| Hotline: 0983.970.780

Cửa khẩu ngày sau Tết

Thứ Hai 25/02/2013 , 09:37 (GMT+7)

Tại các cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn vào những ngày đầu xuân mới Quý Tỵ thật nhộn nhịp.

Tại các cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn vào những ngày đầu xuân mới Quý Tỵ thật nhộn nhịp. Từng chuyến xe hàng cứ thế nối đuôi nhau vào khu vực bến bãi. Phần lớn hàng giao thương qua các cửa khẩu này là nông sản. Nếu như ở cửa khẩu Cốc Nam chỉ có hàng Việt Nam xuất bán sang nước bạn thì ở Tân Thanh có cả hàng xuất và nhập...

Sau khi được chứng kiến và ghi lại những hình ảnh nhộn nhịp tại vị trí làm thủ tục xuất và nhập hàng ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi đã được các anh Nguyễn Văn Chương – Chi cục trưởng và Nguyễn Quang Bách - Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh tiếp chuyện. Anh Chương nói: “Em chọn thời điểm này viết bài là hợp lý đấy. Anh công tác ở đây nhiều năm liền nhưng chưa thấy năm nào mà ra Tết hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh lại tấp nập đến thế”.

Còn anh Bách thì cho rằng có một điều đặc biệt, khác so với mọi năm là phía nước bạn năm nay cửa khẩu mở sớm hơn. Những năm trước mãi mùng 8 hoặc mùng 10 cửa khẩu nước bạn mới mở, trong khi đó năm nay mùng 3 Tết họ đã mở nên hàng hóa qua cửa khẩu cũng sớm hơn. “Đấy là tín hiệu mừng và cực kỳ thuận lợi cho hàng nông sản của ta. Cho đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu của ta qua cửa khẩu Tân Thanh chiếm tỷ trọng rất lớn, lớn hơn tỷ trọng nhập khẩu” – anh Bách cho hay.

Dẫn chứng điều này, anh Bách cho biết: Từ đầu năm lại nay các DN đã thực hiện khai báo qua cửa khẩu Tân Thanh là 5.804 tờ khai, đạt kim ngạch 91,69 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 62,28 triệu USD, còn nhập khẩu đạt 29,41 triệu USD. Điều đặc biệt hơn là ngay sau khi phía nước bạn mở cửa thì hàng nông sản của ta đã có mặt ngay, đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu từ phía nước bạn. Chỉ trong một tuần đầu mở cửa mà lượng hàng nông sản của ta sang nước bạn tăng đột biến, gấp đôi lượng hàng mình nhập về.

Cả anh Chương và anh Bách đều có chung một suy nghĩ: Vào thời điểm này, phong tục của hai nước là đồng bào thường dành thời gian đi lễ chùa đầu năm. Lượng hàng mà hai phía cung ứng trước Tết, nhân dân đều đã tiêu thụ hết. Cho nên khi nắm bắt được tâm lý của người dân mỗi khi Tết đến xuân về, với quan niệm tháng giêng là tháng lễ hội nên lượng người đi lễ chùa sẽ tăng lên và chắc chắn hàng hóa như hoa quả sẽ cần rất lớn. Trong khi đó, mùa hoa trái trong miền Nam nước ta đang được các DN thu mua và phần lớn là xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn.

Theo phản ánh của các DN, bãi kiểm hóa hàng nhập khẩu tại Tân Thanh được triển khai đi vào hoạt động đã giảm tải bãi cũ, giảm ách tắc cục bộ, giúp thông quan nhanh hàng hóa xuất khẩu. Đường từ Pắc Luống vào cửa khẩu Tân Thanh đã được đầu tư nâng cấp nên khắc phục được tình trạng tắc đường, tắc hàng như trước đây. Chính vì thế, mới ra Tết mà những đoàn xe nối đuôi nhau chở hàng lên cửa khẩu Tân Thanh. Những chiếc xe tải gầm rú khi vượt dốc vang vọng cả núi rừng.

Việc ngành Hải quan thực hiện “tuyên ngôn phục vụ khách hàng” đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN rút ngắn thời gian thông quan, giảm thiểu chi phí phát sinh, được DN đồng tình ủng hộ. Cùng với đó là triển khai thủ tục hải quan điện tử với việc tiếp tục mở rộng thêm loại hình xuất kinh doanh tại Chi cục Hải quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xuất nhập khẩu qua địa bàn.


Bốc xếp hàng tại cửa khẩu Cốc Nam

Rời cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi đến tìm hiểu các hoạt động ở khu vực cửa khẩu Cốc Nam. Điểm đặc biệt ở Cốc Nam là chỉ có các hoạt động xuất khẩu và phía nước bạn không đóng cửa khẩu trong những ngày Tết. Chính vì điều này mà nhiều DN trong nước đã bố trí người thay phiên nhau làm việc cả trong những ngày Tết.

Những chuyến hàng từ miền Nam chở đầy hoa quả, trong đó chủ yếu là xoài vừa tập kết tại bãi ở cửa khẩu Cốc Nam. Chúng tôi tiếp xúc với anh Phùng Quốc Thịnh – công nhân của Cty TNHH Hà Thành có trụ sở ở TX Sơn Tây (Hà Nội).

Anh Thịnh kể: “Ngay trong ngày mùng 1 Tết Quý Tỵ chúng tôi đã có mặt tại đây. Hôm đó Cty có 2 xe hàng với tải trọng 4 tấn/xe chở tôm. Cũng như ngày thường việc thực hiện thông quan đến giao nhận hàng giữa hai bên mua và bán được tiến hành nhanh gọn. Sau đó ít ngày thì hàng hóa của Cty chủ yếu là hoa quả đã được chuyển lên xuất khẩu sang nước bạn”.

Theo anh Thịnh thì hoạt động của các DN ở đây chủ yếu là lĩnh vực nông sản nên mùa nào quả đó. Khi có nhu cầu từ phía nước bạn là các DN trong nước lại có thể đáp ứng được ngay.

Cũng như anh Thịnh, anh Nguyễn Văn Đề quê ở Quảng Xương – Thanh Hóa là chủ DN tư nhân chuyên hàng nông sản đã có mặt tại cửa khẩu Cốc Nam ngay những ngày đầu năm mới. Anh Đề tâm sự: “Là một DN nhỏ trong điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi cũng phải trực tiếp tham gia vào việc thu mua và xuất hàng. Thời điểm trước, trong và sau Tết nhu cầu hàng nông sản, nhất là hoa quả ở cả hai nước rất lớn. Vì một nhẽ cửa khẩu Cốc Nam không đóng cửa nên chúng tôi làm việc rất sớm. Ở đây có những DN làm việc ngay trong ngày mùng 1 Tết”.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch hàng tạm nhập tái xuất mở tại các đơn vị hải quan ngoài cửa khẩu, XK qua cửa khẩu Cốc Nam trong năm 2012 là 448,2 triệu USD. Tổng số phương tiện ra vào cửa khẩu làm thủ tục hải quan hàng hóa năm 2012 gần 40.000 xe ô tô, trong đó chưa kể số phương tiện ô tô Trung Quốc vào cửa khẩu Cốc Nam bốc xếp hàng hóa.

Mỗi ngày tại cửa khẩu Cốc Nam có khoảng hơn 100 xe ô tô ra vào bốc xếp hàng hóa. Dự kiến, năm 2013, lượng hàng hóa XK qua cửa khẩu Cốc Nam tiếp tục tăng mạnh, lưu lượng xe ước tính khoảng 150-170 xe/ngày.

Theo tính toán của anh Thịnh và anh Đề thì mỗi xe chở 10 tấn xoài, sau khi trừ các chi phí thì DN vẫn còn lãi được 10 triệu đồng. Anh Đề nói: “Giá xoài mua ở miền Nam là 10.000đ/kg, như lệ thường, sang đây nước bạn mua cao hơn mấy giá. Nhìn chung giá cả những ngày đầu năm không có đột biến”.

Làm việc với anh Trần Văn Nghĩa – Chi cục phó Chi cục Hải quan Cốc Nam, anh cho biết: “Thời điểm trước Tết, ngoài hàng hóa là hoa quả như xoài, dừa, khoai lang, thanh long, chôm chôm thì chúng ta còn có hàng thủy sản như tôm, cua. Sau Tết hàng hóa chủ yếu là hoa quả, ít thấy hàng thủy sản. Mỗi ngày có 110 – 120 xe hàng, bình quân mỗi xe có trọng tải từ 4 – 20 tấn hàng xuất khẩu”.

Có thể thấy rằng, các hoạt động ở hai cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam những ngày đầu xuân Quý Tỵ đã rầm rộ hẳn lên. Ghi nhận của chúng tôi tại các cửa khẩu này cho đến thời điểm hiện tại mọi hoạt động giao thương diễn ra an toàn, thuận lợi và tỷ trọng xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn hơn hàng nhập khẩu. Nói theo anh Bách – Chi cục phó Hải quan Tân Thanh rằng đó là tín hiệu đầu xuân hứa hẹn sẽ là một năm làm ăn tốt của nông dân Việt Nam.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm