| Hotline: 0983.970.780

Cục Mỹ thuật có sử dụng tranh giả của Nguyễn Sáng không?

Thứ Ba 19/12/2017 , 07:35 (GMT+7)

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Cục Mỹ thuật) - Bộ VH-TT&DL khẳng định hai bức tranh “Múa vòng” và “Thống nhất” lưu tại Cục do danh họa Nguyễn Sáng “chép bản thứ hai” tặng.

Nhưng hoạ sĩ Quang Việt (hiện công tác tại Nhà xuất bản Mỹ thuật) cho rằng đó là tranh nhái.
 

Cố chép lại tranh Nguyễn Sáng mà không đạt

Ông Quang Việt cho biết, khi làm cuốn sách về Nguyễn Sáng (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2017), tình cờ xem lại hai bức tranh của Nguyễn Sáng được minh họa trên cuốn Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh, số 8 năm 2013, của Cục Mỹ thuật thì thấy sai khác với tranh của Nguyễn Sáng. Theo ông Quang Việt thì Cục Mỹ thuật đang sử dụng 2 bức tranh giả danh Nguyễn Sáng. Còn tranh thật đã biến mất.

10-52-56_ns_-_bi_mt_1
10-52-56_ns_-_trn_hu_tun_2
Nghi vấn tranh giả Nguyễn Sáng tại Cục Mỹ thuật gây tranh luận

Lý giải về điều này, một cán bộ Cục Mỹ thuật cho rằng đó là do lỗi in màu trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh (2013). Tuy nhiên, qua so sánh các bức tranh với nhau, hai bức qua ảnh chụp của Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh (2013) và 2 bức qua ảnh chụp trong sách “Nguyễn Sáng” (2017) của Quang Việt, một nhà nghiên cứu Mỹ thuật đã bình luận: “Có thể nói hai bức qua ảnh chụp của Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh (2013) từ bút pháp và tạo hình đều dường như không phải của Nguyễn Sáng. Những người nghiên cứu mỹ thuật đều biết phong cách của Nguyễn Sáng là sử dụng màu và những nét vẽ rất “bợm”. Hầu hết đều là những nét vẽ rất đậm, rất dứt khoát. Đằng này ở 2 bức tranh minh họa của Cục Mỹ thuật thì những cá tính ấy không được biểu hiện rõ rệt. Đó là những đường nét dò tìm, đứt gãy, vụng về... như của ai đó cố tình chép lại nhưng không đạt”.

Nguyễn Sáng (1923 - 1988) là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam, tác phẩm của ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (1996). Theo đánh giá của giới mỹ thuật, ông là người đã trải mình trên mọi chất liệu nghệ thuật. Từ tranh khắc, sơn dầu cho đến sơn mài, ông đều đóng góp cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam những tác phẩm quý giá. Đặc biệt, với chất liệu sơn mài, Nguyễn Sáng đã tạo ra một kĩ thuật mới về màu và sắc độ. 

Nguyễn Sáng được coi là người đứng đầu trong bộ tứ “Sáng - Nghiêm - Liên - Phái” (Nguyễn Sáng - Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Bùi Xuân Phái) của hội hoạ Việt Nam hiện đại.
 

Không phải in sai màu

So sánh cả hai yếu tố màu và hình trong tranh của Cục Mỹ thuật, nhà nghiên cứu mỹ thuật Huệ Viên (Vũ Hiệp) khẳng định: không phải in sai. Ông còn chỉ rõ rất nhiều chi tiết sai một chút trong hai bản chụp 2 bức tranh. Theo ông Huệ Viên đó là hai bản khác nhau.

“Cụ thể, nếu trong tranh minh họa sai khác về màu thì có thể lấy lý do là in sai, nhưng ở đây có sự sai khác về cả màu và hình, nên không thể dùng lý do in sai màu được.

Bức tranh “Múa vòng”, Nguyễn Sáng chịu ảnh hưởng từ bức “Múa” của Matisse, hiện đang treo ở Hermitage. Nhưng Nguyễn Sáng hay hơn ở chỗ ông sử dụng những hình vuông - tròn như trời đất, bánh chưng bánh giày. Ông không tạo ra những viền (contour) đậm để tạo hình vuông, trông sẽ hơi loạn, giống như bức của Cục Mỹ thuật. Đường contour trong bức của Cục Mỹ thuật in trông rất rõ, của Nguyễn Sáng chỉ ẩn hiện, có độ rung hơn hẳn. Mặt khác, nếu in màu sai thì cả phần cái vai và thân hình ở dưới thì đều phải sai màu, nhưng ở bản của Cục Mỹ thuật in thì là hai màu khác nhau nên cũng không thể bảo lỗi in là sai màu được. In sai thường bị lệnh sang cả một tông nào đó, ví dụ đỏ hơn, vàng hơn cả bức tranh, nhưng bức của Cục Mỹ thuật in không bị sai kiểu đó.

Màu bức thật trông cũ hơn, bị bợt màu, có thể do sử dụng vật liệu không tốt. Màu bức giả tươi hơn. Và điều quan trọng là bức giả có cách diễn hình khác với cách của Nguyễn Sáng.

Bức giả sử dụng đường contuor rất mạch lạc, đều đều, mang chất trang trí nhiều hơn. Ta chỉ nhận ra các nét tạo ra hình vuông mà không thấy mảng hình vuông như bức thật. Cái mảng hình vuông với đường contuor ẩn hiện mới gây rung cảm mạnh hơn. Như vậy, 2 yếu tố màu và hình đều sai lạc.

Thông tin bất nhất

Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại với ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật. Ông Thành khẳng định tranh Nguyễn Sáng lưu tại Cục là tranh thật. “Đó là tranh của ông Nguyễn Sáng và tác giả trực tiếp chép bản thứ hai sau bản ông ấy vẽ đầu tiên”.

Theo ông Vi Kiến Thành thì 2 bức tranh được Nguyễn Sáng “chép bản thứ hai” tặng cho cơ quan này từ những năm 1958 - 1960. Nhưng qua hồ sơ do Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam công bố năm 1984 dịp Triển lãm tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Sáng thì 2 bức tranh sơn mài “Múa vòng” và “Thống nhất” cùng khổ to 100 x 80cm chỉ được Nguyễn Sáng sáng tác vào năm 1980. Chính thông tin gây mâu thuẫn này càng khiến nhiều họa sĩ trong giới mỹ thuật băn khoăn.

Cần công bố hồ sơ tranh gốc

Chia sẻ về việc phân biệt tranh thật và tranh giả trong nghi vấn tranh Nguyễn Sáng hiện đang lưu giữ tại Cục Mỹ thuật, ông Ngô Kim Khôi, nhà nghiên cứu mỹ thuật, cho rằng: Trong trường hợp này, nếu Cục Mỹ thuật đang giữ 2 bức tranh gốc của Nguyễn Sáng tặng thì chỉ cần công bố hai bức tranh đó ra để làm sáng tỏ những nghi ngờ của công chúng, bởi vì bức tranh nào cũng có lịch sử của nó. Lịch sử ấy nằm trong hồ sơ tranh được Nguyễn Sáng tặng cho Cục Mỹ thuật.

“Điều đáng nói ở đây là Cục Mỹ thuật khẳng định những bức tranh ấy được Nguyễn Sáng “chép bản thứ hai” tặng cho Cục Mỹ thuật từ những năm 1958 - 1960, trong khi tranh lại được sáng tác vào năm 1980”, ông Ngô Kim Khôi nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất