| Hotline: 0983.970.780

"Cuộc chiến" quanh hạt đường

Thứ Sáu 15/11/2013 , 09:35 (GMT+7)

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi ngay một số công văn phản đối việc cho NK đường do Cty CP Hoàng Anh Gia Lai SX ở Lào. Có vẻ đã bùng lên một “cuộc chiến” xung quanh hạt đường…

Như Báo NNVN đã đưa tin, Bộ Công thương vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao cho ý kiến để trình lên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cho NK đường do Cty CP Hoàng Anh Gia Lai SX ở Lào. Ngay sau đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi ngay một số công văn phản đối việc NK đường nói trên. Có vẻ đã bùng lên một “cuộc chiến” xung quanh hạt đường…

>> Xem xét cho NK đường do Cty CP Hoàng Anh Gia Lai SX ở Lào

Hiệp hội phản công

Trong công văn gửi lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 13/11, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (HHMĐVN) kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận việc NK này cũng như không cho phép XK tiểu ngạch sang Trung Quốc đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam SX.

Nếu cho Cty CP Đường Biên Hòa NK đường nguyên liệu để sản xuất thì phải nhập chính ngạch và xuất cũng chính ngạch có sự giám sát chặt chẽ của Hải quan. Nếu tiêu thụ trong nước phải nằm trong quota NK hàng năm đã cam kết với WTO theo hình thức đấu thầu NK, thu chênh lệch giá về cho ngân sách.

Lý giải cho đề nghị trên, HHMĐVN đưa ra khá nhiều lý do. Trước hết là Việt Nam đang thừa đường, mà Bản Vược (Lào Cai) lại là cửa thoát duy nhất hiện nay. Niên vụ 2012-2013 lượng dư thừa đường là 400.000 tấn, niên vụ 2013-2014 lượng dư thừa sẽ lên đến 600.000 tấn.


Sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai (nguồn www.hagl.com.vn)

Do không ngăn chặn được đường lậu, đường Việt Nam phải nhường thị phần trong nước để bán tháo sang Trung Quốc qua đường Bản Vược. Nếu chấp nhận hỗ trợ HAGL, sẽ vô tình để đường nước ngoài chiếm luôn thị phần XK sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nêu trên.

Cũng theo HHMĐVN, đường do HAGL sản xuất tại Lào rất rẻ do giá mía khá thấp. Trong khi các nhà máy đường ở Việt Nam phải trả riêng tiền mua mía cho nông dân đảm bảo cuộc sống đã lên đến 9.000–11.000 đ/kg đường, thì giá mía của HAGL thu mua ở Lào chỉ có 296 đ/kg mía.

Chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào có nhiều ưu đãi đặc biệt đối với dự án mía đường của HAGL, nhờ đó đường do Cty này sản xuất tại Lào có giá thành đặc biệt thấp (chỉ 4.320 đ/kg). Sự khác biệt về chính sách cộng với sự đầu tư đúng mức của HAGL tại Attapeu, đã làm cho không chỉ đường sản xuất tại Việt Nam mà cả đường Thái Lan, Brazin… cũng không thể cạnh tranh được với đường HAGL sản xuất tại Lào.

Cũng trong ngày 13/11, HHMĐVN gửi công văn cho Cty CP Đường Biên Hòa yêu cầu Cty này ngừng việc NK đường thô do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất về gia công và xuất sang Trung Quốc qua đường cửa khẩu Bản Vược.

Trong khi đó, đường do Cty HAGL đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành và chất lượng đủ điều kiện để xuất đi Châu Âu theo ưu đãi thuế quan nhập khẩu EBA của Cộng đồng chung Châu Âu dành cho Lào kể từ tháng 3/2011. Vì thế, HAGL tại Lào nên khai thác kênh tiêu thụ này tốt hơn là chuyển đường về Việt Nam.

HHMĐVN cũng cho rằng hỗ trợ cho HAGL tuy có lợi cho Cty CP Đường Biên Hòa, Cty HAGL và mối quan hệ Việt Nam – Lào, nhưng lại gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước với hàng vạn công nhân lao động tại nhà máy cùng hàng triệu nông dân trồng mía trong nước. Do đó, sự đánh đổi này là không cân xứng.

Đường Biên Hòa và HAGL nói gì?

Trao đổi với NNVN quanh vấn đề NK đường của HAGL sản xuất ở Lào, ông Nguyễn Văn Lộc, TGĐ Cty CP Đường Biên Hòa, cho hay, thực ra ban đầu Cty HAGL muốn được đưa đường sản xuất ở Lào về tiêu thụ tại Việt Nam. Nhưng nếu cho phép đưa đường của HAGL sản xuất ở Lào về bán tại thị trường Việt Nam, sẽ gây khó cho những doanh nghiệp đã được cấp quota NK 73.500 tấn đường theo cam kết WTO và gây khó khăn cho cả ngành đường trong nước.

Chính vì thế, giải pháp nhập đường thô từ Lào về rồi chế biến, XK sang Trung Quốc sẽ vừa gỡ khó về tiêu thụ đường cho HAGL, vừa ít gây ảnh hưởng nhất tới ngành đường nước ta. Bởi theo lý giải của ông Lộc, thị trường Trung Quốc mỗi năm có khả năng hấp thụ tới hàng trăm ngàn tấn đường Việt Nam. Vì thế, xuất thêm vài chục ngàn tấn đường có nguồn gốc từ đường thô NK ở Lào về, sẽ không ảnh hưởng gì mấy tới XK đường của nước ta qua đường tiểu ngạch.

Về thông tin giá mía, giá thành đường do HAGL sản xuất ở Lào quá thấp, ông Lộc cho rằng chưa chắc đã là như vậy. Bởi với kinh nghiệm của một người làm lâu năm trong ngành đường, ông Lộc tin rằng khi nhân công, phân bón, vốn liếng đầu tư… đều phải đưa từ Việt Nam sang, thì giá thành đường do HAGL sản xuất ở Lào sẽ không thấp hơn giá thành đường Thái Lan.

Khi liên hệ với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hoàng Anh Gia Lai về thông tin giá mua mía, giá thành đường của Cty này sản xuất ở Lào mà HHMĐVN đã nêu trong công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Đức nói rằng ông không bình luận gì. Ông Đức cho biết HHMĐVN chưa gặp ông và cũng chưa sang Lào để tìm hiểu về việc sản xuất mía đường của HAGL ở đây.

Một điều đáng chú ý nữa là sự khác nhau về số lượng đường của HAGL sản xuất ở Lào được đề nghị NK về VN. Trong công văn gửi Bộ Công thương ngày 30/9/2013, Cty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết Cty này đã đề nghị bán đường thô sản xuất ở Lào cho Cty CP Đường Biên Hòa với khối lượng 30 ngàn tấn.

Trong khi đó, tại công văn mà Phó Thủ tướng Lào gửi cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/9/2013, Phó Thủ tướng Lào lại cho biết Cty CP Hoàng Anh Gia Lai có nhu cầu XK 40 ngàn tấn đường về Việt Nam.

Vì thế, Phó Thủ tướng Lào đã đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết hạn ngạch NK 40 ngàn tấn đường do Cty CP Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại tỉnh Attapeu về Việt Nam trong niên vụ 2013-2014. Công văn mà Bộ Công thương gửi các bộ, ngành liên quan cũng nói là xem xét giải quyết cho NK 40 ngàn tấn đường. Được biết, sản lượng đường do HAGL sản xuất ở Lào trong niên vụ 2013-2014 sẽ là 100 ngàn tấn.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm