| Hotline: 0983.970.780

Cực nhọc những phụ nữ mưu sinh ở làng nghề hầm than truyền thống

Thứ Sáu 17/03/2017 , 15:20 (GMT+7)

Đã gần trăm năm những lò hầm than ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đỏ lửa để làm nên một làng nghề truyền thống.

Than ở đây chủ yếu đốt từ gỗ các loại cây ăn quả trong vườn như nhãn, chôm chôm, bưởi… khi cằn cỗi, nhà vườn chặt bán. Rất nhiều lao động ở các lò hầm than là phụ nữ.
 

Độc hại ngộp tận óc

Quanh co trên con đường đất bị “hà bá” ngoạm nham nhở chỉ còn vừa chiếc xe hai bánh chạy. Hai bên là những hàng củi cao gần đầu người. Từ xa đã cảm nhận được sức nóng hầm hập từ lò than nghi ngút khói.

Lò than này của anh Đặng Văn Nhóm (48 tuổi, ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa), có một nhóm phụ nữ, mồ hôi nhễ nhại, bụi bám đen người đang ì ạch khiêng than trong lò bước ra.

Chị Nguyễn Thị Hạnh ngồi xúc than vụn bên cạnh, tự giới thiệu 45 tuổi, làm nghề dỡ than hơn 10 năm nay. Dừng tay, chị nói: “Bụi lắm, đừng vô gần chị, chịu không nổi đâu”.

09-43-39_0703172
Chị Hạnh đang xúc than vụn

 

Bưng rổ than bước ra đổ vào bao tải, chị kể: “Nực nội vậy đó mà ráng làm kiếm tiền cá mắm hàng ngày chứ ở không là treo niêu”. Nhìn chị cứ nghĩ đã ngoài 50, bởi đôi tay gân guốc, chai sần dính đầy than với gương mặt tiều tụy, đen nhẻm, hai mắt đỏ nheo lại vì bụi than bay vào càng làm cho khuôn mặt thêm nhiều nếp nhăn.

Sau một hồi làm việc thấm mệt, ngồi quệt mồ hôi trên trán, chị Hạnh tâm sự: “Cả chục năm nay ngày nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng là tôi thức dậy chuẩn bị cơm nước cho con một phần, còn lại 2 vợ chồng chia ra mang theo đi làm than tới 6 giờ chiều mới về. Mấy năm trước còn khỏe mạnh làm luôn cả ban đêm, hễ nước lớn, ghe vô là làm, có khi làm đến quá nửa đêm. Giờ sức khỏe yếu nhiều, không kham nổi nữa nên không dám nhận, làm ban ngày được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Chị Hạnh ngừng lại thở. Khắp người chị lem luốc than đen, từ tóc tai mặt mũi xuống áo quần, tay chân. Không gian xung quanh cũng than đen nhưng nhìn chị cứ thấy lem luốc hơn cả.

Hướng về đống than bốc dở, chị Hạnh lại kể: Hồi đầu vào nghề chưa quen, cả người đau nhức, bàn tay phồng rộp, chảy máu do bốc than nóng. Vì chén cơm manh áo làm riết rồi quen, ở không lại thấy buồn tay chân. Nhiều khi lò người ta gấp xuống than thì rất vất vả. Thường sau khi than chín phải ngưng đốt lửa ít nhất 15 ngày cho than nguội mới làm được. Khi người ta gấp bán than, dỡ những lò ấy hơi nóng trong lò phả ra có người chịu không nổi xỉu luôn, mùi than nồng nặc xộc lên “ngộp” tận óc. Mà một lò tới mười mấy tấn than chứ ít ỏi gì.

Cái nghề làm than với chị Hạnh và chị em phụ nữ thật là vất vả trăm bề. Ngày nào cũng quần quật trong lò than nóng từ sáng đến tối, tiền công chẳng có là bao. Làm trọn gói thì một lò 1,5 triệu đồng, chia ra cho 10 người. Nếu ngày nào hên không mưa thì đỡ còn lỡ như mưa, làm 2 - 3 ngày mới xong. Nếu làm ngày, chia ra 2 - 3 người một khâu, ví dụ như xúc than vụn được trả 150.000 đồng/tấn. Nói chung, một ngày đi làm mỗi người ráng kiếm hơn 100.000 đồng.
 

Không ai nghĩ đến chuyện giữ gìn sắc đẹp

Những ngày lò than để nguội, chị Hạnh và 5 chị khác trong nhóm đi chuyền củi thuê cho các lò than chuẩn bị đốt. Những khúc củi lớn nhỏ không đều nhau, khúc to nhất cỡ 10 kg. Cả nhóm xếp thành một hàng dài từ trên bờ xuống dưới ghe nhịp nhàng “tung hứng” không ngừng nghỉ những khúc củi như nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp.

09-43-39_0703171
Các chị khiêng than trong lò ra
 

Chị Nguyễn Thị Trúc Ly, trẻ nhất trong nhóm cho biết: “Một lò than xếp vô 101 thước củi (tính theo chiều dài của hàng củi rộng 0,5 m, cao 1 m). Củi khúc nhỏ thì chuyền nhanh lắm, gặp khúc lớn cả chục ký là ngán vô kể”.

Từ khi lấy chồng về xứ than, chị Ly đã làm nghề này mấy năm. Nhìn chị lem luốc trong than rất khó đoán tuổi. Chị cười buồn: “Nhà nghèo lo bươn chải kiếm tiền nuôi con, chớ tui không còn dám nghĩ đến giữ gìn mấy cái chuyện sắc đẹp nữa”. Cả hai vợ chồng chị đều làm than, nuôi đứa con 4 tuổi. Chị bộc bạch, dỡ than thì một ngày 2 vợ chồng kiếm được hơn 200.000 đồng, chuyền củi được ít tiền hơn. Nói chung nếu khỏe mạnh cũng đủ sống, chỉ lo ốm đau không biết đào đâu ra tiền thuốc thang.

Trời đứng nắng cũng là lúc giải lao, ai nấy vội vội vàng vàng xuống mé sông với tay khoát nước rửa mặt, rửa tay chân qua loa rồi chạy lên ăn cơm. Ngồi bệt trước cửa nhà chủ lò than, những bàn tay còn lem luốc xúm xít bày thức ăn ra để mọi người cùng ăn chung. Người vài trứng vịt luộc, người nắm dưa mắm, dưa leo, người thì chao, tương. Họ vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Chai nước dừa khô đã nồng vị the, chị Hạnh mang theo rót đãi mọi người, ai nấy đùa là “rượu đế thượng hạng” rồi cười tươi đón cốc nước “ực” một phát cạn.
 

Đờm cũng nhuộm màu đen

Lò đốt than tiềm ẩn lắm bệnh tật và nguy cơ hủy hoại môi trường. Ở khu vực này, đa số nông hộ trồng cây ăn trái bưởi, vú sữa. Nhưng cả chục năm nay, vườn tược bỏ hoang người dân không thiết chăm sóc vì có chăm thế nào cũng không có trái để thu hoạch, do đó vợ chồng con cái bỏ vườn kéo nhau đi làm thuê cho lò than.

09-43-39_0703173
Bữa cơm trưa của các chị

 

Gia đình chị Hạnh trước đây sống nhờ vườn bưởi, nhưng cả chục năm nay đậu trái ít, 6 - 7 công vườn mà chỉ lèo tèo “một mớ” trái vì cây không chịu nổi khói của các lò than. Gia đình chị chặt bớt bưởi trồng vú sữa nhưng vẫn không khả quan.

Chị nói: “Khói than bám vô trái vú sữa đen thui, mặn quá nên nó không lớn nổi, trái to nhất chỉ bằng trái chanh xứ khác lại nhìn không biết nó là trái gì như vậy làm sao mà bán”.

Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (30 tuổi, cùng địa phương) làm chung với chị Hạnh 6-7 năm nay. Hồi mới cưới, cha mẹ chồng có cho vợ chồng chị một công vườn trồng vú sữa. Giống như chị Hạnh, vườn nhà chị Hiền cũng bị hư hại do khói than. Có đất cũng như không, vợ chồng quanh năm làm thuê. Tiền bạc “làm đồng nào xào đồng đó” nên khi bệnh tật gia đình chị thiếu trước hụt sau, chạy vạy, nợ nần để chữa bệnh.

Chị Hiền cho biết: “Tôi bị nhức đầu, viêm mũi nằm bệnh viện gần nửa tháng mới về. Trong lò than khói bụi dữ lắm, mình làm mình hít vào riết bị bệnh hồi nào không hay, thậm chí ho, khạc ra đờm cũng màu đen luôn”.

Theo chị Hiền, những người làm nghề dỡ than lâu năm ở đây đều mắc bệnh đường hô hấp, nhiều đứa trẻ cũng bị viêm xoang từ nhỏ.

Các chị còn mắc bệnh xương khớp do khiêng vác nặng. Cơn mưa ập đến. Vừa chuyền củi xuống ghe trong mưa để chở sang lò cách đó khoảng cây số, chị Hiền vừa than: “Mấy khúc củi nhãn này nặng dữ lắm, chuyển từ dưới ghe lên thì có xe đẩy đỡ cực, chứ còn chuyển trên bờ xuống toàn làm bằng tay không. Làm riết rồi ai cũng bị đau khớp hết, nặng thì thần kinh tọa mà có ai dám bỏ ngày nào đâu”. Bấm chân xuống đất lầy, chị Hiền ôm khúc củi to cả chục kí nặng nề chuyền cho “đồng đội”.

Chiều xuống, mưa tạnh cũng kết thúc một ngày làm việc. Các chị kéo nhau về. Vừa đi vừa nói chuyện. Những nụ cười lấp lánh hàm răng trắng nở trên khuôn mặt lem luốc. Con đường lầy lội về nhà các chị, giữa những hàng củi hai bên tỏa “cái mùi nhọc nhằn” cứ tràn ngập không khí.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

  • Những 'bông hồng' trên mâm pháo
    Phóng sự 08/03/2024 - 06:30

    Đó là những nữ dân quân trẻ tuổi thuộc Đại đội pháo phòng không 37 ly ở Đồng Hới, Quảng Bình. Bất kể trong điều kiện thời tiết nào, họ vẫn hăng say luyện tập…

  • Thu hoạch tiêu, nghề nguy hiểm
    Phóng sự 06/03/2024 - 06:33

    Nghề hái tiêu nhìn bên ngoài có thể dễ dàng nhưng công việc luôn đứng trên thang cao, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đây được xem là nghề nguy hiểm.

  • Gã họa sĩ lập dị móng tay dài cả mét
    Phóng sự 05/03/2024 - 09:08

    Sau hơn 30 năm nuôi móng tay, ông Huyền không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại là họa sỹ nổi tiếng vùng biển.

  • Độc đáo chuyện học trên đảo Hòn Chuối
    Phóng sự 04/03/2024 - 06:54

    Ngày mới tập làm quen với con chữ, học sinh của 'lớp học tình thương’ trên đảo Hòn Chuối được người thầy mặc áo lính tập trung dạy làm người, hình thành nhân cách…

  • Chuyện ông 'Thìn rồng' ở đền Đô
    Phóng sự 02/03/2024 - 06:00

    Về Từ Sơn, hỏi chuyện 'ông Thìn rồng', đứa trẻ lên 6 cũng tỏ tường bởi ông là người may mắn hai lần ghi được khoảnh khắc đám mây hình rồng trên đỉnh đền Đô.

  • Ngày hội của những chàng trai
    Phóng sự 01/03/2024 - 06:00

    Mới ngày nào, họ còn là những học sinh, sinh viên, hay lao động tự do, nay đã chỉnh tề trong bộ quân phục màu xanh, chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân nhân.

  • Nổi nênh nghề rọ tôm trên hồ Thác Bà
    Phóng sự 26/02/2024 - 10:05

    YÊN BÁI Nghề đan rọ tôm có lúc mai một bởi xuất hiện công nghệ đánh bắt hiện đại, nguồn tôm cá ít dần theo thời gian, nhưng bà con vẫn cần mẫn thủy chung với nghề.

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.