| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến xóa bỏ cây thuốc phiện

Thứ Năm 30/07/2015 , 08:11 (GMT+7)

Nằm trên thượng nguồn dòng suối Thia, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) giáp ranh với hai huyện Phù Yên, Bắc Yên của tỉnh Sơn La, nơi đây từ lâu được mệnh danh là sào huyệt cuối cùng của cây thuốc phiện.

Thật không ngờ lần này lên xã Bản Mù, tôi tình cờ gặp lại Giàng A Phông, hiện anh đã là Bí thư xã. Năm 2000, lần đầu tiên gặp anh ở thôn Khấu Ly trong ngôi nhà tối âm âm trên đường lên Bản Mù, khi đó anh mới là Phó chủ tịch xã, vì thế lần này gặp anh cả hai đều không nhận ra nhau. Chỉ khi trở lại huyện, nghe Chủ tịch Nguyễn Văn Xa nói về anh tôi mới nhớ ra mình đã làm việc với anh.

Hồi ấy xã Bản Mù có 60 người nghiện hút tuổi từ 50 trở lên, nghĩa là toàn những người già, nghiện hút lâu năm, trong số đó có cả phụ nữ, chủ yếu hút “thuốc đen” (thuốc phiện) chứ không dùng thuốc trắng như dưới vùng thấp.

Hệ quả là giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước, tỉnh Hoàng Liên Sơn thành lập Cty Một cây đặt ở Mù Cang Chải thu mua nhựa thuốc phiện xuất khẩu sang Nga để chiết xuất ra các loại thuốc kháng sinh. Hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải là trọng điểm phát triển cây thuốc phiện. Chỉ tiêu thu mua được giao cho từng lao động.

18-20-41_1
Rừng nguyên sinh bị phá để trồng cây thuốc phiện

Bởi thế bắt đầu từ tháng 9 âm lịch khi mùa trồng cây thuốc phiện bắt đầu, người ta kéo nhau lên núi phát rừng trồng cây thuốc phiện. Thuốc phiện ngày ấy nhiều lắm, nở bạt ngàn quanh bản, khắp các triền núi. Tháng ba hoa nở tím các sườn núi, đi tới đâu cũng gặp hoa thuốc phiện.

Thuốc phiện ngày ấy nhiều lắm, nhà nào cũng có vài ba lạng trong nhà như một thứ “của chìm”, thóc gạo, rượu, thịt, vải vóc, quần áo… đều trông vào thứ “của chìm” ấy. Người ta cho nhau những cục nhựa thuốc phiện bằng quả trứng gà như mời nhau điếu thuốc.

18-20-41_2
Người phụ nữ ngơ ngác trước nương thuốc phiện sắp bị phá (Ảnh: Tư liệu)

Sống trong môi trường ngập tràn thuốc phiện như vậy mà Bản Mù chỉ có 60 người nghiện hút là quá ít. Còn ở huyện Mù Cang Chải, hồi ấy thống kê cứ mười người thì có một người nghiện hút.

Cty Một cây tồn tại được vài năm thì giải thể, nhưng hậu quả mà nó để lại thì thật khủng khiếp: Hàng trăm người nghiện hút, cho đến bây giờ vẫn chưa thể cai được, trong số các con nghiện có cả chủ tịch và bí thư xã.

Còn nhớ khi đến nhà Giàng A Tông ở ngay đầu thôn Khấu Ly, vợ ông là Thào Thị Pằng, cả hai vợ chồng đều nghiện hút, chồng nghiện đã 10 năm còn vợ thì mới nghiện có 6 năm.

Hôm ấy tôi gặp cả hai vợ chồng đang ở nhà “hầu dinh” (hút thuốc phiện), tôi hỏi Giàng A Tông: Nhà mình trồng thuốc phiện à? Ông gật đầu: Không trồng thì lấy đâu thuốc hút? Nói rồi ông hất hàm ra phía ngoài núi mịt mờ sương mù: Thuốc phiện trồng trên núi kia… Khi quay lại Khấu Ly, tôi hỏi trưởng bản Giàng A Vàng thì hay tin Giàng A Tông và vợ ông đã theo làn khói thuốc phiện về trời đã mấy năm rồi.

Giàng A Vàng dẫn tôi tới nhà nguyên Chủ tịch xã Giàng A Páo, ông từng là con nghiện nổi danh của xã Bản Mù, do nghiện hút nên người ta cho ông thôi chức. Nhà ông nằm cạnh con đường lên Bản Mù dưới bụi tre mọc um tùm, lúc này ở nhà chỉ có vợ ông là Sùng Thị Sua đang phơi váy áo.

18-20-41_4
Nhà nguyên Chủ tịch xã Bản Mù Giàng A Páo từng là con nghiện

Bà Sua cho hay ông Páo năm nay 61 tuổi, từ ngày không làm chủ tịch ông vẫn hút như khi làm chủ tịch. Mấy năm nay do không được trồng cây thuốc phiện, không có người bán, và không có tiền mua nên ông ấy bỏ rồi. Hôm nay ông ấy xuống huyện khám tai, đêm qua đau tai ông ấy không ngủ kêu suốt đêm…

18-20-41_5
Bà Sùng Thị Sua, vợ Giàng A Páo đang phơi váy áo

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó chủ tịch huyện Trạm Tấu cho biết: Số người nghiện hút của huyện Trạm Tấu khi cao nhất có tới 300 đối tượng, chủ yếu nghiện “thuốc đen”, đến nay số người nghiện chết dần nên chỉ còn khoảng 200 đối tượng chủ yếu là người già ở các thôn bản vùng cao, có hơn 10 đối tượng sử dụng thuốc trắng ở dưới thị trấn.

Theo bà Hà, diện tích trồng cây thuốc phiện ở Trạm Tấu có năm lên tới hơn 100 ha ở khắp 9 xã vùng cao, nhiều nhất là những xã giáp ranh. Niên vụ trồng cây thuốc phiện năm 2013-2014, toàn huyện Trạm Tấu chỉ có 100m2 trồng khu vực giáp ranh đã bị triệt phá.

Cuộc chiến xóa bỏ cây thuốc phiện ở Trạm Tấu vô cùng dai dẳng, năm nào cũng vậy, sau Tết nguyên đán huyện lại huy động cả trăm người lên các xã tìm phá cây thuốc phiện. Có năm thống kê được hơn 500 mảnh nương thuốc phiện trồng rải rác trên các sườn núi hay trong các rừng sâu.

18-20-41_6
Bản Mù nằm ở trung tâm xã Bản Mù từng trải qua cơn lốc trồng cây thuốc phiện

18-20-41_Ông Giàng A Phông, Bí thư xã Bản Mù: Số người nghiện hút của xã Bản Mù hiện không quá 10 người, chủ yếu là người già. Thanh niên thì không có rồi, do hằng năm huyện và xã tìm phá bằng hết số diện tích trồng cây thuốc phiện. Khi triệt phá nguồn cung thì số người nghiện mới không phát sinh mà số người nghiện cũ thì tự cai. Chúng tôi cam kết niên vụ trồng thuốc phiện năm nay xã Bản Mù không để một cây thuốc phiện mọc…

Cuộc chiến xóa bỏ cây thuốc phiện quyết liệt nhất bắt đầu từ năm 2007, Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái khi đó là bà Hoàng Thị Hạnh (nay là Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc) đã cùng lực lượng công an, dân quân… leo lên những vùng rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái - Sơn La để chỉ huy việc phá bỏ cây thuốc phiện.

Cây thuốc phiện ưa đất mùn, phát triển tốt trên độ cao từ 800m trở lên và chịu được giá lạnh. Vào mùa đông ở Trạm Tấu nhiều ngày nhiệt độ xuống tới 0oC, băng tuyết phủ trắng rừng, cây cỏ chết lụi vì băng giá, nhưng cây thuốc phiện thì cứ xanh ngằn ngặt, bất chấp giá rét.

Nương trồng thuốc phiện tốt nhất là những khu rừng già có lớp mùn dày, sau khi phát dọn họ trồng thuốc phiện ở đó, thuốc phiện cao ngập đầu, quả to bằng quả trứng vịt.

Những nương thuốc phiện tốt có thể thu mỗi ha trên 5kg nhựa, với giá thông thường 50 triệu/kg, thì mỗi ha trồng cây thuốc phiện thu từ 250-270 triệu là điều không khó. Trồng cây thuốc phiện mang lại lợi nhuận cao như thế, nên người nghiện trồng và người không nghiện cũng trồng để lấy thuốc đem bán.

Từ nguồn thu siêu lợi nhuận như vậy, nên người ta tìm đến các khu rừng già xa khu dân cư ẩn sâu trong các dãy núi phát rừng trồng cây thuốc phiện.

Nhiều diện tích rừng bị xóa sổ sau mỗi mùa hoa thuốc. Quyết triệt phá bằng được diện tích trồng thuốc phiện, hằng năm huyện Trạm Tấu huy động hàng trăm người đến các xã vùng cao tìm phá cây thuốc phiện.

Nhớ lại chuyến leo núi tìm phá cây thuốc phiện bà Hoàng Thị Hạnh thốt lên: Thuốc phiện trồng bạt ngàn, có những nương thuốc phiện trồng từ lâu lắm rồi, bởi những lều nương canh thuốc phiện làm bằng gỗ pơ mu rất chắc chắn, cạnh đó những cây đào họ trồng to bằng bắp đùi. Khi chúng tôi nhổ cây thuốc phiện lên, mới phát hiện ra họ thâm canh thuốc phiện bằng việc bón phân hoá học tổng hợp NPK...

Dường như sau mỗi đợt triệt phá cây thuốc phiện thì rừng lại bùng cháy, mọi người cho rằng nguyên nhân chính là do những kẻ trồng thuốc phiện bị phá đã gây ra.

Bởi thế hà cớ gì những tên Giàng A Trang, Tráng A Hành, Tráng A Su, Tráng A Sử đã phóng hoả đốt rừng để hại những người đi phá thuốc phiện?

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Kỳ tích' thủy lợi vùng đất lúa

Sau năm 1975, Bình Định gần như trắng hệ thống thủy lợi. Đến nay, tỉnh này đã xây dựng được 164 hồ chứa nước và 31 đập chính trên sông, đó là một kỳ tích.