| Hotline: 0983.970.780

Cũng phải ráng thôi!

Thứ Ba 09/08/2011 , 10:34 (GMT+7)

Đến nay, xã Bạch Đằng đã có nhiều đổi thay so với hơn 10 năm về trước, nhưng mới chỉ đạt một nửa chặng đường xây dựng NTM.

Để hoàn thành 19 tiêu chí, Bạch Đằng còn rất nhiều việc phải làm

Xã Bạch Đằng (huyện Tân Uyên), được tỉnh Bình Dương chọn làm thí điểm xây dựng NTM từ năm 2000. Đến nay, xã đã có nhiều đổi thay so với hơn 10 năm về trước, nhưng mới chỉ đạt một nửa chặng đường xây dựng NTM (theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM).

Về xã Bạch Đằng, cái được dễ nhận thấy nhất là đời sống người dân hiện nay đã khấm khá hơn hẳn so với trước đây. Có được điều này, trước hết là nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp nói riêng.

Năm 2000, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng tới 83,21% (16,027 tỷ đồng), thương mại dịch vụ chiếm 15,32% (5,254 tỷ), còn công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 1,47% (684 triệu). Tới năm 2010, thương mại, dịch vụ và du lịch đã vươn lên vị trí số 1 khi đạt giá trị 42,414 tỷ đồng (chiếm 53,9%), trong khi nông nghiệp tụt xuống hàng thứ 2 với 34,514 tỷ (43,87%).

Trong nông nghiệp, diện tích cây hàng năm (chủ yếu là lúa năng suất thấp) đã giảm 321,81 ha, trong khi diện tích cây lâu năm (chủ yếu là bưởi) tăng thêm 165,28 ha. Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được nông dân mạnh dạn áp dụng trong sản xuất bưởi, lúa. Bên cạnh đó, các mô hình như 100 ha vườn bưởi đặc sản, mô hình trồng bưởi VietGAP (3,9 ha), mô hình VAC…, đã góp phần quan trọng vào việc đưa giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2010 lên 59,5 triệu đồng, tăng 29,6 triệu đồng so năm 2000.

Riêng ở các vườn bưởi, thu nhập của nông dân khá ấn tượng. Bà Sáu Ly, nhà ở ấp Điều Hòa cho biết, nhà bà trồng gần 1 ha bưởi. Năm 2009 thu được 7 thiên (7.000 trái), bán vào dịp Tết, thu về 150 triệu đồng. Năm ngoái, bưởi có giảm năng suất, chỉ thu được chừng 5.000 trái, cũng bán được trên 100 triệu đồng.

Đời sống của người dân khá lên (thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 13,8 triệu đồng, năm 2000 là 3,7 triệu đồng), nên đến giờ, trên toàn xã Bạch Đằng, đã không còn một căn nhà tạm nào. 100% hộ có phương tiện nghe nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,62%, trong khi hộ khá giàu chiếm tới 69,5%. Theo ông Trần Trung Du, Phó chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, nhiều chỉ tiêu cơ sở hạ tầng khác cũng đã đáp ứng được cho nhu cầu của toàn bộ người dân trong xã: 100% hộ dân sử dụng điện, 100% hộ có điện thoại, 100% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…

Bên cạnh đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 10 năm qua, Bạch Đằng đã xây dựng được 6 tuyến đường nhựa dài 20,09 km; 39 tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng tổng chiều dài 21,1 km, kinh phí 3,68 tỷ đồng (Nhà nước đầu tư 1,43 tỷ, dân góp 2,25 tỷ); thực hiện bê tông hóa hệ thống kênh mương thủy lợi được 9/13,12 km kênh hiện có, với tổng giá trị đầu tư 5,77 tỷ đồng…

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng NTM ở Bạch Đằng trong 10 năm qua là khá chậm. Đến hết năm 2010, cả xã mới đạt được 9/19 tiêu chí, gồm: quy hoạch và thực hiện quy hoạch; nhà ở dân cư; hộ nghèo; giáo dục; y tế; văn hóa, môi trường; hệ thống chính trị xã hội; an ninh trật tự.

Ông Trần Trung Du cho biết, từ nay đến cuối năm, Bạch Đằng sẽ phấn đấu đạt được 3-4 tiêu chí nữa. Những tiêu chí còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành vào năm 2013. Trong những tiêu chí mà đến giờ còn chưa đạt, phần lớn là những tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thuộc phần đầu tư của Nhà nước như: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở văn hóa, chợ nông thôn và bưu điện. Vì thế, nếu ngân sách được rót xuống kịp thời, Bạch Đằng sẽ nhanh chóng hoàn thành những tiêu chí này.

10 năm xây dựng NTM, Bạch Đằng mới chỉ đạt 9 tiêu chí, vậy mà theo kế hoạch, trong vòng 2 năm tới, xã sẽ phải hoàn thành dứt điểm 10 tiêu chí còn lại. Tôi hỏi: “Có hoàn thành nổi không?”. Ông Du thoáng chút ngập ngừng: "Cũng phải ráng thôi".

Các khó nhất của Bạch Đằng hiện nay là nâng thu nhập bình quân đầu người lên gấp rưỡi lên gấp rưỡi so so với mức bình quân chung của khu vực nông thôn tỉnh Bình Dương. Dù thu nhập bình quân đầu người của Bạch Đằng năm 2010 đã tăng gần 4 lần so với năm 2000, nhưng mới chỉ ngang bằng mức bình quân chung ở khu vực nông thôn Bình Dương (14 triệu đồng/người/năm). Vì thế, để nâng thu nhập lên trong vòng 2 năm tới, không phải là việc dễ dàng khi mà toàn xã hiện vẫn còn tới trên 600 ha lúa năng suất thấp (4,6 tấn/ha).

Mảng du lịch, được coi là có tiềm năng lớn, có thể giúp nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng đến giờ gần như chưa phát huy được chút nào. Trong khi đó, kinh tế hợp tác ở xã còn khá yếu, khi mới chỉ có vài tổ hợp tác trồng cây bưởi. Hỏi vì sao chưa có hợp tác xã nông nghiệp nào? Ông Du trầm ngâm suy nghĩ giây lát rồi nói: “Cái khó nhất là ở con người”.

Trong khi đó, một số tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được, nhưng lại đang có nguy cơ trở thành không đạt. Theo ông Trần Trung Du, cái lo nhất hiện nay là tình hình an ninh trật tự xã hội. Trước đây, do chưa có cầu nối liền với thị trấn Uyên Hưng, nên tình hình an ninh trật tự ở Bạch Đằng rất tốt. Nhưng từ cuối năm ngoái, khi cây cầu Bạch Đằng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, ở khu vực dân cư sinh sống gần cầu, đã xuất hiện một số đối tượng nghiện ngập ma túy.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất