| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến nhằm "sở hữu" trẻ

Thứ Hai 10/03/2014 , 10:33 (GMT+7)

Vì vô tình hay có mâu thuẫn từ trước mà giữa các thế hệ có thể dẫn tới cuộc chiến “sở hữu” bé trong việc chăm sóc, chỉ bảo, thậm chí là tình yêu thương.

Một đứa con ra đời là hạnh phúc của biết bao người, bố mẹ, ông bà, thậm chí là niềm vui, niềm tự hào của cả họ. Thế nhưng, vì vô tình hay có mâu thuẫn từ trước mà giữa các thế hệ có thể dẫn tới cuộc chiến “sở hữu” bé trong việc chăm sóc, chỉ bảo, thậm chí là tình yêu thương.

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức chị Hoài, cái Tết năm 1985 như vẫn còn nguyên vẹn. Ngày ấy, cuộc sống còn vô cùng khốn khó, phương tiện đi lại khó khăn, chủ yếu là xe đạp. Tết năm ấy, chị Hoài bụng mang dạ chửa đèo con về quê trong cái lạnh cắt da cắt thịt của vùng núi Đông Bắc. Nhà neo người, ông nội đã mất nên chồng chị phải về trước để lo củi đóm, sửa sang lại nhà cửa cho mẹ đón Tết.

Mùng 2 Tết, chị Hoài phải trở lại trường, cũng phải lo chuẩn bị cho ngày sinh cận kề. Mẹ chồng chị tuyên bố: “Mẹ nó phải đi thì cứ đi một mình, nhưng thằng Tùng (chồng chị) phải ở nhà để mùng 5 còn làm lại cái chuồng dê. Cho cả con bé ở lại, đường xa, trời lạnh, đi lại nhiều khổ thân nó”. Nghe mẹ chồng nói, chị Hoài ứa nước mắt, nhưng rồi kịp bình tĩnh, nuốt cục tức vào trong. Chị bảo: “Bố nó có việc thì ở lại, hai mẹ con con sẽ đi”. Mẹ chồng chị được dịp nhảy xổ lên, nào mắng chị không thương con, nào chị ích kỷ…

Nhưng thực ra, bà cũng sợ cảnh ở một mình khi các con ai nấy về chỗ làm. Bà chỉ có đứa trẻ bầu bạn, với trẻ con, bà có thể thoải mái khóc, cười, mắng mỏ, yêu quý mà không bị đánh giá hay phán xét. Hơn nữa, nó lại là cháu nội đầu tiên, nên bà thích lắm. Nhưng bà không chịu đặt mình vào hoàn cảnh của con dâu.

Giữa đường rừng núi vắng vẻ, cả nhà ăn Tết đông vui ầm ầm mà bắt chị Hoài phải đi một mình thì thật là… quá đáng. Khổ nỗi, chồng chị Hoài cũng mải vui và nghe lời mẹ nên để hai mẹ con ra đi trong cơn mưa phùn, lạnh buốt. Nước mắt chị Hoài rơi suốt chặng đường trơn hơn 30km. Cũng may, hai mẹ con về đến nhà an toàn. Chị bảo, chị sẽ mãi không thể quên kỷ niệm buồn này.

Sau đấy, nhiều lần mẹ chồng nhắn chị Hoài cho con về chơi, rồi ở với bà, nhưng khi nào chị về quê thì cho con về. Chị nhất định không cho con ở lại riêng với bà một ngày nào. “Con mình, mình phải nuôi dạy nó. Bà có yêu thương gì nó đâu, chỉ muốn có bầu bạn cho đỡ cô quạnh”.

“Sống trong gia đình có mâu thuẫn giữa ông bà nội với mẹ rất căng thẳng” - Hà Yến (15 tuổi, Thái Nguyên) cũng đôi khi thấy hoang mang không thể hiểu nổi người lớn. Ông bà nội rất nghiêm khắc, nếu Yến mắc lỗi gì, ông sẽ phết ngay mấy cái vào mông, đau điếng. Chiếc roi mây của ông vừa to, vừa dài lại đen bóng là nỗi sợ hãi của tất cả bọn trẻ trong nhà.

Nhiều hôm, mẹ thấy con gái “mông đầy lươn” cũng phải bật khóc, nhưng lại không dám nói gì. Lúc khác, khi Yến hư, mẹ lại cầm chính roi mây của ông đánh con. Ông bà chạy vào bênh cháu chằm chặp, nhưng càng bênh, mẹ càng đánh Yến mạnh hơn. Tối về, mẹ em lại ôm con thủ thỉ: “Ông càng bênh, mẹ càng đánh. Ai bảo có lúc ông đánh con mẹ đau thế. Ông không bênh có phải con không bị đánh nhiều không?”.

Khi người lớn đã có mâu thuẫn với nhau từ trước, sự xuất hiện của một đứa nhỏ cũng khiến nhiều rắc rối nảy sinh. Bé Nhím 5 tuổi, rất cá tính, thông minh, cộng thêm gen “lý luận” của mẹ và sự ngây thơ của trẻ nhỏ khiến nhiều chuyện giữa bố mẹ chồng và nàng dâu thêm mâu thuẫn. Một ví dụ rất nhỏ, mẹ chồng do giận con dâu nên không ăn sáng. Sau đó, bà rủ Nhím sang hàng xóm chơi, họ mời thì lại ăn. Nhím hồn nhiên: “Sao bà không ăn ở nhà mà lại sang nhà bác N. ăn.

Mẹ cháu bảo như thế là không ngoan. Mẹ bảo, cháu muốn ăn gì nhà hàng xóm phải xin phép mẹ”. Bà nội Nhím vừa ngại, vừa xấu hổ, không nói được câu gì, nhưng sự bực tức với con dâu càng tăng. Dồn nén trong người, bà phát cáu, và đổ lỗi cho con dâu “xui” cháu. Con dâu tửng tưng: “Con thấy cháu nói cũng không sai mà mẹ”. Bà mẹ chồng máu nóng được dịp ba máu sáu cơn, nhảy xếch lên định cãi nhau to với cho dâu cho hả. Cũng may có con trai về kịp giải hòa, nếu không hàng xóm chắc được phen đau đầu.

Theo chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn, tâm lí muốn “sở hữu” con/cháu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong cuộc sống hiện đại, việc sinh con không phải dễ, khi có con đầu lòng, các bà mẹ trẻ thường muốn dành trọn tình cảm và muốn tự tay chăm sóc đứa trẻ của mình. Sự không hoà hợp giữa mẹ chồng - nàng dâu khiến nhiều người con dâu sợ cháu dành tình cảm cho bà nhiều hơn mẹ. Trong khi đó, bố mẹ chồng vì vô tình hay cũng do mâu thuẫn từ trước mà muốn lôi kéo tình cảm của đứa bé về phía mình.

Nếu mâu thuẫn kéo dài, đứa trẻ bị giằng co giữa bên mẹ, bên ông bà sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Dù không hiểu được rõ ràng, nhưng đứa trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, không an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Chúng chỉ được chơi hoặc là với riêng mẹ, hoặc là với riêng ông/bà. Có mẹ thì thôi bà hoặc ngược lại. Mặc dù được mẹ chăm sóc, nhưng đứa bé không cảm nhận được hết tình yêu thương mà chỉ luôn ám ảnh bởi những trận quát mắng, những trận đòn “không hiểu nổi”.

Trong những trường hợp này, cách giải quyết tốt nhất là người lớn phải dung hòa, chia sẻ và bàn bạc để đưa ra sự thống nhất cao trong việc chăm sóc trẻ. Nếu nàng dâu cho rằng bà không biết chăm cháu, cách chăm của bà là cổ hủ, lỗi thời và không tin tưởng bà thì nên chuẩn bị sẵn đồ ăn và hướng dẫn bà cách cho ăn, uống.

Trẻ thường ở với ông bà cả ngày, tối về vẫn thích quấn quýt bên ông bà dễ khiến cho cha mẹ trẻ tủi thân. Lúc này ông bà phải tâm lý tạo điều kiện để tình cảm mẹ con được gắn bó, nếu con dâu thiếu kinh nghiệm, ông bà nên hướng dẫn.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.