| Hotline: 0983.970.780

Cuộc 'giải cứu' của Bí thư Tỉnh ủy cho 269 hộ vay nợ gán 405 ha đất trồng ngô

Thứ Sáu 23/12/2016 , 14:20 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, chúng tôi nhận được liên tiếp các cuộc gọi của người dân Sơn La với chung một thông điệp hoan hỉ rằng, hiệu quả của loạt phóng sự "Nước mắt, nỗi buồn và bi kịch của ngàn vạn kiếp người trồng ngô ở Sơn La" đăng trên Báo NNVN đã có tác động mạnh mẽ đến mức cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc gỡ bí cho nông dân mất đất.

Cả tỉnh cùng nhập cuộc

Trước đó, NNVN trở thành tờ báo tiên phong trong việc phát hiện, phản ánh tình trạng hàng trăm hộ trồng ngô ở hai xã Phiêng Pằn và Chiềng Lương của huyện Mai Sơn đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất vì gán nợ cho các chủ đầu tư giống, vật tư có biểu hiện nặng lãi.

23-50-56_dsc_5518
Giấy nợ đựng đầy két
 

Sống giữa vùng đất trù phú bậc nhất của Tây Bắc mà nhiều gia đình khánh kiệt đến mức phải đi ăn đong, cả năm không biết đến bộ quần áo mới, bệnh tật cũng không dám đi viện. Đó mới chỉ là hàng trăm gia đình ở địa bàn hai xã mà NNVN khảo sát, nếu tính chung trên địa bàn cả tỉnh, con số còn lớn hơn nhiều.

Nhiều độc giả gọi điện, tiếng nấc lẫn trong tiếng nói và bảo loạt bài đã chạm vào sâu thẳm trái tim họ. Nhiều tờ báo, kênh truyền hình trung ương và địa phương đã lần lượt lên tiếng kế tiếp để tạo thành một đợt “sóng lớn” trong dư luận.

Không để vấn đề trầm trọng hơn, huyện Mai Sơn và tỉnh Sơn La đã tổ chức gần chục cuộc họp để bàn cách tháo gỡ mà mới đây nhất là cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy do đích thân ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, tham dự còn có ông Nguyễn Đắc Quỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hữu Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh…


Ông bố trẻ này đang hi vọng sẽ có đất để canh tác
 

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Mai Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng vay nợ tiêu dùng, gán nợ đất sản xuất do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng vay nợ tiêu dùng, gán nợ đất trên địa bàn huyện; đã thành lập 3 tổ công tác để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch đã đề ra, cụ thể:

Tổ số 1 chịu trách nhiệm phân loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp; lựa chọn mô hình, đề xuất phương án hỗ trợ sản xuất; rà soát, tổng hợp số hộ vay nợ tiêu dùng, gán nợ đất; định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tổ số 2 chịu trách nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, các hoạt động về văn hóa - xã hội.

Tổ số 3 chịu trách nhiệm vụ rà soát, củng cố tài liệu, chứng cứ để xem xét các dấu hiệu vi phạm của các chủ nợ; theo dõi nắm tình hình và tham mưu đề xuất hướng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; làm việc với các nhà đầu tư bàn, thống nhất phương án giải quyết để trả lại đất sản xuất cho người dân.

Do việc vay nợ, gán nợ đất và cho thuê thầu đất được thực hiện theo hình thức trao tay, người dân tự thỏa thuận với chủ nợ không có sự chứng kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không cung cấp đầy đủ các giấy tờ có liên quan nên việc thống kê, rà soát rất khó. Tuy nhiên, theo con số tạm cho là tin cậy, trên địa bàn 2 xã Phiêng Pằn và Chiềng Lương có 269 hộ vay nợ không có khả năng trả phải gán đất trồng ngô cho 120 chủ nợ với diện tích là 405 ha, tổng số tiền nợ trên 15,6 tỷ đồng, trong đó có 110 hộ có khả năng trả nợ, 159 hộ không có khả năng trả nợ, với số tiền là 13,8 tỷ đồng. 

23-50-56_dsc_5564
Bữa ăn của một gia đình trồng ngô
 

Qua nghiên cứu một số giấy tờ vay nợ, gán đất, cho thuê thầu đất mà tổ công tác thu thập được, bước đầu xác định: Các chủ nợ cho người dân vay chủ yếu bằng tiền mặt, thực phẩm và vật tư (giống ngô, phân bón, thuốc trừ sâu…); việc cho vay diễn ra trong thời gian dài sau đó chốt sổ, cộng tiền viết giấy tờ vay nợ và giấy tờ gán đất, cho thuê thầu đất khi không có khả năng thanh toán nợ, có ký nhận hoặc điểm chỉ của người dân.

Nội dung thỏa thuận dưới dạng nhận và trả tiền mặt; nhận tiền mặt và trả bằng ngô; nhận hiện vật (cây, con giống, phân bón, đồ tiêu dùng…) và trả bằng ngô; nhận tiền rồi giao cho chủ nợ quản lý sử dụng đất sản xuất trong thời gian từ 5 năm đến 10 năm, hết thời gian nói trên chủ nợ có trách nhiệm trả lại đất và xóa hết nợ cho dân.
 

Gặp cả chủ đại lý lẫn người dân

Qua làm việc trực tiếp với một số chủ nợ trên địa bàn xã Phiêng Pằn đoàn công tác xác định: Do người dân không trả nợ dứt điểm theo từng năm vay nên số tiền cộng dồn lại sau một số năm là rất lớn, dẫn đến không có khả năng thanh toán, nên các bên thỏa thuận gán đất cho chủ đầu tư trong thời gian từ 5-10 năm, khi hết thời gian sẽ trả lại đất và xóa hết nợ cho người dân.

Các chủ nợ cơ bản nhất trí sẽ trả đất cho người dân nếu người dân có kế hoạch trả nợ, có cam kết sẽ trả nợ dần; nhất trí chốt nợ, khoanh nợ, không tính lãi suất và thực hiện việc giãn nợ cho người dân và cam kết không cưỡng ép người dân trả nợ, làm ảnh hưởng dẫn đến an ninh trật tự của địa phương.

Qua làm việc với các hộ dân tại bản Ta Lúc, xã Phiêng Pằn cho thấy việc vay nợ của người dân với chủ đầu tư là có thực; việc gán đất trả nợ của người dân là tự nguyện, không bị ép buộc. Đa số người dân mong muốn được chủ đầu tư khoanh nợ, không tính lãi và cho nhận lại đất để phát triển sản xuất; cam kết có trách nhiệm trả nợ cho các chủ đầu tư. Cá biệt có hộ không có nhu cầu nhận lại đất do số tiền nợ lớn hơn giá trị đất đã gán cho chủ đầu tư và gia đình vẫn còn đất để sản xuất.

23-50-56_dsc_5490
Gia cảnh khốn khó của một gia đình
 

Mai Sơn đã tổ chức họp dân tại 12/12 bản của xã Phiêng Pằn để thống nhất, lựa chọn mô hình và phương án hỗ trợ sản xuất, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tổ chức cho các hộ dân đăng ký tham gia mô hình...

Hiện tại đã có 102 hộ (95 hộ xã Phiêng Pằn, 17 hộ xã Chiềng Lương) đăng ký tham gia mô hình; đã triển khai thực hiện 2 mô hình ghép nhãn tại xã Phiêng Pằn, đang xây dựng phương án hỗ trợ 4 mô hình sản xuất tại xã Phiêng Pằn và 2 mô hình sản xuất tại xã Chiềng Lương.

Đã làm việc với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La và một số HTX trên địa bàn để kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn các xã có người dân phải gán nợ đất (hiện tại đã triển khai trồng 150 ha Mía tại 3 bản Kết Hay, Pá Nó, Nà Pồng xã Phiêng Pằn).

Đã triển khai sửa chữa 2 tuyến đường liên bản với tổng chiều dài 54 km, tổng kinh phí 770 triệu để tạo điều kiện cho nhân dân vận chuyển, tiêu thụ nông sản…

Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, thứ nhất là việc tuyên truyền, vận động phải làm nổi bật thông điệp đối với cây ngô hiện nay đang thất thế về kinh tế, phải chuyển đổi sang cây trồng khác, nhưng trồng cây gì để thay? Thứ hai là xử lý cho được nguyên nhân chi tiêu quá mức và nhất là các thủ tục lạc hậu. Thứ ba là phải làm rõ căn cứ pháp lý đối với 269 hộ dân gán đất trả nợ, làm rõ mối quan hệ của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất