| Hotline: 0983.970.780

Cùng nâng niu Giai điệu tự hào

Thứ Năm 01/01/2015 , 08:13 (GMT+7)

Không có gì chủ quan khi cho rằng, nếu chọn lựa một chương trình ca nhạc ấn tượng nhất trong năm 2014, chắc chắn phải bỏ phiếu cho “Giai điệu tự hào” phát sóng định kỳ hằng tháng trên VTV1.

Giữa trào lưu nhún nhảy thời thượng, “Giai điệu tự hào” đường hoàng mà vẫn hấp dẫn và nhanh chóng trở thành đặc sản trên màn ảnh nhỏ!

Nền tân nhạc Việt Nam tính từ ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ôm đàn biểu diễn từ Nam ra Bắc vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, thì đến hôm nay vẫn chưa tròn 100 năm.

Thế nhưng, vượt qua nhu cầu giải trí, âm nhạc được sử dụng như một vũ khí đấu tranh chính nghĩa nên cuộc cách mạng của dân tộc phát triển tột bậc thì dòng ca khúc đồng hành cũng phát triển tột bậc.

“Giai điệu tự hào” vừa ra đời đã đứng trên vai một người khổng lồ nên sức lan tỏa tất yếu không có gì khó hiểu! Tuy nhiên, những người thực hiện “Giai điệu tự hào” chỉ thấy hết giá trị của ca khúc “đỏ” khi ngó sang xứ sở bạch dương!

Dù đã từng có vài chương trình vinh danh dòng nhạc cách mạng như “Còn lại với thời gian” hoặc “Bài ca đi cùng năm tháng”, nhưng để làm thành một sự kiện có tính tương tác thì Đài Truyền hình Việt Nam phải mua bản quyền của Nga. Vì “Giai điệu tự hào” được Việt hóa format từ chương trình "Tài sản quốc gia” của nước bạn, nên cách thức xây dựng mỗi chủ đề lẫn phân chia khách mời bình luận đều tuân thủ theo cấu trúc của nguyên tác.

Cái hay được phô bày, mà cái chưa hay cũng được phô bày. Thậm chí, để thu hút dư luận, những màn đấu khẩu gay gắt cũng được chấp nhận như một điểm nhấn thời truyền hình lấy số lượng người xem làm thước đo tính tiền quảng cáo!

Ngay chương trình đầu tiên với chủ đề “Bài ca năm tấn” phát sóng đầu năm 2014, “Giai điệu tự hào” đã thực sự chinh phục được khán giả. Những ca khúc oanh liệt và rộn ràng chưa bao giờ ngủ yên trong quá khứ lại tiếp tục giục giã trái tim công chúng. Ca khúc cũ, nếu chỉ làm mới bằng hòa âm phối khí, thì chưa hẳn đã tạo rung cảm khác lạ cho giới mộ điệu hôm nay.

Cái mới của mỗi ca khúc trong “Giai điệu tự hào” chính là câu chuyện đi kèm với ca từ và khúc thức. Dĩ vãng run rẩy trong ký ức được nhắc lại bằng sự bồi hồi đã làm nên sức quyến rũ của những ca khúc vang bóng.

Nhạc sĩ Phú Quang khi được mời tham gia “Giai điệu tự hào” đã bộc bạch: “Nghe lại những ca khúc một thời, thấy xốn xang vì chúng ta có một thời trong trẻo, chân thành và tử tế quá. Tôi xúc động muốn khóc vì những tình cảm ấy càng ngày càng rơi rụng dần”.

Để tô điểm cho một bài hát bất hủ, ngoài nhân chứng còn cần có vật chứng. “Giai điệu tự hào” đã giới thiệu những nhân chứng sống động, nhưng vẫn khá hạn chế về vật chứng.

Hiếm hoi lắm khán giả mới được thấy một chiếc khăn tay có thêu những lời tình tự biểu trưng cho tấm lòng của người hậu phương gửi người tiền tuyến! Chỉ cần cố gắng đầu tư thêm chút nữa, chắc chắn “Giai điệu tự hào” sẽ có nhiều vật chứng thuyết phục. Bởi lẽ, đất nước thống nhất gần 40 năm, vẫn còn nhiều vật chứng trong khói lửa được người dân lưu giữ như kỷ niệm khó quên! Ngỏ lời mượn vật chứng để mang lên sân khấu không phải quá khó khăn và vất vả!

Ý tưởng đưa ra hai hội đồng bình luận, một bên là khách mời lớn tuổi và một bên là khách mời trẻ tuổi, có thể xem như đột phá đáng kể nhất của “Giai điệu tự hào”.

Cân nhắc một chút sẽ thấy rằng, nếu không có “Tài sản quốc gia” bên Nga khai phá trước cách dàn dựng này, thì chưa chắc chúng ta đã dám mạnh dạn triển khai. Vì sao? Vì bản tính người Việt ngại va chạm và vẫn bị dẫn dắt bởi những khuôn phép xã giao nhất định.

Vì khoảng cách thế hệ sẽ khó gần gũi nhau về mặt thẩm mỹ. Mỗi bên tiếp nhận một kiểu riêng, sẽ dễ dàng xung đột cảm xúc. Nhờ nương tựa “Tài sản quốc gia”, mà công chúng “Giai điệu tự hào” được nghe những tâm tư không đồng thuận trước một ca khúc mà mình yêu thích!

Mục đích cuối cùng “Giai điệu tự hào” là khai quật những giá trị nhân văn của các ca khúc ghi dấu trong lịch sử kháng chiến, do đó những giải bày của các tác giả cực kỳ quan trọng. Việc những người tổ chức “Giai điệu tự hào” thực hiện các clip ghi âm hoặc thu hình những nhạc sĩ tài danh không chỉ phục vụ cho chương trình phát sóng bây giờ mà còn là tư liệu quý báu cho ngày mai, vì nhiều nhạc sĩ thế hệ vàng của âm nhạc cách mạng đang dần khuất núi.

Người Việt Nam không còn nhiều cơ hội để nghe tâm sự của các tên tuổi lừng lẫy như Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Đức Toàn hay Hoàng Vân. Vì vậy, đầu tư cho sự lôi cuốn của “Giai điệu tự hào” cũng là đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn âm nhạc Việt Nam.

Câu thơ của Xuân Diệu “nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ” trong trường hợp “Giai điệu tự hào”, không chỉ là lời động viên mà là một mệnh lệnh của tương lai! Chần chừ sao cam lòng, khi giờ đây hát lại “Nhớ về Hà Nội” mà không còn nghe giọng thổ lộ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, khi giờ đây hát lại “Người Hà Nội” mà không còn được nghe giọng diễn thuyết của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Những người cầm trịch “Giai điệu tự hào” đang có phương tiện và có điều kiện, thì không nên do dự để làm ngay những thước phim tư liệu độc đáo về các nhạc sĩ cao niên!

Sẽ chủ quan nếu khăng khăng bài hát tự thân tồn tại mà không cần đoái hoài đến nguồn cơn sáng tạo của nhạc sĩ. Bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” trình diễn tại “Giai điệu tự hào” lay động trắc ẩn của nhiều người nhờ có đôi câu bộc bạch của nhạc sĩ Phan Nhân: “Trong trận bom B52, tôi trực chiến tại Hà Nội. Tôi viết bài hát trước hết là cho tôi vững dạ, sau này may mắn được đóng góp một phần nhỏ bé vào thành tích chung cùa cả dân tộc chống lại ngoại xâm”.

Hoặc khi nghe những đánh giá của khán giả tại trường quay về bài hát “Đêm nay anh ở đâu?”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tuổi 90 đã rất hóm hỉnh: “Các bạn cho tôi tự hào thì tôi tự hào thôi, chứ tôi đâu có tự ca ngợi tác phẩm của mình. Sáng tác của tôi, nếu các bạn nghe không thấy nổi da gà thì sẽ nổi da… vịt!”. Chắc chắn những tiếng cười của khán giả sẽ bồi đắp nhiều yếu tố tinh thần mới cho ca khúc “Đêm nay anh ở đâu?”.

So với nguyên bản “Tài sản quốc gia”, thì “Giai điệu tự hào” hơi yếu hơn về clip tư liệu. Những người dàn dựng từng bài hát chưa chú trọng đến những hình ảnh tư liệu để tương thích với nội dung. Bối cảnh từng bài hát nếu đi kèm với tư liệu trực tiếp hoặc mỹ thuật gián tiếp sẽ mở rộng biên độ cảm xúc cho khán giả.

“Giai điệu tự hào” thực hiện ở phim trường tương đối nhỏ hẹp, không thể trông chờ vào sự hoành tráng, mà phải tận dụng sức mạnh của video-art. Hơn nữa, xin lưu ý rằng, công chúng hướng tới của “Giai điệu tự hào” không phải một nhóm người được xem ghi hình tại chỗ, mà là đại bộ phận người xem qua màn ảnh nhỏ. Nếu cứ phô diễn các kiểu múa minh họa như tập thể dục nhịp điệu, thì sự minh họa cho bài hát chỉ làm rối mắt mà thôi!

Để “Giai điệu tự hào” càng ngày càng đáng tự hào, thì một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chương trình là phải minh bạch hóa những góc khuất còn lại ở mỗi ca khúc.

Trong bom đạn tàn khốc hoặc trong những năm bao cấp khó khăn, chúng ta chưa có cơ hội để tập hợp đầy đủ thông tin về một ca khúc nào đó, thì hôm nay hoàn toàn có thể làm điều ấy thật mạch lạc.

Ví dụ, ca khúc “Dậy mà đi” không chỉ đề tên nhạc sĩ Nguyễn Xuân Tân, mà phải ghi chú thêm “thơ Tố Hữu”. Bởi lẽ, nếu không dựa theo bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu viết năm 1941, thì không thể có bài hát “Dậy mà đi” ra đời năm 1968!

Xem thêm
Vợ NSND Công Lý phẫn nộ khi chồng bị tung tin đồn xấu

Vợ nghệ sĩ Công Lý đã vô cùng bức xúc và phải lên tiếng làm rõ trước thông tin giả đang được lan truyền trên mạng thời gian gần đây.

Nhận định Wolves vs Arsenal: Pháo thủ trút giận?

Trận đấu giữa Wolves vs Arsenal trong khuôn khổ vòng 34 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 20h30 ngày 20/4/2024 trên sân vận động Molineaux. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam hướng đến kết quả tốt nhất trước Malaysia'

U23 Việt Nam đã hoàn tất sự chuẩn bị trước lượt trận thứ hai gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm