| Hotline: 0983.970.780

Cấp phép phổ biến quốc ca:

Cục Nghệ thuật biểu diễn không tôn trọng hiến pháp!

Thứ Năm 25/05/2017 , 07:40 (GMT+7)

Đó là bình luận của luật sư Phạm Quang Huy - Trưởng Văn phòng luật sư Hàn Sĩ Huy (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) với Báo NNVN.

Không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

Trước khi có sự việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) công bố 300 ca khúc trong đó có cả bài Quốc ca của Tổ quốc là “Tiến quân ca” trong danh sách được phép phổ biến rộng rãi, đơn vị này còn ra công văn cấm lưu hành cả loạt bài hát khác đã đi vào lịch sử của âm nhạc nước nhà: “Con đường xưa em đi”, “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”…


 

Thậm chí, lãnh đạo Cục này còn ra quyết định cấp phép phổ biến cho các bài hát như “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối), “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao)… đều là các tác phẩm sáng tác, phổ biến tại miền Bắc trước năm 1975.

Những sự việc này cho thấy điều gì? Căn cứ vào Điểm e Khoản 6 Điều 2 Quyết định số 4148 /QĐ-BVHTTDL ngày 27/11/2013 của Bộ VH-TT&DL Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục NTBD quy định Cục NTBD có quyền hạn cấp giấy phép “Phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài sáng tác”. Căn cứ quy định này, Cục NTBD đã làm không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được Nhà nước quy định.

Về việc Cục NTBD cấp phép lưu hành ca khúc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, luật sư Phạm Quang Huy - Trưởng Văn phòng luật sư Hàn Sĩ Huy bình luận:

“Theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Hiến pháp hiện hành năm 2013 thì “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”. Trước đó, bài hát này đã được chọn là Quốc ca và quy định tại Điều 3 Hiến pháp năm 1946. Vì vậy, việc cấp phép bài “Tiến quân ca” của Cục NTBD cho thấy một trong các khả năng sau. Một là, phải có sự cấp phép của Cục NTBD thì bài hát này mới được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Hai là, Hiến pháp năm 2013 khó thực thi trên thực tế nếu không có những hoạt động của Cục NTBD. Quan điểm của tôi là Hiến pháp là đạo luật cao nhất nên việc làm của Cục NTBD, xét về một mặt nào đó, là không tôn trọng Hiến pháp.
 

Đi ngược ý chí phát triển

Trước bức xúc của dư luận, để chữa cháy và lấp liếm, Cục NTBD tiếp tục ra thông cáo báo chí tự tin khẳng định: Việc một số bài báo phản ánh Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép trên 300 bài hát nhạc đỏ là chưa đúng với bản chất của vấn đề. Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cập nhật thêm 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi chứ không phải cấp phép mới đối với 300 bài hát nói trên.

Nhà báo Lê Ngọc Sơn - Nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông về Khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức phân tích: Trong khi những người đứng đầu Chính phủ đang nỗ lực xây dựng “Nhà nước kiến tạo”, tìm cách để giảm bớt các thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa các giấy phép con, tạo điều kiện thuận lợi, khơi thông các dòng sáng tạo… thì những hành động của Cục trưởng Cục NTBD là lạ lẫm và vô lối, đi ngược lại với ý chí phát triển của đất nước.

16-06-15_le-ngoc-son
Nhà báo Lê Ngọc Sơn

Theo ông Sơn, một Nhà nước kiến tạo, cần khơi thông các nguồn lực bị dồn ứ trong xã hội, trong đó có việc sáng tạo. Trong nền kinh tế tri thức, các sáng tạo văn học nghệ thuật là một động lực lớn để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nhưng việc ra các chính sách quản trị yếu kém, liên tục và liên tiếp trong một thời gian ngắn, đã thể hiện sự yếu kém về năng lực của vị này.

Cục NTBD và Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương hình như không nắm rõ về thuật chính sách công - thứ mà những người ở vị trí của ông ắt phải nắm rõ như thuộc lòng trong bàn tay.

Chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, nơi mà người dân được phép làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm, tuy nhiên những hành động của Cục NTBD đang đi ngược lại với tinh thần này.

Từ những phân tích của mình, ông Lê Ngọc Sơn cho rằng: Không có cách nào làm mất uy tín của cơ quan Nhà nước như hành động của ông Cục trưởng Cục NTBD. Qua câu chuyện này, người ta đặt lại câu hỏi về chất lượng nhân sự trong lĩnh vực công. Vì sao một người có cách quản lý vô lối, thiếu hiểu biết cả về các thuật quản trị cơ bản, lại được đặt vào một ví trí quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa văn nghệ của một quốc gia?!

“Một diễn viên có thể xuất sắc trên sân khấu, nhưng chẳng lấy gì đảm bảo đó là một quan chức xuất sắc. Trên sân khấu diễn sai có thể chỉ ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn, nhưng trong công vụ, một chính sách sai có thể gây ra những thiệt hại khó thể đo lường. Đúc kết về thuật quản trị nhân sự, tục ngữ Việt Nam có câu “Thánh thiêng nhờ bộ hạ”, nhưng với tầm mức đó, “thánh” sao có thể thiêng?”, nhà báo Lê Ngọc Sơn bày tỏ!

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.