTNT huyện Năm Căn để tìm hiểu rõ thông tin trên. Tiếp chúng tôi, ông Huỳnh Thúc Bình, Trưởng phòng NNPTNT huyện Năm Căn mừng ra mặt: “Nông dân quê tôi sắp làm giàu từ con của biển rồi. Đến khi nhãn hiệu tập thể cua biển Năm Căn – Cà Mau được công nhận thì sẽ không còn chuyện nông dân trúng mùa – mất giá như những năm gần đây. Chuyện nông dân bị các thương lái trong và ngoài nước thao túng giá cả cũng không còn. Rồi đây con cua biển sẽ mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu/năm cho người dân”.

Theo ông Bình, vùng đất Năm Căn (Cà Mau) vốn được thiên nhiên ưu đãi. Đây là nơi tập hợp nhiều loại thủy hải sản, trong đó có loài cua biển. Cua biển Năm Căn nổi tiếng với hai loại đặc trưng là cua thịt và cua gạch. Ngoài ra, con cua biển Năm Căn còn mang những đặc tính riêng như chắc, thịt ngọt và thơm…Chính vì vậy mà sản phẩm cua biển Năm Căn không chỉ là sản phẩm nổi tiếng của Cà Mau mà nó còn là sản phẩm đặc trưng và có uy tín lớn trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trưởng phòng có cái tâm với nông dân này nói với chúng tôi: Lợi thế của con cua biển Năm Căn là thế, tuy nhiên từ trước đến nay chưa hề có một công trình nghiên cứu nào về đặc tính của cua biển Năm Căn để khẳng định sự khác biệt với cua biển được khai thác từ các vùng biển khác. Nhưng trên thực tế từ nhận xét của hàng ngàn người tiêu dùng thì con cua biển Năm Căn – Cà Mau có vị thơm và ngọt, khác hẳn cua được khai thác với các vùng biển khác như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang…Điều này chứng tỏ, tại vùng biển Năm Căn có môi trường sinh thái đặc biệt hơn so với các vùng biển khác, chẳng hạn như: Thức ăn, nước biển, khí hậu, môi trường…

Điều khiến ngành nông nghiệp địa phương này đau đầu trong nhiều năm qua là việc mạo nhận cua biển Năm Căn – Cà Mau. Do sản phẩm cua biển Năm Căn đang được tiêu thụ rất mạnh trên thị trường nhưng chưa có một cơ sở pháp lý nào để gìn giữ và bảo vệ chúng. Chính vì thế việc mạo nhận là hiện tượng thường xuyên xuất hiện trên thị trường. Nhiều loại cua biển tuy được khai thác ở vùng biển khác nhưng để bán được giá, các thương lái sẵn sàng nói sản phẩm của mình là cua biển Năm Căn – Cà Mau, nhưng chất lượng thì rất kém (cua sọp, thịt cua rất bở). Điều này làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của con cua biển vùng Năm Căn. Đây là những thách thức mà nông dân Năm Căn đang đối mặt. Bởi nếu không kiểm soát được thì giá trị kinh tế mang lại của loại sản phẩm này sẽ bị mai một. Mặc khác, nếu không tổ chức quản lý tốt việc khai thác thì nguồn nguyên liệu có thể bị cạn kiệt…Vì lẽ đó, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản “Cua biển Năm Căn – Cà Mau” là hết sức cần thiết. Nó không chỉ tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ có hiệu quả sản phẩm đặc trưng của địa phương mà việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này còn tạo điệu kiện cho người nông dân Năm Căn khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu vốn có, nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời bảo tồn được những giá trị truyền thống, tạo dựng được một thương hiệu đặc trưng cho địa phương- Ông Bình khẳng định.

Chúng tôi hỏi về tính hiệu quả kinh tế mang lại, ông Bình hồ hởi phân tích: Kết quả của dự án mang lại cho địa phương không chỉ danh tiếng, hiệu quả kinh tế khi sản phẩm được thương mại hóa một cách có hiệu quả mà nó còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, làm gia tăng giá trị của tài sản trí tuệ để nâng cao khả năng canh tranh của sản phẩm đặc sản, mở rộng thị trường XK của tỉnh….

Được biết, đến khi nhãn hiệu tập thể cua biển Năm Căn – Cà Mau được công nhận thì Hội Nông dân huyện là đơn vị quản lý. Hội sẽ đề ra những quy chế cụ thể để phát triển thương hiệu như: Dây buộc cua, trọng lượng cua, chất lượng cua…, cụ thể như thế nào thì mới được cấp phép gắn nhãn mác cua biển Năm Căn – Cà Mau.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi cua biển ở Cà Mau nói chung và Năm Căn nói riêng rất phát triển. Nông dân Cà Mau đang mong đợi vào hiệu quả kinh tế mà thương hiệu cua biển Năm Căn – Cà Mau mang lại trong thời gian tới, để không còn cảnh “tôm sú vào siêu thị, cua biển ra chợ trời”.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.