| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến ma rừng trên đỉnh Nậm Lạnh

Thứ Hai 28/02/2011 , 09:23 (GMT+7)

Chẳng ai biết con ma rừng hình thù ra sao và có mặt ở vùng cao Nậm Lạnh này từ bao giờ. Chỉ biết là quyền lực của nó ghê gớm lắm.

Dân xã Nậm Lạnh không còn sợ ma rừng
“Chạy đua” với thầy mo 

Lên Nậm Lạnh vào hôm trời nắng cũng phải đề phòng…đường trơn. Bởi ở vùng cao này quanh năm sương mù dày đặc. Từ thị trấn Sốp Cộp vào trung tâm xã, con đường đất liên tục leo dốc, hàng trăm khúc cua tay áo một bên núi bên vực khiến chúng tôi có cảm giác đang đi lên trời. Đồn biên phòng 449 nằm ở đỉnh dốc con đường lên trời ấy. Nơi lính quân y đang gồng mình trong một cuộc chiến: Cuộc chiến với ma rừng.

Chẳng ai biết con ma rừng hình thù ra sao và có mặt ở vùng cao Nậm Lạnh này từ bao giờ. Chỉ biết là quyền lực của nó ghê gớm lắm. Ma rừng khiến bao nhiêu gia đình người Khơ Mú mất người thân vì ốm đau không đưa đến trạm xá. Ma rừng xui người Mông trồng cây thuốc phiện, buôn bán ma túy từ Lào kéo theo cái chết từ những đóa phù dung. Ma rừng khiến dân bản đốt nương rẫy bỏ đi tìm những vùng đất mới. Những đứa trẻ chẳng dám đến trường vì suy nghĩ của phụ huynh “đến trường lấy ai làm nương”…. Nói đến Nậm Lạnh, người ta nghĩ ngay đến ma túy, đói nghèo, bệnh tật… Vùng đất mà các thầy mo được xem như “sứ thần” của ma rừng. Tiếng nói của họ nhiều trưởng bản cũng phải nghe răm rắp.

Biết tôi có ý định lên tìm hiểu về cuộc chiến chiến ma rừng ở một trong những vùng đất khó khăn nhất đất nước này, đại úy Đỗ Minh Thái, đồn phó Đồn biên phòng 449 mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm ngâm: “Khó khăn lắm. Ngôn ngữ bất đồng, nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế. Cuộc chiến với ma rừng không biết còn kéo dài đến bao giờ”.

Những câu chuyện của lính quân y ở Đồn 449 khiến bất cứ ai cũng chẳng thể tin là có một vùng đất còn nhiều hủ tục đến thế. Những ngày ở đây tôi được nghe nhắc nhiều đến thiếu úy Nguyễn Hải Hà, lính quân y của Đồn 449 như một khắc tinh của ma rừng. Nhưng để có được “danh hiệu” ấy xem chừng chiến sĩ trẻ này phải chịu quá nhiều gian nan.  Sinh năm 1985, quê mãi tận Phú Thọ, Hà là lính quân y ở Nậm Lạnh gần 5 năm nay. Chừng ấy thời gian, Hà lặn lội hết rừng trên bản dưới trong cuộc “chạy đua” với thầy mo, thầy cúng. Từ bản Phổng nằm ngay trung tâm xã hay những bản vùng cao như Hua Lạnh phải đi bộ mất cả ngày đường thì bước chân chàng lính trẻ vẫn tìm đến vì sợ mình sẽ chậm hơn những “sứ thần” của ma rừng kia. “Dân bản xưa nay tin thầy mo hơn cán bộ, bộ đội, y tá. Họ nghĩ rằng bệnh tật là do ma làm. Nhà có người bệnh nhất định phải mổ trâu mổ bò rồi mời thầy mo đến cúng. Mình đến, thấy cành cây cắm ngoài cổng thì nhất định không được vào. Những lúc như thế trong nhà kiểu gì mấy ông thầy mo cũng tổ chức cúng bái đuổi ma”, Hà tâm sự.

Có một thời, thanh niên ở các bản xã Nậm Lạnh rộ lên “phong trào”… hút thuốc phiện. Chẳng phải vì ăn chơi, đua đòi hay nhận thức… mà lý do theo các thầy mo là “chúng bị ma rừng bắt phải như thế”. Chỉ trong vòng mấy năm, con ma rừng khiến bao nhiêu thanh niên trong bản mắc nghiện. Đến khi bộ đội biên phòng đến vận động đi cai thì thầy mo dọa người nhà rằng: Nó bị con ma rừng bắt đi rồi. Không cai được đâu. Nó mà đi cai thì con ma rừng bắt nó phải chết. “Họ nói với nhau bằng tiếng Mông mình chẳng hiểu gì cả. Chỉ biết lúc đầu họ đồng ý đi cai nhưng sau khi “xin ý kiến” thầy mo xong lại thôi không đi nữa”. Hà chợt rùng mình khi nhớ lại quãng thời gian ấy.

Ròng rã năm này qua năm khác, thậm chí Đồn 449 phải mở một lớp học tiếng Mông cho các chiến sĩ để tiếp cận gần hơn với dân bản trong cuộc chiến chống lại ma rừng. Nậm Lạnh có hai bản người Mông ở sát biên giới Việt Lào là Hua Lạnh và Huổi Hịa. Nơi mà ngay cả mùa hè cũng chỉ nhìn thấy mặt trời chừng một tiếng đồng hồ vào lúc trưa, còn lại phủ trong mây mù trắng xóa. Thiếu úy Hà bảo rằng nhiều lúc thấy dân bản có người bị bệnh nhưng đến ngay cả trưởng bản cũng không thể nói được tiếng kinh nên dù mang thuốc thang đầy đủ nhưng cũng chẳng biết họ bị đau bệnh gì. Tiếp xúc với thanh niên trong bản cũng chẳng biết là họ có bị nghiện hay không khi mà hai bên giao tiếp chỉ bằng cử chỉ. Họ không nói được tiếng mình thì mình phải nói tiếng họ thôi. Năm 2009, Đồn 449 mở lớp dạy tiếng Mông cho chiến sĩ với mục đích có thể giao tiếp với dân bản. Bài học đầu tiên của lính quân y là “Pu co mo ho tư”. Được dịch thành “bà bị bệnh gì vậy"? Nghe chừng đơn giản thế nhưng phải mất hơn một năm sau lính biên phòng mới phổ cập được tiếng Mông. Đến thời điểm này thì khoảng 80% nói tiếng Mông như… người Mông.

Chỉ đến lúc này “phong trào” hút thuốc phiện mới bị dập tắt. Câu chuyện về Đường Văn Xiến ở bản Co Hốc là một điển hình.

Mấy năm về trước, căn nhà của Xiến vào loại nghèo nhất bản. Đó là lúc Xiến còn làm bạn với loại thuốc hút vào “vừa khỏe vừa sướng” như lời các thầy mo. Biết Xiến bị nghiện hút, bộ đội biên phòng lúc đầu đến nhưng khuyên giải bằng tiếng Kinh nên Xiến chẳng hiểu gì. Mãi đến lúc “giao dịch” bằng tiếng bản địa Xiến mới ngộ ra rồi theo họ xuống Trạm y tế xã cai nghiện. Ở đây Xiến được phân tích rằng mình đang hủy hoại cuộc sống gia đình là do nghiện ma túy chứ chẳng phải ma quỷ gì làm. Được lính quân y trong Đồn 449 giúp đỡ thuốc men để cắt cơn. Dần dần anh cắt cơn và hiện đang có một cuộc sống hạnh phúc bên vợ và hai đứa con. Ông Vì Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh phấn khởi: “Với quyết tâm của nhân dân trong xã và sự giúp sức của cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Nậm Lạnh, chúng tôi quyết tâm đánh đuổi “con ma phiện” đến cùng. Sẽ có nhiều trường hợp cai nghiện thành công như Xiến...”.

Kiêm cả cán bộ… thú y 

Tôi đã được nghe nhiều về chuyện “ba cùng”, “bốn cùng” của bộ đội biên phòng với bà con dân bản. Nhưng thú thực đến lúc ngồi nghe họ kể có nhiều lúc chẳng dám tin. Thiếu úy Hà dẫn tôi vào bản Nà Hang, bản của người Khơ Mú nằm bên dòng suối Nậm Tong để minh chứng cho lời kể của anh: “Bộ đội biên phòng nhiều lúc còn phải kiêm cả cán bộ thú y”.

Bản Na Hang vỏn vẹn chỉ có 20 hộ, 94 khẩu và hầu hết trong số đó đều là hộ nghèo. Một thời Na Hang là vùng đất của những thầy mo nổi tiếng bậc nhất ở Nậm Lạnh. Đến mức trưởng bản Mồng Văn Sinh lúc nhớ lại vẫn còn lắc đầu rằng: “Thời ấy, trâu bò bị dịch cũng phải mời thầy mo về cúng do suy nghĩ là chúng cũng bị ma làm như người”. Dần dần thấy thầy mo cúng mãi mà trâu bò đều có chung kết cục là bị đè ra mổ thịt cho cả bản ăn nên ông trưởng bản lo quá. Thấy bộ đội biên phòng Đồn 449 suốt ngày vào đòi chữa bệnh cho trâu ông Sinh để cho họ… thử một lần. Chẳng ngờ đợt ấy con trâu bệnh nhà ông không bị đè ra mổ nữa. Tối đó, trưởng bản cho họp dân bản lại rồi phán rằng: “Cán bộ biên phòng chữa bệnh giỏi hơn thầy mo. Từ nay không nhà nào được mời thầy mo về cúng nữa”. Sáng hôm sau mấy thầy mo “hết đất làm ăn” bỏ đi đâu chẳng ai biết. Còn dân bản, cứ mỗi lần trâu bò có bệnh lại gọi “cán bộ biên phòng”. Mãi cho đến bây giờ, khi xã Nậm Lạnh có cán bộ thú y biên chế hẳn hoi nhưng mỗi lần có dịch ông trưởng bản vẫn cho người đi gọi “cán bộ biên phòng” vào xem thử trâu bò bị bệnh gì.

Cũng ở Na Hang, người Khơ Mú xưa nay vẫn có phong tục tự sinh tự dưỡng. Con trai con gái cứ thôi học là lấy vợ lấy chồng. Phụ nữ đều phải tự sinh chứ nhất quyết không ra trạm xá vì…xấu hổ. Chính vì thế đã có không ít trường hợp ở Na Hang cả mẹ lẫn con gặp nạn do không được cứu chữa kịp thời. Cho đến lúc xẩy ra sự kiện “cán bộ biên phòng” chữa lành bệnh cho con trâu nhà trưởng bản thì họ mới nghĩ rằng chắc …người cũng chữa được. Không ít chiến sĩ ở đồn 449 lâm vào cảnh “trai tân đỡ đẻ” do các ông chồng thấy vợ sắp đến ngày sinh lại gọi “cán bộ biên phòng”.

Cuộc chiến ma rừng trên đỉnh Nậm Lạnh vẫn còn tiếp diễn nhưng có lẽ chẳng còn kéo dài khi mà dân bản bắt đầu tin thầy thuốc hơn thầy mo. (Hết)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm