| Hotline: 0983.970.780

Cúm gia cầm bao trùm tỉnh nghèo

Thứ Ba 14/08/2012 , 09:06 (GMT+7)

Tỉnh Hà Tĩnh có đến 86% dân số nông thôn, nghèo. Nông dân chắt chiu nuôi nấng được vài đàn gà, đàn vịt, nhưng có nuôi mà không có ăn, vì dịch bệnh cướp đi hết.

Tỉnh Hà Tĩnh có đến 86% dân số nông thôn, nghèo. Nông dân chắt chiu nuôi nấng được vài đàn gà, đàn vịt, nhưng có nuôi mà không có ăn, vì dịch bệnh cướp đi hết.

Dịch đến hẹn lại lên

Trong 5 năm lại nay trên địa bàn Hà Tĩnh liên tục xảy ra các đợt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Năm nào dịch bệnh cũng cướp đi hàng vạn gia súc, gia cầm mà nông dân phải chắt chiu, dành dụm, hết cả vốn liếng.


Đàn vịt còn lại của gia đình anh Trần Hậu Tính, thôn Nam Phố, Thạch Hội có nguy cơ lìa chủ ra đi vì dịch

Tháng 6/2007, dịch cúm gia cầm (CGC) xảy ra trên toàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó Lộc Hà là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 10 vạn con gia cầm bị ốm, chết phải tiêu hủy trong lúc huyện vừa mới được thành lập sau khi chia tách từ 2 huyện Can Lộc và Thạch Hà, vậy là huyện mới lập đã gặp muôn vàn khó khăn. Dịch CGC đổ xuống trên đầu người dân làm cho cả huyện điêu đứng, khó khăn chồng khó khăn. Ổ dịch CGC 2007 vừa mới dập xong thì tháng 4/2008 dịch tai xanh ở lợn lại bùng phát trên địa bàn các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh... khiến hơn 3 vạn con lợn đến thời kỳ xuất chuồng phải chôn vùi xuống đất, nông dân thêm 1 phen khóc ròng.

Tiếp đến năm 2009, dịch LMLM trên trâu bò hoành hành tại các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh... Ổ dịch lần này đã cướp đi hàng ngàn con trâu, bò, thiệt hại kinh tế lên đến hàng chục tỷ đồng, nhiều nông dân thành tay trắng. Chưa dừng lại, đầu năm 2010 dịch CGC lại tiếp tục bùng phát ở các địa phương Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh khiến hàng vạn con gia cầm bị ốm chết, phải tiêu hủy.

Trong 4 năm liền dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm liên tục xảy ra, năm 2011 ông trời buông tha cho nông dân Hà Tĩnh khôi phục lại đàn gia súc, gia cầm. Nhưng sóng gió không qua đi, sau gia súc gia cầm, đến lượt người nuôi tôm dính dịch. Và, năm 2012, cúm gia cầm lại tiếp tục quay trở lại Hà Tĩnh, dịch rất nặng nề.

Thêm một lần trắng tay

Trở lại một số địa phương đang bị dịch CGC hoành hành từ cuối tháng 7 đến nay. Đi đâu đến đâu chúng tôi cũng đọc được trên nét mặt người chăn nuôi vẻ thất thần, buồn rầu, thất vọng.

Ông Dương Xuân Ti, xóm Tân Hòa, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, than thở: "Rứa bao nhiêu vốn liếng tui vay mượn ngân hàng, anh em đầu tư nuôi đàn vịt gần 3.000 con đã mất trắng rồi nhà báo ơi. Sao nông dân bầy tui khổ thế này không biết".

Ông Ti cho biết, đợt dịch CGC lần này đã "nuốt" của gia đình ông 1.400 con vịt với tổng giá trị thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Ngoài số vịt đã tiêu hủy, nguy cơ 1.600 con vịt còn lại phải lìa chủ ra đi đang hiện diện.

Cũng như hộ ông Ti, đàn vịt 500 con của chị Trần Thị Nga, thôn Mỹ Triều, buộc phải tiêu hủy toàn bộ vì dịch.

"Làm ruộng không đủ ăn, tui chạy vạy vay mượn được 30 triệu bạc đầu tư nuôi đàn vịt rứa mà trong chớp mắt dịch CGC đã cướp đi tất cả. Giờ thì gia đình tui tay trắng rồi" - chị Nga thút thít khóc.

Được biết, đến nay tổng đàn gia cầm xã Thạch Tân buộc phải tiêu hủy lên đến gần 4.500 con. Hầu hết số gia cầm này đều sắp đến kỳ xuất chuồng thì gặp phải tai họa.

Một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất là xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay toàn xã có đến hơn 7 vạn con gia cầm bị bệnh, trong đó số phải tiêu hủy lên đến 5,4 vạn con.

"Thạch Hội là một trong những xã biển ngang nghèo nhất huyện Thạch Hà, người dân xã chúng tôi chủ yếu sinh sống dựa vào chăn nuôi với tổng đàn lên đến gần 50 vạn con gia cầm các loại. Mấy năm gần đây dịch bệnh xảy ra liên tục khiến cho bà con bao phen điêu đứng. Chúng tôi đang lo thiệt hại đợt dịch này sẽ chưa dừng lại ở đó" - ông Long nói.

Tính đến nay dịch CGC ở Hà Tĩnh đã lây lan sang 17 xã thuộc 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên với tổng đàn gia cầm ốm, chết, tiêu hủy trên 24.600 con. Trong đó, gà 4.176 con; vịt gần 20.000 con; gia cầm khác 573 con.

Chị Nguyễn Thị Mai, thôn Bình Dương, đứng thất thần chỉ tay về chuồng vịt không còn một con, nói: "Hai vợ chồng vay mượn ngân hàng hơn 50 triệu đồng cộng với tiền bán đàn lợn thịt để đầu tư vào nuôi vịt, nào ngờ vịt gần đến ngày xuất chuồng lại lăn đùng ra chết, bao nhiêu dự định sắm sang đồ dùng trong nhà, lo tiền ăn học cho con đều tan thành mây khói. Thế là hết sạch cả vốn lẫn lãi mà nợ ngân hàng thì ngày một chất cao như núi, vợ chồng tôi chỉ biết đội tay kêu trời".


Gia đình chị Nguyễn Thị Mai trắng tay sau đợt dịch CGC

Giám đốc Sở NN-PTNT Đặng Ngọc Sơn tâm sự, Hà Tĩnh là tỉnh nghèo, quanh năm suốt tháng phải chống chọi với thiên tai, bão lũ, đã là thiên tai, thời tiết bất ổn thì dịch bệnh ở các loại gia súc gia cầm theo đó cũng thường xuyên xuất hiện, hoành hành. Chúng tôi luôn chú trọng đến công tác phòng, chống dịch, không những chỉ đạo trực tiếp mà còn giao cho các địa phương phải quán triệt xuống tận người dân, ở đâu xảy ra dịch là ở đó phải có biện pháp nhanh chóng dập dịch, có những điểm nóng phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ngăn chặn dịch lây lan. Thế nhưng, mỗi lần dịch bệnh xảy ra nông dân toàn tỉnh lại một lần vấp phải khó khăn về vacxin, tài chính... Mặc dầu, tỉnh đã huy động tối đa nguồn lực nhưng chúng tôi đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương về mọi mặt; cần các nhà khoa học vào cuộc giúp Hà Tĩnh xử lý dứt điểm các ổ dịch lưu truyền năm này qua năm khác.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm